Vay tiêu dùng vẫn còn kém phát triển

Theo Tư Hoàng/thesaigontimes.vn

Dù nhu cầu đối với vay tiêu dùng được đánh giá là ở mức cao nhưng thị trường, dịch vụ cho vay tiêu dùng vẫn còn kém phát triển do còn nhiều rào cản. Trong khi đó, thị trường tín dụng đen vẫn đang là mảnh đất thu hút nhiều người dân tìm đến khi có nhu cầu về tài chính, theo nhận định của các chuyên gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Vay tiêu dùng mới chiếm 5-10% tổng dư nợ

Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh Hoàng Văn Hải cho biết, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5-10% tổng dư nợ tín dụng, là tỷ lệ rất nhỏ so với 40-45% ở các nước phát triển. Bên cạnh đó, số lượng các tổ chức cung cấp tín dụng vẫn còn rất ít.

“Trong khi đó, thị trường tín dụng ngầm như hụi, họ, … vẫn tồn tại và thu hút một số lượng không nhỏ người dân tham gia”, ông Hải nói tại một cuộc tọa đàm về chủ đề cho vay tiêu dùng do Viện Quản trị Kinh doanh thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 27-9.

Theo cuộc khảo sát của Viện Quản trị Kinh doanh với hơn 2.000 người tiêu dùng trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố, có hơn 62% trong số đó chưa bao giờ vay tiêu dùng do không muốn mang nợ và lo ngại về điều kiện vay vốn. Hơn 53% có quan điểm chỉ đi vay trong trường hợp bất đắc dĩ.

Tuy nhiên, có gần 48% người chưa từng đi vay có quan điểm sẵn sàng hoặc chấp nhận việc đi vay để tiêu dùng nếu thấy cần thiết.

Theo ông Hải, kết quả nghiên cứu cho thấy mặc dù nhiều người dân còn có tâm lý e ngại khi tiếp xúc với dịch vụ cho vay tiêu dùng nhưng một bộ phận người tiêu dùng trẻ đang có nhu cầu ngày càng tăng lên đối với dịch vụ này.

Khảo sát của Viện Quản trị Kinh doanh cho biết, hiện có hơn chục tổ chức cho vay tiêu dùng và tất cả đều có số vốn điều lệ đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định là 500 tỉ đồng. Trong số đó, FE Credit có vốn điều lệ vượt trội, đạt mức 2.790 tỉ đồng.

Hiện tại, FE Credit có thị phần cao nhất và chiếm hơn 48%, tiếp theo là Home Credit (gần 16%), HD Saison (12%), JACCS (2%) và Mirae Asset (1%).

Theo kết quả khảo sát, đa số khách hàng đã vay của công ty tài chính hài lòng với dịch vụ, sản phẩm, thủ tục và quy trình cho vay. Tuy nhiên, mức độ hài lòng về chi phí vay thì còn tương đối thấp.

Vẫn còn nhiều nghi ngại

Có mặt tại cuộc tọa đàm, đại diện của Ngân hàng Nhà nước thừa nhận, mặc dù nhu cầu đối với vay tiêu dùng được đánh giá là ở mức cao nhưng thị trường cho vay tiêu dùng vẫn còn có những rào cản để có thể phát triển.

Vị đại diện này giải thích, người vay tiêu dùng vẫn dễ bị tổn thương nếu thiếu thông tin khi tiếp cận các nguồn vay, vì thế Ngân hàng Nhà nước muốn thị trường cho vay tiêu dùng chỉ phát triển dần ở mức độ an toàn, cân bằng sao cho không tác động quá lớn đến người dân nếu rủi ro xảy ra.

“Khi thị trường bùng nổ quá nhanh sẽ dễ phát sinh vấn đề, ảnh hướng lớn đến an sinh xã hội”, vị đại diện nói.

Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty Luật Basico, Luật sư Trương Thanh Đức nhận xét thêm, hành lang pháp lý liên quan chưa tạo thuận lợi để dịch vụ này phát triển.

“Cho vay tiêu dùng còn khó vì không có tài sản bảo đảm, nên các tổ chức tài chính sẽ gặp rủi ro cao hơn rất nhiều trong việc thu hồi nợ so với các ngân hàng thương mại khi cho cá nhân vay. Hệ thống pháp luật lại chưa toàn diện để hỗ trợ việc xử lý”, ông Đức nói.

Ông cho biết, ở TP. Hồ Chí Minh có hàng ngàn vụ việc liên quan đến xử lý thu hồi nợ nhưng không giải quyết được, nhiều công ty tài chính chấp nhận không thu hồi được nợ mà chỉ để hoàn thành hồ sơ tất toán”, ông Đức nói.

Tuy nhiên, ông Đức nhận xét, tiềm năng để lĩnh vưc này phát triển là rất lớn: “Cho vay tiêu dùng rất phù hợp với cuộc sống hiện đại và sẽ làm thay đổi quan niệm ‘ăn trước trả sau đau hơn hoạn’ từng ăn sâu vào đầu óc nhiều người từ thời bao cấp”.

Theo nghiên cứu, nhu cầu vay tiêu dùng đang có xu hướng tăng với những nhu cầu khác nhau ở các nhóm người tiêu dùng, chẳng hạn như nhóm hộ kinh doanh vay tiêu dùng để mở rộng vốn đầu tư; nhóm nông dân để chăm sóc sức khoẻ và mua sắm đồ dùng gia đình; nhóm sinh viên để mua sắm đồ dùng cá nhân và đi du lịch; nhóm nhân viên văn phòng để chăm sóc sức khoẻ, giải trí, du lịch, làm đẹp và đầu tư cho giáo dục.

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Lê Xuân Sang nhận xét, Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng nên nhu cầu tiêu dùng là rất lớn. Chi cho tiêu dùng đang chiếm tới gần 75% tổng sản phẩm nội địa (GDP), một mức rất lớn so với các quốc gia khác.

Vì thế, ông Sang cho rằng, thị trường này sẽ có đất để phát triển hơn nữa trong thời gian tới.