Việt Nam: 10 sự kiện đối ngoại nổi bật 2016

Theo baoquocte.vn

Năm 2016 đã khép lại với nhiều dấu ấn đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Sau đây là 10 sự kiện tiêu biểu trong bức tranh toàn cảnh về hoạt động đối ngoại của đất nước năm vừa qua do Báo Thế giới & Việt Nam bình chọn.

Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phray - Mekong lần thứ 7 (ACMECS 7).
Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phray - Mekong lần thứ 7 (ACMECS 7).

1. Hội nghị Ngoại giao (HNNG) 29 (từ 22-28/8) đã nhận được sự quan tâm và chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội. Với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, và hội nhập quốc tế để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng”, kết quả lớn nhất của Hội nghị là chương trình hành động cụ thể trên mọi lĩnh vực - từ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân cũng như công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại nhằm phục vụ hai nhiệm vụ chiến lược của ngành Ngoại giao - đó là:

Một là, góp phần giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để tập trung sức mạnh cũng như tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài cho phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

Hai là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ cũng như lợi ích quốc gia của đất nước, dân tộc trên trường quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam.

2.Ngày 8-9/12, Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM) và các hoạt động liên quan đã chính thức khởi động Năm APEC Việt Nam 2017, thống nhất được chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, với 4 ưu tiên: tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; 

Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biển đổi khí hậu. Năm 2017 là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận cương vị chủ nhà của Diễn đàn APEC (lần đầu vào năm 2006).

3.Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Barack Obama (từ 23-25/5) đưa quan hệ Việt - Mỹ trở về bình thường theo đúng nghĩa với việc Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam. Nhân chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung nhất trí tăng cường quan hệ Đối tác toàn diện theo hướng thực chất, hiệu quả, bền vững vì lợi ích hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Hai bên đạt được nhiều thỏa thuận kinh tế với trị giá lên tới 16,3 tỷ USD; thỏa thuận thành lập Đại học Fulbright Việt Nam; thỏa thuận khung về việc Việt Nam cho phép các tình nguyện viên Mỹ vào dạy tiếng Anh ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Chương trình Hòa bình.

4. Ngày 16/3, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ Tổng kết cấp Nhà nước việc hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào. Từ năm 2008, hai nước đã phối hợp triển khai cắm mốc đồng loạt trên toàn tuyến, tăng dày số cột mốc ở những khu vực cần thiết.

Với việc hoàn thành Dự án, đường biên giới quốc gia giữa hai nước dài 2.340 km đã được bổ sung và cắm mới 1.002 cột mốc và cọc dấu, tăng gấp 4,5 lần so với trước đây (trước khi có dự án, toàn bộ đường biên giới giữa hai nước chỉ có 199 cột mốc).

5.Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phray - Mekong lần thứ 7 (ACMECS 7); Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 8 (CLMV 8); và Hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới về Mekong (WEF - Mekong) (từ ngày 24-26/10) là chuỗi hoạt động đối ngoại đa phương lớn nhất của Việt Nam trong năm 2016.

Các biện pháp tích cực huy động nguồn lực, khơi dậy tiềm năng khu vực Mekong, hợp tác chặt chẽ với các đối tác phát triển mang lại triển vọng kết nối khu vực Mekong, tăng trưởng xanh và bao trùm. Sự kiện tiếp tục ghi dấu ấn Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn khu vực và quốc tế; thúc đẩy các lợi ích của đất nước trong hợp tác khu vực Mekong; củng cố và phát huy quan hệ truyền thống với các nước láng giềng; góp phần làm cho các cơ chế hợp tác này phát triển theo hướng thực chất hơn.

6.Nhiều tổ chức, doanh nghiệp quốc tế tiếp tục đánh giá dù còn gặp những khó khăn, thách thức, song với kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng phục hồi tích cực, Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế.

Chủ đề “Ra khơi thuận buồm xuôi gió” của Hội nghị Kinh tế Đối ngoại 2016 (2-3/11) đã phản ánh bối cảnh phát triển hiện nay của Việt Nam, phần nào thể hiện được tâm thế “con tàu” kinh tế Việt Nam đang căng buồm cho những chuyến ra khơi mới để tiến đến bến bờ phát triển bền vững và thịnh vượng.

Hội nghị truyền tải đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế thông điệp về quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta về đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2020.

7.Ngày 3/11, Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Nguyễn Hồng Thao đã trúng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế của LHQ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện tham gia Ủy ban Luật pháp quốc tế - một diễn đàn pháp lý quốc tế rất có uy tín, cơ quan chuyên soạn thảo những công ước quốc tế quan trọng, trong đó có các Công ước Luật Biển.

Sự kiện là bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và sự tham gia tích cực của Việt Nam tại các diễn đàn pháp lý của LHQ cũng như ở cấp độ khu vực như ASEAN, APEC.

8.Năm 2016, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam tiếp tục có những bước tiến mới.

Ngày 19/5, Hội nghị toàn thể lần thứ 7 Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) tại thành phố Huế đã vinh danh thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (Thừa Thiên Huế) và Mộc bản Trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Tiếp đó, ngày 1/12, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO tại thành phố Addis Ababa (Ethiopia), di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

9.Một năm ấn tượng của Thể thao Việt Nam mở đầu với chiến tích lịch sử của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở đấu trường Olympic Rio 2016 khi trở thành người đoạt Huy chương Vàng đầu tiên, và cũng là người duy nhất đoạt 2 huy chương ở một kỳ Olympic. Tại Thế vận hội Paralympics ở Rio de Janeiro, Brazil, VĐV Lê Văn Công đã giành HCV và phá kỷ lục hạng cân 49 kg nam môn cử tạ.

Đây là tấm huy chương đầu tiên của Thể thao Việt Nam tại các kỳ Paralympics, kể từ khi bắt đầu tham dự năm 2000.Lĩnh vực bóng đá cũng chứng kiến hàng loạt cú sốc khi đội tuyển Futsal Việt Nam (môn bóng đá trong nhà) đánh bại Nhật Bản để lọt vào VCK FIFA Futsal World Cup 2016 tại Colombia. Gần đây, từ chỗ bị đánh giá là đội bóng “lót đường”, U19 Việt Nam cũng đã viết nên câu chuyện cổ tích thời hiện đại khi giành được tấm vé dự World Cup U20 tại Hàn Quốc vào năm 2017.

10.Năm 2016, công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, nhất là trước tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, các cuộc chiến tranh, xung đột, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh diễn ra liên miên.

Đặc biệt, theo Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), công tác bảo hộ ngư dân, tàu cá thời gian qua được thực hiện với 726 lượt tàu, tổng số 5.752 lượt ngư dân. Tính riêng năm 2016, số ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt đã lên tới gần 1.100 người, tăng gấp rưỡi so với năm trước. Đến nay, Indonesia đã trao trả hơn 1.000 người cho Việt Nam.