Vì sao lãi suất vay tiêu dùng cao?

Theo daibieunhandan.vn

Lâu nay nhiều ý kiến cho rằng, mức lãi suất cho vay tiêu dùng hiện vẫn còn cao, tuy nhiên, cao do đâu và cao hơn so với cái gì thì lại chưa được phản ánh một cách rõ ràng và cụ thể. Vấn đề này, phóng viên báo Đại biểu Nhân dân đã có cuộc trao đổi với Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) TS. Nguyễn Thị Hiền.

Phóng viên: Bà có thể lý giải vì sao lãi suất tiêu dùng hiện nay đang khá cao?

Vì sao lãi suất vay tiêu dùng cao? - Ảnh 1

TS. Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước).

TS. Nguyễn Thị Hiền: Có nhiều quan điểm cho rằng mức lãi suất cho vay tiêu dùng cao, tuy nhiên cũng cần nói rõ là cao so với cái gì. Ở đây, chúng ta đang so sánh giữa lãi suất cho vay tiêu dùng với lãi suất cho vay thương mại truyền thống.

Do đó, việc lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn so với lãi suất cho vay thương mại là đương nhiên. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà xảy ra ở hầu hết các quốc gia khác, vì nó xuất phát từ sự khác biệt trong mô hình kinh doanh. Mô hình kinh doanh của các công ty tài chính tiêu dùng hoàn toàn khác biệt so với mô hình của các ngân hàng thương mại truyền thống. 

Thứ nhất, đối tượng cho vay và tính chất khoản vay khiến cho các công ty tài chính có nhiều rủi ro trong kinh doanh hơn, đồng nghĩa với việc họ phải bỏ ra nhiều chi phí hơn đề bù đắp rủi ro. Cùng với đó là chi phí về hệ thống quản trị, về con người… để thực hiện quản trị rủi ro phù hợp. 

Thứ hai, các công ty tài chính không được huy động tiền gửi từ dân cư, dẫn đến nguồn vốn kinh doanh chủ yếu là vốn tự có, vốn đi vay với lãi suất cao hơn. 

Thứ ba,các công ty cho vay tiêu dùng cũng không có hệ thống mạng lưới như các ngân hàng thương mại, họ cần có một hệ thống điểm giao dịch rất lớn và việc phát triển mạng lưới điểm giao dịch để khách hàng có thể tiếp cận nhanh chóng đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của các công ty này.

Tất cả những yếu tố trên khiến cho cấu trúc chi phí của các công ty tài chính tiêu dùng khác biệt so với các ngân hàng thương mại. Sự khác biệt đó cũng cho thấy rõ, lãi suất cho vay buộc phải đủ bù chi phí đầu vào cũng như bảo đảm một phần lợi nhuận cho sự phát triển bền vững của công ty tài chính.

Trên thực tế, theo tôi được biết hiện nay các công ty tài chính tiêu dùng cũng không áp dụng cứng một loại lãi suất, mà xây dựng một “dải” lãi suất, thậm chí có cả các chương trình hỗ trợ người tiêu dùng với lãi suất 0%. Việc quyết định khách hàng được vay với mức lãi suất nào sẽ dựa trên vấn đề khách hàng có thể chứng minh được khả năng trả nợ, nguồn thu nhập… đến đâu.

Vậy theo bà phải làm gì mới có thể giảm mức lãi suất cho vay tiêu dùng?

Để có thể giảm mức lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, trước tiên cần phải giúp họ giảm được chi phí kinh doanh một cách hợp lý, chứ không phải áp đặt một trần lãi suất cứng nhắc. Bài học về áp trần lãi suất của Nhật Bản là một trong những minh chứng điển hình.

Việc áp trần của nước này đã không những không kéo lãi suất thị trường xuống mà còn khiến các công ty tài chính rút khỏi thị trường, nguyên nhân là vì thu nhập không đủ bù chi phí.

Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Việc ban hành hai Nghị quyết này đã cho thấy quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc nỗ lực kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, hiệu quả cho các doanh nghiệp.

Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Chương trình hành động của ngành ngân hàng nhằm thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP, cho thấy định hướng này cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ trong lĩnh vực ngân hàng.

Với những động thái trên, tôi cho rằng các công ty tài chính tiêu dùng sẽ có nhiều thuận lợi hơn nữa trong thời gian tới để phát triển hoạt động kinh doanh, khi mà các chi phí về quản lý hành chính có thể được giảm bớt. 

Tuy nhiên, để giúp các tổ chức tài chính có thể giảm lãi suất cho vay có một vấn đề rất quan trọng cần đặc biệt quan tâm, đó là tạo điều kiện cho họ có thể giảm chi phí vốn đầu vào, tạo cơ hội cho các tổ chức này có thể tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ hơn.

Khi thị trường phát triển với nhiều nhà cung ứng hơn thì áp lực cạnh tranh cũng sẽ là động lực quan trọng để các công ty tài chính phải nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí và cung cấp khoản vay với lãi suất cạnh tranh.

Do vậy, công tác cấp phép cũng cần được xem xét, điều chỉnh tạo thuận lợi hơn cho các tổ chức muốn gia nhập thị trường. Cùng với đó, một thị trường không thể phát triển nếu thiếu “cầu”, các giải pháp về nâng cao kiến thức cho khách hàng đi vay, tăng cường kỹ năng quản lý tài chính, cải thiện chất lượng thông tin tín dụng cũng cần được quan tâm để có thể giúp cho thị trường phát triển lành mạnh.

Bà đánh giá như thế nào về sự phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam? Và để thị trường này lành mạnh và bền vững hơn chúng ta cần phải làm gì, thưa bà?

Có thể thấy, thị trường tài chính tiêu dùng trong thời gian gần đây tăng trưởng rất mạnh mẽ. Mặc dù còn chiếm tỷ trọng nhỏ trong tiêu dùng cuối cùng và tỷ trọng dư nợ tín dụng, tuy nhiên tín dụng tiêu dùng lại có tốc độ tăng trưởng khá nhanh trong giai đoạn 2011 - 2015, kể cả trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô các năm 2012 - 2014 còn có nhiều khó khăn.

Tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng thường xuyên đạt trên 30%/năm, điều này cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường này là rất lớn. Và thực tế là sự phát triển thị trường cho vay tiêu dùng là tất yếu khi mà nhu cầu từ phía khách hàng ngày càng tăng.

Để thị trường có thể phát triển lành mạnh và bền vững, theo tôi yếu tố minh bạch thị trường là nền tảng quan trọng nhất. Trong một nền kinh tế thị trường thì giá cả hàng hóa và dịch vụ phải được xây dựng trên cơ sở cung và cầu gặp nhau.

Do vậy, minh bạch thông tin sẽ bảo đảm rằng, cả công ty tài chính tiêu dùng có đủ cơ sở để ra quyết định cho vay một cách hiệu quả, đồng thời khách hàng vay cũng có đủ thông tin để chọn lựa sản phẩm vay phù hợp.

Tuy nhiên, sự minh bạch này phải được tiến hành từ cả hai phía. Một là các công ty tài chính tiêu dùng sẽ phải minh bạch các thông tin về khoản vay, hỗ trợ để khách hàng có thể hiểu đầy đủ các thông tin đó, trên cơ sở đó có thể ra quyết định phù hợp nhất.

Còn về phía khách hàng, thông tin của khách hàng cũng cần được minh bạch hóa để các công ty tài chính có thể tiếp cận trong quá trình thẩm định và ra quyết định có cho vay hay không.

Hiện nay, rất nhiều công ty tài chính gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin về khách hàng, kiểm tra các thông tin về nhân thân, nơi ở. Các thông tin về lịch sử tín dụng cũng không đầy đủ, rất nhiều khách hàng không có lịch sử tín dụng...

Một thị trường bao giờ cũng bao gồm người chơi và luật chơi. Do đó, để thị trường phát triển lành mạnh thì người chơi phải thực sự lành mạnh, các công ty tài chính phải phát triển lành mạnh và trình độ khách hàng cũng phải được nâng lên.

Hệ thống khuôn khổ pháp luật theo đó cũng cần phải được hoàn thiện để tạo hành lang hoạt động và quản lý phù hợp.

Xin cảm ơn bà!