Vì sao tín dụng đen bùng phát ở nông thôn?

Theo daidoanket.vn

(Tài chính) Người nông dân có nhu cầu tiếp cận vốn ngân hàng trong khi đó khả năng đáp ứng có hạn. Kẽ hở này là điểm tựa để bùng nổ "tín dụng đen” tại khu vực nông nghiệp nông thôn.

Vì sao tín dụng đen bùng phát ở nông thôn?
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Hiện nay, tổng tín dụng nông nghiệp nông thôn là 626.000 tỷ đồng chiếm 18% tổng tín dụng hiện nay. Chỉ có 50% hộ nông dân được khảo sát có vay nợ ngân hàng (ngân hàng) với quy mô vay rất thấp, chiếm 13,6% trong tổng lượng vay. Người nông dân có nhu cầu tiếp cận vốn ngân hàng trong khi đó khả năng đáp ứng có hạn. Kẽ hở này là điểm tựa để bùng nổ "tín dụng đen” tại khu vực nông nghiệp nông thôn. Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Việt Nam Nguyễn Văn Lý trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này.

PV: Ông có thế cho biết, tại sao tín dụng đen thường bị vướng ở khu vực nông thôn?

Ông Nguyễn Văn Lý: Tín dụng đen là mảnh đất tồn tại, là một bộ phận người dân có thu nhập thấp không đủ điều kiện tiếp cận hệ thống tín dụng ngân hàng và phải buộc họ ra ngoài để tìm vốn.

Nghị định 41 của Chính phủ đã ra đời được 3 năm, nghị định cũng tạo điều kiện cho bà con nâng mức vay không tài sản đảm bảo từ 10 lên 50 triệu đồng. Thế nhưng, các ngân hàng thương mại thường bắt ép phải có bìa đỏ mới được vay vốn?

Một số ngân hàng thương mại dùng kỹ thuật bìa đỏ của người dân để hạn chế tình trạng người dân sử dụng chính tấm bìa đỏ để vay nhiều ngân hàng. Dẫn đến thực tế nông dân khó hết nợ, ngân hàng khó đòi hết vốn. Còn hiện nay, việc tiếp cận vốn của người nông dân không hề khó. Nếu như người dân nào đủ điều kiện, thuộc đối tượng cho vay của Nghị định 41 thì được vay.

Vấn đề là xác nhận các thủ tục để vay vốn không đơn giản?

Chỉ cần có hệ thống chính trị, hệ thống dân cư ở cơ sở xác nhận thuộc đối tượng được vay vốn là chúng tôi sẽ tiến hành ngay việc cho vay vốn. Khi họ vay được vốn của Ngân hàng Chính sách là họ đang thụ hưởng vốn ưu đãi của Chính phủ. Vì vậy, hộ nào được hưởng, không được hưởng phải rõ ràng.

Mạng lưới các ngân hàng chưa lan tỏa tới vùng sâu, vùng xa, nhất là khu vực nông thôn cũng được đánh giá là điểm thiếu sót lớn, người dân không thể tiếp cận được vốn ngân hàng?

Chắc chắn Ngân hàng Chính sách có hệ thống mạng lưới lan tỏa rộng khắp. Vấn đề đặt ra là nguồn vốn Ngân hàng Chính sách cho vay so với nhu cầu dân vay hiện nay là ít. Do vậy, thời gian tới cần phải phải tăng vốn ngân hàng để phù hợp với nhu cầu của người dân. Theo một điều tra của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn từ 2008 – 2012, 50% người được khảo sát vay vốn trong đó 60% của 50% này là vay vốn Ngân hàng Chính sách. Tuy nhiên, số lượng vay vốn chỉ chiếm 13%. Như vậy có thể khẳng định rằng, nhu cầu ủy thác tín dụng chính thức chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu và trên dưới 50% còn lại thì người dân phải tham gia tín dụng đen.

Đặc thù của người nông dân là thu nhập theo vụ mùa. Vậy Ngân hàng Chính sách sẽ hỗ trợ như thế nào?

Chính phủ đã có những chính sách để đáp ứng mức tiêu dùng người dân, ví dụ như chương trình cho vay nước sạch nông thôn, xây dựng nông thôn mới, cho con đi học, tuy nhiên một số tiêu dùng người dân chưa đáp ứng được. Nếu như người dân muốn vay tiền ngân hàng làm đám cưới, ma chay thì ngân hàng đành chịu. Do vậy, cả ngân hàng và bản thân người nông dân cần có định hướng chính đáng.

Trân trọng cảm ơn ông!