Việt Nam phải trở thành trung tâm logistics của khu vực

Theo Chí Tuấn/daibieunhandan.vn

Phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông tại Hà Nội, sáng 16/4 và được trực tuyến ở 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS. Nguyễn Đình Cung phát biểu tại hội nghị Ảnh: Chí Tuấn
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS. Nguyễn Đình Cung phát biểu tại hội nghị Ảnh: Chí Tuấn

Đa phần doanh nghiệp logistics Việt Nam vừa và nhỏ

Đánh giá về logistics tại Việt Nam, hầu hết chuyên gia cho rằng: Việt Nam đang có những lợi thế nhất định để phát triển ngành này. Với 5 phương thức vận tải, đặc biệt có bờ biển dài khoảng 3.260km từ Bắc đến Nam, với hơn 10 cảng chuyên dùng, Việt Nam là địa điểm lý tưởng để tiến hành các hoạt động trung chuyển tạm nhập, tái xuất.

Mặc dù có nhiều lợi thế, nhưng theo Bộ Giao thông - Vận tải (GT - VT), hiện vẫn còn nhiều bất cập. Sự thiếu kết nối giữa cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển cùng với sự thiếu đồng bộ  của 5 loại hình vận tải đã hạn chế phát triển của hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics.

Ngoài ra, việc thiếu cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển, phân phối hàng hóa cũng là một nguyên nhân khiến chi phí vận tải, logistics còn cao.

Theo Ngân hàng Thế giới, chi phí logistics của Việt Nam tương đương 20,9% GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm khoảng 59%. Bên cạnh đó, doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng có hạn chế về trình độ quản trị doanh nghiệp, chủ yếu là vừa và nhỏ, chưa có mối quan hệ sâu rộng, chắc chắn với các đối tác nước ngoài nên khó giành được hợp đồng từ nước ngoài.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) Lê Duy Hiệp thừa nhận: Hạn chế về năng lực tài chính và trình độ quản lý là rào cản lớn cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Đa phần các doanh nghiệp logistics là doanh nghiệp trong nước, chiếm tới 88%. Chỉ có 10% là doanh nghiệp liên doanh và 2% là doanh nghiệp nước ngoài.

“Ngay cả ở trong nước, do mối quan hệ từ các tập đoàn mẹ, các doanh nghiệp logistics đầu tư nước ngoài (FDI) cũng dễ dàng ký được hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh có vốn FDI. Sau đó, doanh nghiệp logistics FDI thuê lại doanh nghiệp logistics trong nước để cung cấp dịch vụ trong từng công đoạn nhỏ”, Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp cho biết thêm.

Sẽ ban hành chỉ thị phát triển logistics

Chia sẻ tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết: Phát triển logistics ở Việt Nam thời gian qua đã có những đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, mở rộng và phát triển thị trường quốc tế, nâng cao mức hưởng thụ của người tiêu dùng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước. Đồng thời, các cơ chế chính sách và thủ tục hành chính cũng được các bộ, ngành quan tâm cải thiện tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, kéo dài từ nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết được như công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau. Bên cạnh đó, năng lực, nhân lực cho hoạt động logistics cũng chưa đáp ứng được yêu cầu…

Đề cập giải pháp để phát triển logistics Việt Nam, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng: Việt Nam cần vượt qua một số trở ngại lớn về thể chế, chính sách nhằm cải thiện hoạt động logistics thông qua việc giảm chi phí, nâng cao độ ổn định.

Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh: Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan giải quyết tình trạng vô cảm, vô lý, vô trách nhiệm trong việc tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép Nguyễn Văn Minh kiến nghị cho phép Cảng Cái Mép - Vũng Tàu là cảng duy nhất cho hàng xuất và nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu. Bộ trưởng Bộ GT - VT Nguyễn Văn Thể khẳng định: Ngay sau hội nghị, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Chỉ thị phát triển logistics Việt Nam. Theo đó, cắt giảm ít nhất 370/570 (hơn 66%) điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GT - VT. Đồng thời, Bộ cũng sẽ rà soát, sửa đổi chính sách thuế, phí, giá dịch vụ theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động logistics.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Logistics là ngành dịch vụ quan trọng đối với nền kinh tế và cần phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành đầu mối logistics quan trọng của khu vực. Thủ tướng cho rằng: Cần quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống để tạo chuyển biến tình hình dịch vụ logistics.

Đặc biệt, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp để làm tốt dịch vụ này. Mục tiêu phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 là tỷ trọng đóng góp của ngành vào GDP đạt 8% - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.