Vận động bầu cử như thế nào để thu hút được sự ủng hộ cử tri?

PV.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là một sự kiện chính trị quan trọng và sinh hoạt dân chủ sâu rộng trong nhân dân. Tổ chức tốt công tác vận động bầu cử sẽ góp phần quan trọng giúp cử tri lựa chọn được những người đủ tiêu chuẩn và thật sự tiêu biểu, xứng đáng là đại diện của nhân dân.

Người dân Thủ đô xem danh sách niêm yết cử tri. Ảnh: Khánh Huy
Người dân Thủ đô xem danh sách niêm yết cử tri. Ảnh: Khánh Huy

Vận động bầu cử như thế nào?

Được tổ chức, cơ quan và cử tri nơi cư trú tin tưởng giới thiệu ứng cử vào cơ quan dân cử là niềm vinh dự lớn với ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Gắn với vinh dự này là trách nhiệm của mỗi ứng cử viên phải chứng tỏ với sự tin tưởng của tổ chức, cơ quan và cử tri. Trách nhiệm đó trước hết phải được thể hiện qua các hoạt động vận động bầu cử, một trong những nhân tố quyết định sự lựa chọn của cử tri trong ngày bầu cử.

Từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ là thời gian ứng cử viên đại biểu dân cử tiến hành vận động bầu cử thông qua các cuộc tiếp xúc cư tri và các phương tiện thông tin đại chúng. Như vậy, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân chính thức có 1 tháng để tiến hành vận động bầu cử, thu hút sự chú ý và ủng hộ để cử tri bầu mình.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì có hai hình thức vận động bầu cử mà người ứng cử có thể tiến hành, đó là thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức và vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức, sau khi đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổ chức hội nghị giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử thì từng người ứng cử sẽ trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân. Sau đó, cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Cả người ứng cử và cử tri đều được trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm tại hội nghị.

Đối với hình thức vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng, người tham gia ứng cử có điều kiện trình bày về dự kiến chương trình hành động của mình qua trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương nơi ứng cử và trên các trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng Bầu cử quốc gia hoặc trang tin điện tử về bầu cử của Ủy ban Bầu cử địa phương (nếu có). Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức việc đăng tải, thông tin chương trình hành động của người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.

Ứng cử viên nên làm gì khi vận động bầu cử?

Ứng cử viên dù là người được đề cử hay là người tự ứng cử đều bình đẳng trước pháp luật do đó cần chủ động gần gũi, gặp gỡ, trò chuyện với cư tri. Các cuộc tiếp xúc cử tri là dịp để ứng cử viên đại biểu dân cử “tập dượt” kỹ năng thuyết trình trên diễn đàn và ngược lại cũng là cơ hội cử tri dành sự tín nhiệm và lựa chọn những ứng cử viên đáp ứng được tâm tư kỳ vọng của cử tri.

Ứng cử viên cần coi các cuộc tiếp xúc cử tri là cơ hội quan trọng để thể hiện, xây dựng hình ảnh bản thân và tranh thủ sự tín nhiệm của cử tri đối với mình. Để xây dựng hình ảnh đẹp với cử tri, ứng cử viên cần thể hiện rõ đặc trưng của một người đại diện cho địa phương, ngành, lĩnh vực, từ đó tạo sự khác biệt với các ứng cử viên khác. Sự khác biệt này phải được xây dựng từ những chi tiết nhỏ, thông qua tác phong, trang phục, ngôn ngữ... Nói cách khác, các ứng cử viên cần chú ý tạo dựng hình ảnh, dáng điệu và cử chỉ thân thiện, văn minh để tạo thiện cảm với cử tri, người dân và quyết định bầu cho mình. Bên cạnh đó, ứng cử viên cũng phải thể hiện phong cách làm việc chuyên nghiệp, chẳng hạn như: Tuân thủ thời gian; giữ đúng lời hứa những việc đã hẹn; chủ động chuyện trò với cử tri trước hội nghị tiếp xúc để tìm hiểu tâm tư, kịp thời đưa vào bài giới thiệu…

Ứng cử viên cũng cần cập nhật đầy đủ chương trình, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực, cơ quan mình công tác, vì có nắm vững thông tin liên quan mới có cơ sở đưa ra câu trả lời đầy đủ, thuyết phục nhất với băn khoăn của cử tri. Đồng thời, chủ động liên hệ với ngành dọc của mình tại địa bàn ứng cử để nắm chắc tình hình của địa phương, tâm tư, mong muốn của cử tri. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, nếu không tìm hiểu, nắm chắc tình hình địa phương và chuẩn bị tinh thần ứng phó với các tình huống cụ thể, các ứng cử viên sẽ lúng túng, dễ mất điểm trước cử tri.

Bên cạnh đó, ứng cử viên cần nghiêm túc đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ để xây dựng chương trình hành động cá nhân tạo thiện cảm với cử tri, cũng như thể hiện được năng lực, bản lĩnh của bản thân. Kinh nghiệm qua các cuộc bầu cử cho thấy, để thu hút được sự chú ý và ủng hộ của cử tri, các ứng cử viên không nên trình bày chương trình hành động chung chung, mà cần ngắn gọn, xúc tích, mạch lạc, cần nêu cụ thể những vấn đề sát hợp với địa phương, cơ sở, nêu lên được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Lắng nghe, ghi chép đầy đủ các ý kiến của cử tri, giải thích, tiếp thu một cách cầu thị các yêu cầu của cử tri. Ứng cử viên cũng có thể gửi chương trình hành động đến các cử tri tham dự, nhưng không nên quá phụ thuộc vào bản đã viết sẵn. Các ứng cử viên cần cam kết với cử tri những việc có thể làm nếu được tín nhiệm là đại biểu dân cử. Đặc biệt, nên nhấn mạnh, tập trung vào những việc mình có thể thực hiện được để góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng địa phương, cơ sở nơi mình ứng cử.

Sau mỗi cuộc tiếp xúc cử tri, các ứng cử viên cần liên hệ với Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương, cơ sở thuộc đơn vị bầu cử để rút kinh nghiệm, thu thập ý kiến nhận xét về chương trình hành động và cách thức trình bày trước cử tri để bổ sung, hoàn chỉnh, bảo đảm cho các cuộc tiếp xúc cử tri tiếp theo được tốt hơn.