Vì sao khoảng cách vẫn xa?

Theo Đại biểu Nhân dân

Sau kỳ nghỉ Tết khá dài, giá vàng thế giới vẫn tiếp tục giảm, kéo khoảng cách giữa giá trong nước và giá thế giới tiếp tục giãn ra, giá vàng trong nước có lúc cao hơn giá vàng thế giới tới 4,9 triệu đồng/lượng. Mức chênh này dù đã giảm nhưng vẫn là mức chênh cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó giá đô la Mỹ trên thị trường tự do lại trong xu hướng tăng, dù tỷ giá liên ngân hàng đã ổn định mức giá 20.828 đ/USD gần một năm qua. Liệu có dấu hiệu bất ổn trên thị trường vàng và ngoại tệ?

Vì sao khoảng cách vẫn xa?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lý giải về nguyên nhân giá vàng chênh lệch, dù giá trong nước giảm theo xu hướng thế giới, các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đều cho rằng do nguồn cung hạn hẹp trong khi nhu cầu tăng cao nên giá vàng trong nước khó có thể giảm theo giá thế giới. Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji Đỗ Minh Phú cho rằng: giá vàng thế giới giảm quá nhanh trong thời gian Việt Nam nghỉ Tết nên các doanh nghiệp cũng khó phản ứng. Điều chỉnh theo giá thế giới trong lúc nguồn cung còn hạn hẹp thì rất có thể dẫn đến khan hàng, đẩy giá lên cao. Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các doanh nghiệp và ngân hàng tạm xuất vàng phi SJC và tái nhập vàng nguyên liệu về, nhưng đến nay vẫn chưa thể dập sang vàng miếng SJC vì chờ hoàn tất thủ tục. Lực mua những ngày đầu năm gia tăng khiến cung cầu căng thẳng cục bộ, khiến giá duy trì ở mức cao. Đã vậy, “Ngày thần tài” mùng 10 tháng giêng âm lịch năm nay cũng có sự gia tăng nhu cầu đột biến so với mọi năm nên lượng vàng tiêu thụ mạnh.

Như vậy, cách lý giải của các doanh nghiệp kinh doanh vàng vẫn thiên về hướng cầu của cá nhân tăng, cung hạn hẹp nên giá tăng. Đây là quy luật thị trường không thể phủ nhận, nhưng vấn đề là nhu cầu vàng có thực sự tăng cao đến mức đẩy chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước lên quá cao như vậy? Chắc chắn là không, vì thống kê của các công ty chuyên kinh doanh vàng bạc đá quý đã được cấp giấy phép như SJC, PNJ cho thấy, ngay cả trong ngày thần tài, lượng tiêu thụ vàng của 2 đơn vị này cũng chỉ khoảng 1.000 lượng/ngày, tương đương với mức bình thường của thời kỳ thị trường vàng còn sôi động. Thêm vào đó, thị trường đã ngừng giao dịch đến 9 ngày, tức là suốt 9 ngày qua giao dịch không có, cung cầu nằm im. Như vậy lượng vàng dự trữ kinh doanh của các doanh nghiệp chưa thể bị huy động hết để tạo ra mất cân đối cung cầu. Một thông tin đáng chú ý khác, theo thống kê của Công ty VBĐQ Sài Gòn thì đến 90% lượng vàng bán ra là cho các khách hàng lớn, chỉ 10% bán cho khách hàng cá nhân. Điều đó cho thấy nhu cầu của khách hàng cá nhân chỉ là một trong những yếu tố tác động đến giá vàng chứ không phải là nguyên nhân chính. Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành tài chính: thật khó chấp nhận tình trạng giá vàng trong nước liên tục cao hơn giá vàng thế giới vài triệu đồng/lượng, hiện tại là 4,7 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 12%. Vì thực tế, cộng cả thuế và phí, thì giá vàng khi vào đến Việt Nam cũng chỉ cao hơn giá thế giới khoảng 1 - 2%. Như vậy, 10% còn lại là phần chênh lệch bất hợp lý, không loại trừ nguyên nhân làm giá, đầu cơ, gây bất ổn thị trường. Tình trạng này đã kéo dài nhiều tháng qua nên sẽ có những tác động xấu đến thị trường ngoại tệ, tỷ giá và cả niềm tin của người dân vào hiệu quả của một số chính sách tiền tệ vĩ mô. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước thì quyết định về việc Ngân hàng Nhà nước mua bán vàng miếng đang chờ thẩm định của Bộ Tư pháp trước khi được Thủ tướng thông qua. Thông tư hướng dẫn và quy chế đấu thầu cũng sắp hoàn tất khâu lấy ý kiến các bên.

Trong lúc đó, tỷ giá đô la Mỹ trên thị trường tự do lại có dấu hiệu bất ổn. Ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ, giá đô la chợ đen đã tăng lên 21.000 VNĐ/USD. Các ngân hàng thương mại cũng tăng giá hết biên độ cho phép. Tỷ giá trên thị trường tự do hiện cao hơn tỷ giá chính thức khoảng 100 -110 VNĐ/USD. Tình trạng tăng giá này xuất hiện ngay sau khi Bộ Ngoại giao công bố thông tin: Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về thu hút kiều hối.

Thực trạng thị trường vàng và đô la Mỹ hiện nay đang rất trông đợi sự can thiệp thực tế từ Ngân hàng Nhà nước. Rõ ràng, câu chuyện chống vàng hóa và đô la hóa đang cần những giải pháp thực sự quyết liệt.