Việt Nam nên đổi “văn hóa đóng thuế“

Wayne Barford - Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Australia

Việt Nam đang cải cách thuế trên diện rộng. Trong đó, thuế thu nhập cá nhân được Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh bằng hai phương án.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thứ nhất, gộp bậc 1 và 2 của thuế suất hiện hành, cá nhân có thu nhập chịu thuế từ 10 triệu đồng trở xuống sẽ chịu thuế thu nhập cá nhân 5%. Những người có thu nhập tính thuế dưới 5 triệu đồng sẽ giữ nguyên mức thuế phải nộp, còn người có thu nhập trên 5 triệu đồng sẽ được giảm thuế thu nhập cá nhân. Với phương án này, thu ngân sách sẽ giảm khoảng 1.300 tỷ đồng.

Thứ hai, giữ nguyên thuế suất hiện hành 5% và 10% cho bậc 1 cho thu nhập tính thuế đến 5 triệu đồng và bậc 2 cho thu nhập 5 - 10 triệu đồng. Bậc 3, từ 10 - 40 triệu đồng,  áp thuế 20%. Bậc 4, từ 40 triệu đồng đến 80 triệu đồng, áp mức thuế 30%. Bậc 5, trên 80 triệu đồng, áp mức thuế 35%. Theo phương án này, thu ngân sách ước tăng khoảng 500 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đề xuất chọn phương án hai, dù ở cả hai phương án, mức thuế suất đều được điều chỉnh tăng và rút gọn từ 7 bậc xuống 5 bậc.

Các nguyên tắc Bộ Tài chính Việt Nam nêu trong Dự thảo Luật Sửa đổi 5 luật về thuế là tích cực. Tuy nhiên, nội dung điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân không nhiều tác dụng đối với chống thất thu thuế. Bởi vì, bất kể mức thuế nào, những người muốn trốn thuế sẽ vẫn trốn thuế.

Mục tiêu tăng thu ngân sách là rất rõ ràng trong định hướng cải cách thuế của Việt Nam. Tuy nhiên, mức thuế suất thu nhập cá nhân của Việt Nam đang cao nhất ASEAN, tới  35%. Việt Nam đang có cơ sở để giảm thuế thu nhập cá nhân, nhưng cần nhìn vào hoàn cảnh cụ thể, chẳng hạn số lượng người đóng thuế thu nhập cá nhân để xem xét mức thuế điều chỉnh cho phù hợp.

Đang có một số xu hướng cải cách thuế lớn trên thế giới được đưa ra nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế. Các nước châu Âu đã sử dụng các công cụ thuế để kích thích tăng trưởng kinh tế. Năm 2016, có 15 thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã tiến hành giảm thuế thu nhập cá nhân đối với hai nhóm thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Sử dụng các công cụ thuế để kích thích tăng trưởng kinh tế đã lan rộng san châu Á và các nước ASEAN. Tại Philippines, thuế thu nhập cá nhân đang ở mức 32% và dự kiến đưa xuống 25%, do chỉ có 0,5 đến 1% số người phải đóng loại thuế này. So với Philippines hay các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn còn dư địa cải cách. Thậm chí, ngay với chính sách thuế hiện hành, Việt Nam vẫn có thể cải thiện nguồn thu, gia tăng nguồn thu đáng kể nếu nâng cao hiệu quả hành thu cũng như tuân thủ pháp luật về thuế.

Việt Nam có thể rút kinh nghiệm từ quá trình cải cách thuế của Philippines: Trong 30 năm, các mục tiêu và phương pháp cải cách thuế ban đầu thường rất tốt, nhưng trong quá trình hoạch định chính sách, nó đã bị bóp méo khi đưa ra thương thảo giữa các nhóm lợi ích. Do đó, kết quả cuối cùng thường rất khác với nội dung ban đầu về cải cách thuế. Như vậy, khi áp chính sách thuế mới có thể đạt mục tiêu trước mắt về nhu cầu ngân sách nhưng hệ lụy chính sách là không tích cực.

Vấn đề quan trọng trong quá trình cải cách thuế, theo tôi, Việt Nam nên thay đổi "văn hóa" đóng thuế. Bây giờ, Australia đã tạo dựng được văn hóa đóng thuế bằng cách thúc đẩy tính đồng sở hữu của người đóng thuế và cơ quan thuế, nhưng 30 năm trước, trốn thuế đã được xem như "sở thích" của người đóng thuế. Trong khi đó, các cơ quan quản lý thuế mặc định quan điểm đối tượng chịu thuế là "đối tượng trốn thuế tiềm năng". Điều này rất "độc hại" cho nền kinh tế, xã hội và chính công tác quản lý thuế.

Nhận ra xu hướng tiêu cực đó, Chính phủ Australia đã dành 5 năm để thay đổi văn hóa đóng thuế. Tính sở hữu được Chính phủ Australia thúc đẩy rất mạnh trong quá trình cải cách, áp dụng cho cả cơ quan thuế lẫn người đóng thuế. Trong khi cán bộ ngành thuế được giáo dục để coi "người đóng thuế như đồng minh", thì người đóng thuế có trách nhiệm thúc đẩy những người đóng thuế khác thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.

Chính sách thuế có tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Do đó, các chính sách thuế phải mang tính nhất quán, ổn định và đơn giản cho cả việc hành thu và tuân thủ.

Muốn vậy, quá trình cải cách thuế của Việt Nam cần tuân thủ các nguyên tắc về thuế, để nuôi dưỡng nguồn thu, tăng thu cho ngân sách nhà nước và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Một số yếu tố cần được tính đến trong quá trình cải cách thuế, như thời điểm thực hiện cải cách, hoặc tác động tích cực đến nguồn thu, hay thúc đẩy đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường tính cạnh tranh của nền kinh tế. Thêm nữa, trong quá trình soạn thảo chính sách thuế, cơ quan soạn thảo phải thường xuyên tham khảo ý kiến của các đơn vị bị ảnh hưởng, hiệp hội doanh nghiệp, đối tượng chịu thuế.