Vàng biến động nhất thời không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất và tỷ giá

Theo nhandan.com.vn

Sau biến động trên thị trường vàng những ngày qua, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, thị trường vàng mang tính đầu cơ rất cao, biến động vừa qua chỉ là nhất thời không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất và tỷ giá.

Phóng viên: Thưa ông, mấy ngày nay trên thị trường tài chính tiền tệ, đặc biệt là thị trường vàng đã có những biến động mạnh, chỉ trong ngày 6/7 giá vàng đã tăng theo thế giới tới hai triệu đồng để đạt mốc 40 triệu đồng mỗi lượng. Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng này? Chúng ta có dự đoán được trước không?

Vàng biến động nhất thời không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất và tỷ giá - Ảnh 1

TS. Nguyễn Đức Độ

TS. Nguyễn Đức Độ: Sau khi xảy ra sự kiện Brexit, giá vàng thế giới bắt đầu tăng và theo quy luật, giá vàng trong nước cũng phải tăng theo. Việc giá vàng thế giới tăng do Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, về cơ bản, đã được dự đoán từ trước. Lý do là Brexit sẽ dẫn đến những chia rẽ về chính trị trong nội bộ nước Anh cũng như trong Liên minh châu Âu. Hơn nữa, hoạt động thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu cũng bị ảnh hưởng. Những yếu tố này tạo nên những lo ngại về sụt giảm đầu tư, tăng trưởng tại Anh, châu Âu và rộng hơn là toàn cầu. Trước tình hình đó, các NHTW trên thế giới, đặc biệt là Cục dự trữ Liên bang Mỹ, sẽ phải trì hoãn chính sách tăng lãi suất, thậm chí phải nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa. Đây là yếu tố quan trọng khiến giá vàng tăng thời gian qua. Mặc dù vậy, mức độ tăng của giá vàng như thế nào là rất khó dự báo, vì thị trường vàng mang tính đầu cơ rất cao.

Ông có khuyến cáo gì đối với doanh nghiệp, người dân trước những biến động như vậy?

Đầu tư vàng có thể đem lại lợi nhuận cao, nhưng rủi ro cũng rất cao, vì giá vàng rất khó đoán định. Việc đầu tư vàng hay không là quyết định của mỗi cá nhân, tùy thuộc vào khả năng chấp nhận rủi ro.

Theo ông về phía cơ quan chức năng có nên đưa ra những chỉ dẫn kịp thời cho doanh nghiệp, người dân trong những lúc như hiện nay?

Có lẽ, các cơ quan chức năng cũng chỉ có thể đưa ra cảnh báo về những rủi ro của việc đầu tư vàng. Do giá vàng biến động khôn lường, nên rất khó để đưa ra một chỉ dẫn cụ thể.

Thưa ông, sự kiện Brexit đã và đang khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo, khiến các đồng tiền bảng Anh, Euro, Nhân dân tệ sụt giá, trong khi một số đồng tiền khác cũng có quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính với Việt Nam lại lên giá. Thậm chí có chuyên gia tài chính thế giới mô tả hệ thống tài chính thế giới đang lâm vào suy thoái, hỗn loạn, thậm chí là sụp đổ. Vậy tình hình tài chính thế giới tác động đến chúng ta như thế nào? Ông có thể nhận định từng vấn đề cụ thể về tỷ giá, vàng, chứng khoán và lãi suất.

Những diễn biến về tài chính-tiền tệ trong thời gian gần đây cho thấy, ảnh hưởng của sự kiện Brexit đến Việt Nam là không quá lớn. Tỷ giá và lãi suất, về cơ bản, vẫn ổn định, vì Việt Nam điều hành tỷ giá trên một rổ tiền tệ, đồng thời NHNN vẫn cam kết ổn định tỷ giá nên đã hạn chế được các hoạt động đầu cơ.

Tuy nhiên, đối với vàng sẽ khó hơn, đặc biệt nếu như sự kiện Brexit được kỳ vọng tạo nên một sự gia tăng của giá vàng trong trung-dài hạn. Lúc đó, sẽ khó cản việc người dân nắm giữ vàng, vì Nhà nước sẽ không đủ nguồn lực để khiến giá vàng trong nước không tăng, trong khi giá vàng thế giới vẫn tăng. Nhưng nếu sự gia tăng của giá vàng trong mấy ngày gần đây chỉ là nhất thời, nó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất và tỷ giá.

TPCP trở thành kênh đầu tư hấp dẫn

Thưa ông, trái ngược với những bất ổn về vàng, thì việc huy động TPCP trong nước lại tỏ ra khá tích cực. Theo thống kê mới nhất từ HNX thì trong sáu tháng đầu năm 2016, đã huy động TPCP bằng gần 90% năm trước. Cụ thể, tính đến 30/6/2016, Sở đã tổ chức chức 100 phiên đấu thầu với tổng khối lượng trái phiếu trúng thầu qua HNX đạt hơn 212 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 90% khối lượng huy động năm 2015. Giá trị giao dịch TPCP có nhiều phiên đạt đến 8.000 tỷ đồng/phiên, cá biệt có phiên đạt 12.000 tỷ đồng/phiên. Giá trị giao dịch TPCP bình quân phiên đạt 5.150 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015.Vậy ông lý giải sao về điều này?

Việc huy động TPCP thuận lợi trong sáu tháng đầu năm 2016 có thể do ba nguyên nhân: Thứ nhất là do kinh tế tăng trưởng chậm lại, tín dụng tăng yếu nên các NHTM mua TPCP nhiều hơn vì dự đoán lãi suất sẽ giảm nhẹ và giá TPCP tăng. Thứ hai là NHNN cũng nới lỏng chính sách tiền tệ hơn. Và thứ ba là do những quy định về giới hạn nắm giữ TPCP đối với các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được nới rộng hơn. Khi tiền tệ được nới lỏng, đồng thời việc cho vay (trong đó có cho vay bất động sản) trở nên rủi ro hơn, TPCP trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.

Trước tình hình tài chính thế giới hiện nay thì FED, các ngân hàng trung ương vẫn chưa có bước đi cụ thể nào. Tại sao vậy? Ông có thể dự đoán các nước tới đây sẽ phản ứng thế nào và điều này sẽ tác động đến chúng ta ra sao?

Hiện tại, tất cả đều cho rằng Brexit sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế châu Âu và thế giới. Tuy nhiên, tác động cụ thể lớn đến đâu lại không dễ dự báo. Bản thân việc Anh có rời khỏi Liên minh châu Âu hay không cũng chưa thể khẳng định 100%. Đây là lý do các NHTW như Fed vẫn đang chờ đợi. Fed có thể sẽ đợi khi biết rõ Brexit tác động thế nào đến kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Như vậy, khả năng Fed tăng lãi suất trong năm nay là không lớn.

Cần giảm lãi suất, tăng đầu tư tư nhân

Ngày 5/7, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định,“để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2016 cần có biện pháp hỗ trợ về tổng cầu để bù đắp sự suy giảm của tổng cung, nhất là việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 16-18% và mở rộng thị trường hàng xuất khẩu”.Ông có đồng ý nhận định này? Nếu đồng ý thì để hỗ trợ về tổng cầu bằng các biện pháp tài tiền tệ, lãi suất thì chúng ta cần làm gì? Có tính đến tình hình tài chính thế giới hiện nay.

Nói chung là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện nay là tương đối yếu, và vì vậy, cần giảm lãi suất, tăng đầu tư tư nhân và tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Đây là những giải pháp cần thực hiện, cho dù kinh tế thế giới diễn biến ra sao đi chăng nữa. Điểm khó là nợ công và nợ xấu đang ở mức cao và cản trở đầu tư công cũng như đầu tư tư nhân. Những yếu tố bên ngoài như sự kiện Brexit sẽ có tác động, nhưng có lẽ sẽ không quá sốc, mà chủ yếu thông qua việc tăng trưởng kinh tế thế giới có thể sẽ dần yếu đi và xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng trong trung và dài hạn.