Vận dụng lý thuyết vật quyền xây dựng Bộ luật Dân sự

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tài sản và quyền sở hữu là một chế định quan trọng trong Bộ luật Dân sự 2005, đã tạo cơ sở pháp lý để cá nhân, tổ chức thực hiện quyền sở hữu và là căn cứ để Tòa án giải quyết các tranh chấp về tài sản. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nội dung này còn nhiều điểm hạn chế và nguyên nhân dẫn tới những vướng mắc khi áp dụng quy định về tài sản và quyền sở hữu trong Bộ luật Dân sự 2005 là do lý thuyết vật quyền chưa được thừa nhận và vận dụng.

Vận dụng lý thuyết vật quyền xây dựng Bộ luật Dân sự
Tài sản và quyền sở hữu là một chế định quan trọng trong Bộ luật Dân sự 2005. Nguồn: internet

Băn khoăn về tên gọi

Tại Hội thảo góp ý các quy định về chủ thể, chế định tài sản và quyền sở hữu trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức ngày 17.3, Ts Bùi Minh Hồng, Trưởng phòng Pháp luật dân sự, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, vật quyền là quyền của một người được tác động trực tiếp lên vật nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất, tinh thần của mình. Bộ luật Dân sự 2005 do chưa được xây dựng trên lý thuyết căn bản về vật quyền nên chưa làm rõ được bản chất, phạm vi của khái niệm tài sản và mối quan hệ giữa các quyền tài sản. Điều đó dẫn tới việc nhiều quyền đối với tài sản chưa được gọi tên và định nghĩa đầy đủ.

Thực tế cho thấy, ở nước ta, việc thành lập các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đã làm xuất hiện nhu cầu xây dựng một chế định pháp lý đặc thù cho tài sản mà Nhà nước đã giao cho các doanh nghiệp này. Về nguyên tắc, tài sản vẫn thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện sở hữu, nhưng doanh nghiệp nhà nước cũng phải có một số quyền nhất định trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với các tài sản này. Quyền này là gì, tên gọi ra sao, nội dung như thế nào, đây có phải là một dạng vật quyền hạn chế hay không đang là những vấn đề được khoa học kinh tế và pháp lý quan tâm. Tuy nhiên, cho đến nay, những thắc mắc đó vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng và nguyên nhân sâu xa của tình trạng này không có gì khác ngoài việc lý thuyết vật quyền chưa được thừa nhận và vận dụng trong quá trình xây dựng Bộ luật Dân sự cũng như các luật chuyên ngành khác có liên quan.

Xuất phát từ thực tiễn đó, xây dựng Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) trên cơ sở lý thuyết vật quyền là một trong những yêu cầu được đặt ra. Việc áp dụng lý thuyết này được thể hiện ngay ở sự thay đổi tên gọi của chương về tài sản. Nếu như Bộ luật Dân sự 2005 sử dụng khái niệm Tài sản và quyền sở hữu thì tên gọi của dự thảo đã có sự thay đổi là Quyền sở hữu và các vật quyền khác. Theo Luật sư Lê Duy Lãm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, mặc dù có không ít ý kiến cho rằng, khái niệm vật quyền mang tính chất vay mượn từ nước ngoài và gây ra sự khó hiểu, xa lạ đối với người dân, song đây là thuật ngữ pháp lý đòi hỏi tính chuẩn mực. Do vậy, cách thay đổi tên gọi như dự thảo là phù hợp, bao quát được nhiều loại quyền đối với vật đang tồn tại trong nền kinh tế thị trường.

Tuy nhiên, Ts Vũ Thị Hồng Yến – Giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng, tên gọi mà dự thảo luật đưa ra chưa đầy đủ. Bởi lẽ, trong chương này có 3 nội dung mang giá trị, vị trí tương đương với nhau là chiếm hữu, quyền sở hữu và các vật quyền khác. Nếu chỉ sử dụng tên gọi quyền sở hữu và các vật quyền khác, đương nhiên đã bỏ lửng nội dung liên quan tới chiếm hữu. Vậy chiếm hữu có ý nghĩa như thế nào trong phần này? Bên cạnh đó, khái niệm vật quyền khác ở đây là khác với cái gì cũng là câu hỏi được đặt ra, có phải là khác với quyền sở hữu không trong khi về mặt lý thuyết thì quyền sở hữu cũng là một loại vật quyền chính. Nên chăng đặt tên phần này là Vật quyền, trong đó bao gồm: Chiếm hữu, Quyền sở hữu (hoặc Vật quyền chính), Quyền của người không phải là chủ sở hữu (hoặc Vật quyền khác). Nếu sử dụng khái niệm quyền sở hữu, cần có những cụm từ tương ứng như quyền sở hữu và những quyền liên quan tới quyền sở hữu. Cách đặt tên như vậy sẽ dễ hiểu hơn, bảo đảm được tính logic, chặt chẽ của pháp luật.

Chưa rõ ràng về khái niệm

Một trong những điểm mới cũng thể hiện rõ việc áp dụng lý thuyết vật quyền trong xây dựng Bộ luật Dân sự là sửa đổi khái niệm về tài sản. Theo các chuyên gia, khái niệm về tài sản dưới dạng liệt kê bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, tại Điều 163 Bộ luật Dân sự 2005 mới chỉ thể hiện được dưới dạng ngữ nghĩa chứ chưa chỉ dẫn đến hậu quả pháp lý và do đó, quy định này không có giá trị áp dụng mà còn gây rối trong cách hiểu và vận dụng luật. Điều 181 văn bản này cũng đưa ra quy định về quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ. Không ít người băn khoăn: yêu cầu trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự chỉ được đặt ra đối với quyền tài sản và quyền sở hữu trí tuệ hay đối với cả vật, tiền, giấy tờ có giá? Như vậy, quy định về tài sản vẫn chưa rõ là chung mọi vấn đề về tài sản hay chỉ quy định dưới góc độ là đối tượng của các giao dịch dân sự.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại Điều 122 quy định, tài sản có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản khác. Ts Nguyễn Hồng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho biết, việc liệt kê đối tượng sở hữu trí tuệ cũng nằm trong Tài sản đã gây ra nhiều tranh luận, bởi Luật Sở hữu trí tuệ không chỉ quy định về quyền tài sản mà còn bao gồm cả quyền nhân thân và các quyền khác có liên quan, do vậy nếu chỉ dùng khái niệm quyền sở hữu trí tuệ sẽ rộng và không đúng với bản chất.

Song, có ý kiến cho rằng, định nghĩa này không khắc phục được những hạn chế, vướng mắc hiện hành. Nếu liệt kê tài sản như trong dự thảo sẽ có nhiều nội dung phát sinh, bức xúc trong xã hội không giải quyết được, đơn cử như tài sản ảo có được công nhận là tài sản hay không? Bộ phận cơ thể người, quan hệ với khách hàng có được coi là tài sản hay không?

Theo Pgs. Ts Bùi Đăng Hiếu – Trưởng ban chuyên ngành Luật Dân sự - Trường ĐH Luật Hà Nội, khái niệm về vật tại Điều 125 của Dự thảo sẽ gây ra nhiều băn khoăn. Bởi theo quy định này, vật được định hình ở thể rắn, lỏng, khí và các dạng khác mà con người có thể nắm giữ, chi phối. Song, các dạng khác ở đây là dạng gì cũng chưa rõ ràng. Nếu Ban soạn thảo hiểu dạng khác là quyền tài sản sẽ sai hoàn toàn bản chất vì quyền tài sản là tài sản khác chứ không được xem là vật. Mặt khác, tiền là tài sản phổ biến, rất quan trọng vẫn chưa được ghi nhận trong văn bản này, từ chỗ chưa có quy định sẽ dẫn đến những cách hiểu khác nhau.  Mặc dù dự thảo đã bổ sung thêm quy định về giấy tờ có giá song vẫn chưa giải quyết được thắc mắc của số đông về việc sổ tiết kiệm có nằm trong các loại giấy tờ có giá hay không? Đó là những nội dung cần nghiên cứu lại để hoàn thiện Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).