Ví điện tử: Xu hướng thanh toán tất yếu

Theo tapchithue.com.vn

Ví điện tử (VĐT) là một trong những phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, đang trở thành xu thế trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, với hàng chục thương hiệu VĐT đã được cung cấp ra thị trường doanh nghiệp (DN) sẽ khó trụ vững, nếu không có sự đầu tư đúng đắn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo Nghị định 80/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 101/2012/NĐ-CP của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, VĐT là phương tiện thanh toán được sử dụng trong các giao dịch điện tử do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức dịch vụ trung gian thanh toán (tổ chức cung ứng VĐT) cung ứng.
Nghị định mới này được cho khá hoàn thiện đối với môi trường kinh doanh của dịch vụ thương mại điện tử, giúp thị trường VĐT sôi động hơn. Giữa tháng 6 vừa qua, DN thanh toán trực tuyến của Nga là WebMoney đã chính thức giới thiệu tại thị trường Việt Nam VĐT với tên gọi WebMoney Việt Nam (WMV). 
Lý giải về sự xuất hiện trở lại này, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, CEO WMV cho biết, WebMoney là hệ thống thanh toán quốc tế thành lập năm 1998 tại Nga và có mặt tại Việt Nam năm 2013.
Tuy nhiên thời điểm này, thị trường thanh toán trực tuyến tại Việt Nam chưa phát triển, quy định quản lý dịch vụ cũng chưa hoàn thiện, nên MWV đã không thành công như mong đợi. Lần trở lại này, WMV tung ra phiên bản tài chính toàn cầu nhằm đón đầu xu hướng cách mạng 4.0, với những cải tiến đáng kể, như giải quyết nhu cầu chuyển tiền, mua sắm trên toàn cầu, không chỉ giới hạn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, WMV còn đem đến cơ hội tiếp cận, mở rộng thị trường cho các DN khởi nghiệp cần kêu gọi vốn. Đây được xem là giải pháp ươm mầm cho các startup tiềm năng để hình thành các startup triệu USD ở Việt Nam, cũng như tăng thêm thu nhập từ mạng xã hội. 
Lợi thế của VĐT là người dùng cá nhân có thể mua sắm online trên toàn thế giới không cần dùng tiền mặt. Đơn cử như WMV còn tích hợp với Facebook, Youtube để giúp người dùng có thể biến mạng xã hội thành hệ thống thanh toán.
Ngoài kênh trực tuyến, WMV còn chủ động phát triển kênh ngoại tuyến bằng việc bắt tay với nhà phân phối Mesa (hiện phân phối cho Unilever), đặt mục tiêu cho cả hai bên là 10.000 điểm bán hàng sử dụng WMV để thanh toán.
Trước khi có sự xuất hiện của WMV, thị trường VĐT đã diễn ra khá sôi động với hàng loạt thương hiệu như MoMo, Money Lover, VinaPay, Payoo, Ngân lượng, Mobivi...
Đó là chưa kể đến các ông lớn trong lĩnh vực trực tuyến đang chờ thời cơ thích hợp để tung ra các sản phẩm VĐT của mình như Vinagame với VĐT Zalopay. 
Theo thống kê của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), hiện có gần 20 VĐT đang hoạt động. Điều này cho thấy thị trường thanh toán VĐT đang dần hấp dẫn người tiêu dùng.
Theo kết quả khảo sát trên phạm vi toàn cầu mới đây của Hãng kiểm toán PwC, trong vòng 5 năm tới, 24% thị phần ngân hàng trong mảng chuyển tiền và thanh toán sẽ rơi vào tay các công ty công nghệ tài chính (fintech). 
Một lý do quan trọng khác giải thích cho sự bùng nổ của các trung gian thanh toán là, quy định pháp luật đang dần hoàn thiện hơn. Cụ thể cuối năm 2015, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu cấp giấy phép hoạt động cho các công ty phi ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán, sau thời gian dài thí điểm VĐT năm 2008.
Tính đến nay đã có khoảng 16 công ty được cấp phép chính thức, phần lớn là những VĐT cũ được thí điểm và hàng chục công ty khác đang chờ được cấp phép. Những VĐT này đang nhận được dòng tiền mới để tăng năng lực cạnh tranh, bằng cách đi vào những thị trường ngách.
Trên thực tế, trong năm qua các nhà phát triển công cụ thanh toán không dùng tiền mặt như MoMo, Payoo đều tung ra những giải pháp khai thác triệt để thị trường thẻ thông minh Việt Nam ở tất cả phân khúc, bao gồm các DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh. Đặc biệt, thị trường này sôi động hơn với sự cạnh tranh của các nhà cung cấp dịch vụ lớn.  
Tuy vậy, nhiều DN cũng thừa nhận những khó khăn trong lĩnh vực VĐT đó là việc thiết bị, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta mới có vài nhà phát triển, nhà cung cấp nhỏ nên rất khó cạnh tranh.
Phần lớn các tiện ích của VĐT chỉ xoay quanh các dịch vụ như nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán thẻ, hóa đơn, mua vé xe, xem phim hay giải trí khác. Và các tiện ích này vẫn chỉ gói gọn trong nước, chưa thể vươn xa ra toàn cầu.
Theo dự báo của VECOM, quy mô thương mại điện tử của Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2020 với tốc độ tăng trưởng khoảng 22%/năm.
Đây là con số khả quan và có thể đạt được cho thị trường dân số 92 triệu người, trong đó 28% đã tham gia mua sắm trực tuyến với mức chi tiêu 160USD/người/tháng (chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ).
Tuy nhiên, theo thống kê tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên tổng giao dịch thương mại vẫn còn rất thấp, đạt 5% vào năm 2014 và tăng nhẹ lên 7% năm 2015, bởi thực trạng ưa thích dùng tiền mặt để thanh toán vẫn đang rất phổ biến ở Việt Nam. 
Để giải quyết bài toán này, cần sự chung tay của các DN phát triển VĐT và các thể chế tài chính, cụ thể là các ngân hàng. Theo đó, ngân hàng cần nỗ lực khuyến khích việc thanh toán qua thẻ tín dụng hoặc VĐT.
Và đây là thời điểm hợp lý để các ngân hàng tìm kiếm sự hợp tác với các fintech nhằm mở rộng lượng người dùng, đồng thời khuyến khích giao dịch trực tuyến thông qua thương mại điện tử.