Vì sao giải ngân vốn đầu tư năm 2016 chậm?

PV.

Mặc dù tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 8/7/2016 của Chính phủ, song đến nay kết quả giải ngân vốn đầu tư của cả nước vẫn chưa cao.

Ngày 12/9/2016, tại Hà Nội, KBNN đã tổ chức buổi Toạ đàm với các chủ đầu tư về tình hình giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2016. Nguồn: FinancePlus.vn
Ngày 12/9/2016, tại Hà Nội, KBNN đã tổ chức buổi Toạ đàm với các chủ đầu tư về tình hình giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2016. Nguồn: FinancePlus.vn

Số liệu do Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổng hợp cho thấy, tính đến ngày 31/8/2016 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư mới đạt 42,9% kế hoạch. 

Trong đó, từ đầu tháng 7 (thời điểm thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP) đến nay giải ngân vốn đầu tư tăng 48.447,1 tỷ đồng, chiếm 34,6% tổng số vốn đầu tư đã giải ngân từ đầu năm đến nay. Tính riêng tháng 7 vốn đầu tư giải ngân đạt 24.147 tỷ đồng, tháng 8 đạt 24.330 tỷ đồng. 

Lý giải về tình trạng này, tại buổi Toạ đàm giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) năm 2016 được tổ chức hôm 12/9/2016, phía KBNN và các chủ đầu tư cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến kết quả giải ngân vốn đầu tư đến ngày 31/8/2016 của cả nước chưa cao.

Ông Vũ Đức Hiệp – Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (KBNN) cho rằng, năm 2016, KBNN nhận được kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) do các Bộ, địa phương phân khai rải rác làm nhiều đợt. Tính ngày 31/8/2016, KBNN mới nhận được kế hoạch vốn TPCP là 42.795,1/60.000 tỷ đồng, chiếm 71,3% kế hoạch vốn TPCP Quốc hội giao. 

Trong đó, vốn TPCP thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến tháng 4/2016 KBNN mới nhận được kế hoạch, nên cũng ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Đó là chưa kể trong tháng 1/2016, các chủ đầu tư vừa phải thực hiện giải ngân vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2016, vừa phải tập trung thực hiện giải ngân đối với kế hoạch năm 2015 với số vốn là 26.006,4 tỷ đồng, chiếm 18,5% tổng số vốn giải ngân đến ngày 31/8/2016.

Cùng với đó, các chủ đầu tư cũng phải tập trung hoàn thiện thủ tục đối với các dự án được phép kéo dài từ năm 2015 sang năm 2016 theo quy định tại Luật Đầu tư công với số vốn là 9.794,48 tỷ đồng (tính đến ngày 31/8/2016), nên chưa chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch năm 2016.

Hơn nữa, một số dự án khởi công mới năm 2016 triển khai chậm do đây là năm đầu tiên các chủ đầu tư triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, như: Việc lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư; Về thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở... khiến các chủ đầu tư cũng mất khá nhiều thời gian để triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, theo lý giải của KBNN và các chủ đầu tư, việc triển khai thực hiện của các chủ đầu tư còn nhiều bất cập, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm, đã ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. 

Tính đến thời điểm ngày 31/8/2016, vẫn còn một số dự án GPMB chưa thực hiện giải ngân tại KBNN như: QL8 (Km0-Km37) - GPMB Hà Tĩnh (Kế hoạch 6,9 tỷ đồng); GPMB Bình Phước - Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Cây Chanh - cầu 38 (Kế hoạch 5 tỷ đồng); Tiểu dự án GPMB tỉnh Hà Giang - Dự án Tín dụng ngành Giao thông Vận tải lần thứ 2 (Kế hoạch 7 tỷ đồng)...

Ngoài ra, theo KBNN, đến nay, vẫn còn một số vướng mắc ảnh hưởng đến quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2016. Cụ thể, hiện chưa có hướng dẫn cơ chế quản lý chi phí để thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Việc chưa bổ sung, sửa đổi Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 06/01/2014 quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án sử dụng vốn NSNN, vốn trái phiếu Chính phủ cũng dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện...

Một số dự án khởi công mới có quyết định đầu tư được phê duyệt sau ngày 31/3/2016, KBNN đã từ chối thanh toán theo Nghị quyết số 81/NQ-CP ngày 02/12/2015 của Chính phủ song các dự án này đều đã được các chủ đầu tư triển khai thực hiện và đã có khối lượng nghiệm thu, nếu dừng thanh toán sẽ ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân và việc hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư 2016. 

Đối với các dự án được phép kiểm soát chi sau, theo quy định trong vòng 5 ngày làm việc sau khi rút vốn của nhà tài trợ chủ dự án phải mang hồ sơ chứng từ tới KBNN để thực hiện kiểm soát chi. Tuy nhiên, trong thực tế một số chủ dự án chưa thực hiện đúng quy định này...