Việt Nam cần một chương trình trung hạn phục hồi kinh tế

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Đó là ý kiến của TS. Trần Du Lịch tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu vừa được diễn ra tại Huế. Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế (Quốc hội) tổ chức.

Việt Nam cần một chương trình trung hạn phục hồi kinh tế
Những nỗ lực để làm “ấm” thị trường bất động sản chưa thể mang lại kết quả. Nguồn: internet

Những thách thức trong năm 2013

Tại Diễn đàn, TS. Trần Du Lịch cho rằng, nếu nhìn về hiện tượng kinh tế, thì thực sự nền kinh tế nước ta từ quý II/2012 đang có sự phục hồi tốc độ tăng trưởng, dù rất chậm. Các chính sách tài khoá, tiền tệ và hỗ trợ thị trường Chính phủ áp dụng trong năm 2012 là phù hợp với thực tiễn tình hình. Nhưng, do hầu hết các chính sách kinh tế vĩ mô đều mang tính chất tình thế nhằm xử lý nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô, mà tập trung nhất là chống lạm phát. Sự thay đổi chính sách liên tục (lúc thắt chặt, lúc nới lỏng nhất là chính sách tiền tệ) đã làm cho thị trường mất phương hướng dài hạn. Vì thế, bước vào năm 2013, nền kinh tế đang phải đối mặt với những thách  thức ngắn hạn, do hệ quả sau 6 năm bất ổn kinh tế vĩ mô để lại, cụ thể là:

Thứ nhất, nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường sẽ làm cho tình hình khó khăn thêm. Mặc dù CPI  8 tháng đầu năm 2013 chỉ tăng 3,53% so với tháng 12/2012, nhưng nguy cơ lạm phát vẫn “rình rập” khi mà nguyên nhân bên trong của nền kinh tế chưa được giải quyết.

Thứ hai, tình hình nợ xấu chưa được cải thiện, nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Tình trạng thừa tiền, thiếu vốn còn kéo dài. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ ba, khả năng kéo giảm lãi suất cho vay không nhiều; khó đáp ứng sự mong đợi của doanh nghiệp, do hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp lẫn hệ thống ngân hàng thương mại. Nếu lạm phát kỳ vọng cả năm là 7%, thì việc kéo giảm lãi suất tiết kiệm tiền gửi có kỳ hạn không còn nhiều dư địa và lãi suất cho vay vẫn còn khá cao, đặc biệt là lãi suất vay trung - dài hạn. Điều này sẽ không kích thích được các doanh nghiệp đang có thị trường mở rộng đầu tư và vẫn là nguy cơ làm tăng nợ xấu đối với những doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi sản xuất.

Thứ tư, những nỗ lực để làm “ấm” thị trường bất động sản chưa thể mang lại kết quả, nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện. Gói hỗ trợ lãi suất 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ thị trường bất động sản cho đến nay chưa mang lại kết quả đáng kể. Một khi thanh khoản của thị trường bất động sản chưa cải thiện, thì việc xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại cũng sẽ khó khăn.

Cộng với đó là, trong năm 2013 tình hình kinh tế thế giới còn diễn biến thất thường, có tác động bất lợi đối với những nền kinh tế có độ mở lớn như nền kinh tế Việt Nam. 

Tăng trưởng tiếp tục dưới tiềm năng   

Chia sẻ tại Diễn đàn, các chuyên gia kinh tế nhận định, phía trước còn không ít khó khăn nhưng bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ tươi sáng hơn năm 2013. Trong đó, nền kinh tế vẫn đang đi vào ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng trong tầm kiểm soát và nhiều khả năng đạt mức mong muốn. An sinh xã hội, đặc biệt là đối với người nghèo được đảm bảo… Đây là những yếu tố quan trọng, tạo đồng lực cho kinh tế Việt Nam phát triển.

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhìn nhận, kinh tế vĩ mô ổn định với lạm phát tiếp tục được kiềm chế ở mức thấp nhất, cán cân thương mại thâm hụt thấp, cán cân tổng thể thặng dư lớn tạo điều kiện để ổn định tỷ giá và thực hiện được một bước tiến quan trọng trong việc chống “đô la hóa” và “vàng hóa”.

Trên cơ sở nhận định bối cảnh chung của năm 2013, TS. Trần Du Lịch dự báo, mục tiêu chung nhất là tốc độ tăng GDP cả năm chỉ có thể đạt được ở mức 5,2% (6 tháng đấu năm tăng 4,9%; 6 tháng cuối năm có thể đặt mức 5,5%).

Kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt được mức tăng hơn 10%, ước số tuyệt đối khoảng 127 tỷ USD như mục tiêu đề ra.

“Tuy nhiên, mức tăng của kim ngạch xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI, còn khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn chưa được cải thiện so với năm 2012”, TS. Lịch nhấn mạnh.

Năm 2013, vẫn có tỷ lệ nhập siêu thấp, ước khoảng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thế nhưng, việc giảm nhập siêu chưa phải là sự cải thiện tích cực cán cân thương mại quốc tế, mà chủ yếu do nhập khẩu tăng chậm (ước tăng khoảng 19% trong năm 2013). Khi nền kinh tế khởi sắc, tín dụng tăng, đầu tư tăng, sức mua thị trường nội địa tăng lại, thì nhập siêu sẽ tăng mạnh.

“Nguyên nhân nhập siêu từ cơ cấu kinh tế, nên việc giảm nhập siêu chưa phải là hiện tượng kinh tế đáng mừng”, TS. Lịch chỉ rõ .

Tốc độ tăng giá cả tiêu dùng (CPI) cả năm ước khoảng 7%, tương đương mức tăng của năm 2012, nhưng thấp hơn chỉ tiêu do Quốc hội đề ra (8%).

Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội sẽ thấp hơn mục tiêu đề ra, khó đạt được mức 30% GDP. Nguyên nhân là do nền kinh tế đang bị “nghẽn” hấp thụ tín dụng, mà đầu tư của mọi thành phần kinh tế đều dựa chủ yếu vào tín dụng. Theo TS. Lịch, ngay cả trường hợp đạt mức tăng tín dụng cả năm 2013 là 12%, thì tổng vốn đầu tư vẫn chưa thể đạt mức 30% GDP.

Để thoát khỏi “trì trệ”

Nhìn từ thực trạng kinh tế Việt Nam năm 2013, PGS.,TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần tái cơ cấu đầu tư công bằng việc tập trung sử dụng Luật Ngân sách chuyển sang hệ thống ngân sách “cứng”, ưu tiên áp dụng Luật Ngân sách hàng năm. Tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) bằng việc tái cơ cấu chỉ từ 2 - 3 tập đoàn kinh tế nhà nước nhanh trong vòng 6 tháng, theo cách từ trên xuống, sau đó mở rộng 2 năm. Tái cơ cấu ngân hàng bằng việc tập trung giải quyết triệt để vấn đề sở hữu chéo. Trong trung hạn cần soát xét, thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài. Ưu tiên tạo một tọa độ đột phá chiến lược (tọa độ mở cho các vùng kinh tế trọng điểm) và các đặc khu kinh tế quốc gia (thay vì cấp tỉnh).

Còn TS. Trần Du Lịch thì lại nhấn mạnh vào việc cần một chương trình trung hạn phục hồi kinh tế kéo dài đến hết năm 2015, dựa trên các nội dung chính sau đây:

Chính sách chủ đạo của chương trình là thực hiện chính sách” lạm phát mục tiêu”, với mức tăng CPI khoảng 7% mỗi năm trong 3 năm 2013-2015 và dưới 5% trong các năm tiếp theo. Có sự phối hợp giữa các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách thị trường hóa giá cả một số loại dịch vụ công, mà Nhà nước đang còn quy định giá và chính sách ngoại thương. Chương trình phục hồi kinh tế trung hạn sẽ chấm dứt tình trạng ban hành các giải pháp theo kiểu “ăn đong” như vừa qua. Phải chuyển chính sách từ kiềm chế lạm phát bị động sang lạm phát chủ động. Mức lạm phát mục tiêu sẽ tạo ra dư địa cho chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, cũng như lộ trình điều chỉnh giá cả dịch vụ, hàng hóa công cộng, mà không gây ra lạm phát do chi phí đẩy.

Từ chính sách “lạm phát mục tiêu” nêu trên, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư xã hội từ 30-32% GDP trong 3 năm sắp đến. Ở đây đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa và qua đó huy động các nguồn lực bổ sung cho nhau nhằm bảo đảm tổng đầu tư xã hội.

Trong 2 năm 2013-2014, cần mạnh dạn tăng chi tiêu công dưới nhiều hình thức để kích thích tăng tổng cầu. Cụ thể, tăng trần bội chi ngân sách so với mức 4,8% GDP hiện nay; phát hành trái phiếu Chính phủ, ngoài định mức 45 nghìn tỷ đồng/năm như Quốc hội đã cho phép nhằm thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và các công trình xây dựng dang dở. Vẫn biết rằng, nhiệm vụ phải bảo đảm an toàn của nợ công là quan trọng, nhưng trong tình thế hiện nay, chính đầu tư công là giải pháp có tác động nhanh nhất để kích thích sự tăng tổng cầu của nền kinh tế, khi mà chính sách tiền tệ đang có tác dụng hạn chế. Một khi nền kinh tế hấp thụ được vốn tốt hơn, có điều kiện để tăng tín dụng, thì sẽ giảm đầu tư công, khuyến khích đầu tư tư nhân, cân bằng mức nợ công như Quốc hội đã cho phép.

Lồng ghép vào các nhóm giải pháp trên trong chương trình trung hạn cần có sự đột phá trong nhiệm vụ tái cơ cấu khu vực DNNN. Hiệu quả sử dụng nguồn lực này là nhân tố chủ đạo trong quá trình tái cơ cấu kinh tế. Lực lượng DNNN không làm thay thị trường, nhưng là một lực lượng rất quan trọng để bổ khuyết những khuyết tật của thị trường. Trên quan điểm đó, thì không thể thành công nếu tái cơ cấu từng tập đoàn, tổng công ty riêng rẽ, mà phải thực hiện trên tổng thể lực lượng DNNN hiện hữu. Nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN là nhiệm vụ của Chính phủ, chứ không phải là nhiệm vụ của từng đơn vị. Nếu đặt đúng tầm như vậy chúng ta mới có thể thực hiện thành công việc tái cơ cấu DNNN theo tinh thần Nghị quyết trung ương 3 (khoá XI).