Vấn đề phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam

ThS. Phạm Đức Duy - Hải Phòng

Trọng tâm của chính sách ứng dụng và phát triển công nghệ cao của nước ta là tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có không ít bất cập trong công tác đào tạo nhân lực công nghệ cao. Nguồn nhân lực công nghệ cao còn thiếu rất nhiều, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ. Ðây là lý do khiến Việt Nam đi sau hàng chục năm so với nhiều nước đang phát triển khác.

Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách và những ưu đãi cụ thể để phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. Nguồn: Internet.
Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách và những ưu đãi cụ thể để phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. Nguồn: Internet.

Nhân lực công nghệ cao: Yếu và thiếu

Theo các chuyên gia, đến nay, Việt Nam vẫn chưa sở hữu hay làm chủ được bất kỳ công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi nào thuộc lĩnh vực công nghệ cao mà chỉ dừng ở mức độ làm chủ được một vài công đoạn, một số quá trình, hoặc một số yếu tố công nghệ cao nào đó.

Nguyên nhân là do đầu tư cho công nghệ cao còn thấp, bí quyết công nghệ cao mà những tổ chức, quốc gia đang sở hữu luôn nắm giữ như một bí quyết cạnh tranh chủ yếu, nên không muốn chuyển giao. Trong khi đó, mặc dù đã có những cơ hội hợp tác và phát triển về công nghệ cao nhưng chúng ta vẫn chưa sẵn sàng, hoặc vẫn chỉ tập trung vào cách đi truyền thống của những nước khác, chưa tạo được bước đột phá...

Theo dự kiến đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ cao đến năm 2020, các Trường đại học cần tuyển 30 nghìn sinh viên công nghệ thông tin (CNTT), 25 nghìn sinh viên công nghệ sinh học, 25 nghìn sinh viên công nghệ tự động hóa và 25 nghìn sinh viên công nghệ vật liệu. Bên cạnh đó, phải đào tạo 28 nghìn người trình độ sau đại học về các lĩnh vực này. Thế nhưng, hiện nay đội ngũ giảng viên tại các trường đại học về công nghệ cao còn thiếu rất nhiều.

Trong tổng số 5.094 giảng viên cơ hữu của 10 trường đại học được thống kê, chỉ có khoảng 1.500 giảng viên đúng chuyên ngành công nghệ cao, chiếm tỷ lệ 29,9%; trong đó chức danh giáo sư có 11 người, phó giáo sư có 97 người, tiến sỹ 270 người và 694 người có trình độ thạc sỹ. Ðây là thách thức lớn và cũng là áp lực lớn đối với việc đào tạo nhân lực cho các ngành công nghệ cao.

Tại lĩnh vực CNTT, hiện các trường đại học trong cả nước cung cấp cho thị trường lĩnh vực này khoảng 110.000 kỹ sư/năm nhưng trên thực tế chỉ khoảng 10% sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT có thể phục vụ tốt ngành này. Điều này dẫn đến tình trạng, mặc dù thiếu nhân lực nhưng các DN phần mềm không thể tuyển dụng được ngay số lượng nhân viên như mong muốn.

Một câu chuyện đáng để suy nghĩ khi một tập đoàn CNTT của Nhật Bản làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, phía đối tác ngỏ ý cần khoảng 200 lao động trong lĩnh vực thiết kế bo mạch điện tử nhưng chúng ta đã không thể đáp ứng được yêu cầu này. Qua sát hạch kỹ sư CNTT theo tiêu chuẩn Nhật Bản, tỷ lệ đạt là rất thấp, chỉ dưới 10%. Số liệu cũng cho thấy, các trường đại học trong cả nước cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực CNTT trung bình 110 nghìn kỹ sư/năm, nhưng chỉ khoảng 10% số sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể đáp ứng yêu cầu công việc.

Tương tự, tại lĩnh vực công nghệ vật liệu nguồn nhân lực công nghệ cao cũng rơi vào tình trạng “cung không kịp cầu” mặc dù việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này được triển khai ở hầu hết các trường trên cả nước như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Xây dựng, Phòng thí nghiệm công nghệ nano, Viện Khoa học Vật liệu xây dựng, Viện đào tạo quốc tế, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển… nhưng số liệu thống kê về số lượng đào tạo cũng chưa được cập nhật đầy đủ.

Việc thiếu nguồn nhân lực đại học tại lĩnh vực tự động hóa cũng đang diễn ra tình trạng đào tạo không kịp với nhu cầu sử dụng thực tế. Cụ thể là hầu hết, số nhân lực tự động hóa chưa theo kịp được với nhu cầu phát triển của Ngành; nguồn nhân lực công nghệ sinh học của Việt Nam cũng đang đi sau hàng chục năm so với nhiều nước đang phát triển.

Tính đến năm 2007, chúng ta mới đào tạo được 1.500 công nhân/kỹ sư, 400 thạc sỹ và 90 tiến sỹ về công nghệ sinh học. Trong khi đó, cùng với CNTT, công nghệ sinh học được coi là làn sóng thứ 5 trong lịch sử phát triển của khoa học công nghệ thì chúng ta lại đang thiếu các cán bộ đầu đàn giỏi, xứng tầm để “điều khiển dàn nhạc công nghệ sinh học nông nghiệp một cách nhịp nhàng, giải quyết được những hạn chế, tồn tại mà lĩnh vực công nghệ sinh học đang gặp phải”. Chính vì thế, mặc dù mạng lưới các phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học được thành lập ở nhiều nơi nhưng đến nay vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong nghiên cứu và ứng dụng.

Không chỉ thiếu, đánh giá chung chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam còn yếu. Theo đánh giá của Viện Khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam cho thấy, về thực trạng, cơ cấu nguồn nhân lực KHCN của Việt Nam trong đó có công nghệ cao còn nhiều bất hợp lý. Cụ thể, số lượng nhân lực có trình độ trên đại học trong lĩnh vực KHCN chỉ chiếm khoảng 10%.

Trong khi đó, chất lượng của cán bộ KHCN cũng còn nhiều vấn đề, tỷ lệ cán bộ khoa học làm tốt chuyên môn nghiệp vụ chỉ chiếm khoảng 35%, tỷ lệ cán bộ yếu kém về trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ là 28%. Theo kết quả điều tra của Bộ KHCN, tiềm lực KHCN tại 233 đơn vị thuộc các bộ, ngành Trung ương cho thấy, tuổi đời của cán bộ có chức danh khoa học khá cao (bình quân 57,2 tuổi), trong đó giáo sư là 59,5 tuổi, phó giáo sư là 56,4 tuổi. Số cán bộ có chức danh khoa học ở độ tuổi dưới 50 chỉ chiếm 12% trong đó giáo sư là 7,2%, phó giáo sư là 13,5%.

Một thực tế nữa khiến nguồn nhân lực KHCN nói chung và công nghệ cao nói riêng yếu kém về chất lượng là do năng lực ngoại ngữ, khả năng hiểu biết về văn hóa ứng xử, giao lưu quốc tế của phần lớn đội ngũ khoa học chúng ta còn tương đối hạn chế. Kết quả điều tra cũng cho thấy, chỉ có dưới 50% số cán bộ khoa học có tham dự các hội nghị KHCN quốc tế và quan hệ thường xuyên với cộng đồng khoa học quốc tế. Điều này cho thấy, khả năng, năng lực tham gia hội nhập quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.

Đào tạo nhân lực công nghệ cao: Cần “bắt tay” với nhu cầu

Có thể thấy, việc phát triển công nghệ cao của Việt Nam hiện đang gặp phải những thách thức, đó là chi phí đầu tư cho công nghệ cao còn thấp, việc triển khai các chính sách về phát triển công nghệ cao còn chậm và không nhất quán. Trong khi, hệ thống pháp luật về công nghệ cao của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Để giải quyết những vướng mắc trên, nhiều chuyên gia khẳng định rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay chính là sự bắt tay mật thiết của Viện - Trường – doanh nghiệp và vai trò quan trọng của Nhà nước trong việc tìm ra lời giải cho bài toán đào tạo nhân lực công nghệ cao theo nhu cầu xã hội.

Trong đó, các bộ, ngành có liên quan: (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cần phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc đào tạo nhân lực công nghệ cao theo nhu cầu xã hội. Đối với các viện, trường, trung tâm đào tạo, cần phải phối hợp chặc chẽ với các cơ sở công nghệ cao tự đánh giá các chương trình đang được đào tạo công nghệ cao tại cơ sở, điều chỉnh nội dung môn học, đồng thời cập nhật nội dung mới đưa vào chương trình giảng dạy.

Nhà nước cũng cần khẩn trương có những chính sách và những ưu đãi cụ thể để phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao tại Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, Việt kiều là đối tượng cần được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, sử dụng đất và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật nhằm thu hút đầu tư. Về chính sách sở hữu trí tuệ, đề nghị cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cá nhân nhà khoa học, doanh nghiệp công nghệ cao đăng ký sở hữu trí tuệ ở nước ngoài.

Theo dự kiến đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ cao, đến năm 2020, các trường đại học cần tuyển 30.000 sinh viên CNTT, 25.000 sinh viên công nghệ sinh học, 25.000 sinh viên công nghệ tự động hóa và 25.000 sinh viên công nghệ vật liệu. Bên cạnh đó, phải đào tạo 28.000 người trình độ sau đại học về các lĩnh vực này. Hiện nay đội ngũ giảng viên tại các trường đại học về công nghệ cao còn thiếu rất nhiều.

Trong tổng số 5.094 giảng viên cơ hữu của 10 trường đại học được thống kê, chỉ có khoảng 1.500 giảng viên đúng chuyên ngành công nghệ cao, chiếm tỷ lệ 29,9%; trong đó, chức danh giáo sư chỉ có 11 người, phó giáo sư chỉ có 97 người, tiến sĩ chỉ có 270 người và 694 người có trình độ thạc sĩ. Đây quả thực là thách thức lớn và cũng là áp lực lớn đối với việc đào tạo nhân lực cho các ngành công nghệ cao.

Tài liệu tham khảo:

1.http://nistpass.gov.vn:81/tin-chien-luoc-chinh-sach/1063-dap-ung-nguon-nhan-luc-de-thu-hut-fdi-trong-linh-vuc-cong-nghe-cao.html;

2.Bộ Thông tin và Truyền thông (2014). Sách trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam 2014, NXB. Thông tin và Truyền thông;

3.http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/nhu-cau-ky-su-cao-nhung-kho-tuyen-532534.html.