Vì sao khó truy doanh nghiệp FDI nợ thuế?

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh vừa áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vì nợ thuế quá hạn. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Lợi, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh.

Phóng viên: Thưa ông, tình hình nợ đọng thuế tại các doanh nghiệp FDI trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có gì đáng chú ý?

Vì sao khó truy doanh nghiệp FDI nợ thuế? - Ảnh 1
Ông Lê Đình Lợi,
Phó cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh
Ông Lê Đình Lợi: Trong 3 năm gần đây, số lượng doanh nghiệp FDI nợ thuế có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2011 có 3.209 doanh nghiệp FDI làm thủ tục thông quan tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, với số tiền thuế 23.436 tỷ đồng (trong đó, có 763 doanh nghiệp FDI nợ thuế, với tổng số tiền 327,36 tỷ đồng; nợ quá hạn 60 tỷ đồng).

Năm 2012, có 3.369 doanh nghiệp FDI làm thủ tục tại Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh với số tiền thuế trên 23.256 tỷ đồng. Trong đó, số doanh nghiệp nợ thuế là 552, với số nợ 286,75 tỷ đồng (nợ quá hạn là 25,49 tỷ đồng).

8 tháng đầu năm nay, có 3.158 doanh nghiệp FDI làm thủ tục hải quan, với số tiền thuế 17.611 tỷ đồng. Trong đó, số doanh nghiệp nợ thuế là 551, với số nợ 315 tỷ đồng (nợ quá hạn 36 tỷ đồng).

Yếu tố nào khiến nợ thuế của doanh nghiệp FDI có xu hướng giảm?

Một trong những yếu tố khiến nợ thuế của doanh nghiệp FDI có xu hướng giảm là việc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Ban thu hồi nợ do phó cục trưởng phụ trách thuế làm trưởng ban, thành viên là các lãnh đạo chi cục, lãnh đạo phòng thuế xuất nhập khẩu để lập kế hoạch, theo dõi kết quả thực hiện kế hoạch tại từng đơn vị hàng tháng. Tại các chi cục, thành lập tổ đốc thu thực hiện công tác thu hồi nợ thuế trực tiếp đến từng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, vì vậy, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện thu thuế ngay đối với các tờ khai đăng ký sau ngày 1/7/2013.

Đâu là những vướng mắc trong quá trình thực hiện và xử lý doanh nghiệp FDI nợ thuế, thưa ông?

Có nhiều khó khăn trong quá trình xử lý doanh nghiệp FDI nợ thuế. Chẳng hạn, như chủ doanh nghiệp tự ý bỏ về nước trước khi nợ đến hạn phải thanh toán cho cơ quan hải quan; hoặc doanh nghiệp phần lớn là đi thuê cơ sở tại Việt Nam, nên khi xuống địa phương xác minh, trụ sở của doanh nghiệp đã bị chủ cơ sở sở hữu chính thu hồi, khó xác định được tình trạng của doanh nghiệp.

Mặt khác, thông tin của doanh nghiệp trên hệ thống quản lý thường không rõ ràng, không đầy đủ, nên việc truy tìm rất khó.

Trước những khó khăn trên, ông có kiến nghị gì về giải pháp nhằm hỗ trợ ngành Hải quan thực hiện tốt việc thu thuế đối với khối doanh nghiệp FDI?

Trước tiên, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan hữu quan có liên quan, thường xuyên kiểm tra và thông tin qua báo, đài về tình trạng doanh nghiệp. Đồng thời, khi đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, cần phải xác minh địa điểm kinh doanh trước khi cấp phép.

Ngoài ra, từ ngày 1/11/2013, Thông tư 128/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định đối với hoạt động sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp (không phân biệt FDI hay trong nước) phải có nhà xưởng và khi các tổ chức tín dụng bảo lãnh, người nộp thuế phải thỏa mãn điều kiện: có vốn chủ sở hữu từ 10 tỷ đồng trở lên và một số điều kiện khác, mới được cơ quan hải quan chấp thuận xét ân hạn 275 ngày. Đây cũng được xem một giải pháp hạn chế tình trạng nợ đọng thuế.