Việt Nam - Thành viên tích cực trong APEC

Theo baoquocte.vn

Việt Nam đã bắt đầu đảm nhận vai trò chủ nhà của Năm APEC 2017- một năm đầy thử thách vì xu thế chống toàn cầu hóa gia tăng tại một số nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại khu vực là lợi ích chung, và hy vọng sẽ có nhiều thỏa thuận hợp tác mới trong Năm APEC Việt Nam 2017.

Việt Nam - Thành viên tích cực trong APEC - Ảnh 1

Giám đốc điều hành Ban Thư ký Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) quốc tế Alan Bollard

Giám đốc điều hành Ban Thư ký Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) quốc tế Alan Bollard chia sẻ như vậy trong bài phỏng vấn TG&VN nhân Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp APEC (ISOM) được tổ chức tại Hà Nội tuần trước (8-9/12).

PV. Xin ông cho biết vai trò của APEC trong việc hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên?

Ông Alan Bollard: APEC vận hành nhằm hỗ trợ 21 nền kinh tế thành viên, hầu hết nằm trong Vành đai Thái Bình Dương. Các nền kinh tế nỗ lực cùng với nhau để tăng cường thương mại, đầu tư trong khu vực, qua đó, cải thiện mức sống của người dân.

APEC hoạt động theo phương pháp hướng tới sự đồng thuận, tự nguyện giữa các thành viên. APEC đã chứng tỏ mình là một “vườm ươm” hiệu quả cho tất cả các ý tưởng mới. Ban đầu, Diễn đàn tập trung vào việc cắt giảm hàng rào thuế quan, phi thuế quan và các hạn chế trong hoạt động thương mại. Hướng xa hơn nữa, chúng tôi đã và đang tập trung vào các quy định bên trong các đường biên giới, sự phát triển của chuỗi cung ứng và gần đây nhất, là cách thức để tăng cường thương mại dịch vụ.

Đánh giá của ông về sự tham gia của Việt Nam trong APEC?

Việt Nam là một thành viên rất tích cực trong APEC. Việt Nam tham gia APEC năm 1998. Kể từ đó, Việt Nam học hỏi được những thực tiễn tốt nhất trong khu vực và áp dụng chúng vào việc mở cửa nền kinh tế cũng như phát triển thương mại, đầu tư của nước mình. Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng bằng những chính sách này.

Việt Nam là nước chủ nhà của Năm APEC 2017. Trong vai trò này, Việt Nam sẽ phải tổ chức một số lượng lớn các cuộc họp về chính sách kinh tế, thương mại cũng như cung cấp những thông tin về các ưu tiên của khu vực. Chúng tôi mong đợi có nhiều sự tương tác giữa chính phủ và doanh nghiệp trong suốt năm tới đây.

Nhận định của ông về triển vọng tăng trưởng và thương mại ở Việt Nam cũng như trong toàn khu vực?

Các nền kinh tế trong khu vực đã xích lại gần nhau hơn và chúng ta đã chứng kiến những tiến trình hội nhập thương mại thông qua chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Những hoạt động này đã giúp các nền kinh tế kém phát triển hơn có thể cạnh tranh trong thị trường quốc tế. Việt Nam vẫn duy trì vị thế là một nhà sản xuất quan trọng trong khu vực và có thể tận dụng các lợi thế của việc cắt giảm các rào cản thương mại để phát triển nền kinh tế với một tốc độ khá nhanh.

Bên cạnh đó, chúng tôi hy vọng các nền kinh tế trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ tập trung nhiều hơn vào phát triển các lĩnh vực dịch vụ. Mong rằng, các nền kinh tế trong AEC có nhiều kế hoạch hơn nữa để thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng và sử dụng thương mại điện tử để kết nối với các nền kinh tế chủ đạo trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ có nhiều cơ hội phát triển.

Việt Nam cũng là một thành viên trong AEC, thành viên tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu như TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một vài thách thức lớn trong việc tuân thủ các quy định song Việt Nam cũng có thể là nền kinh tế đạt được bình quân đầu người cao trong các nước thành viên TPP. Điều này có được là do Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh về chi phí và vị trí và vị thế của Việt Nam trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn khá cạnh tranh.

Đánh giá của APEC về chiều hướng chống toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ hiện nay, và tác động của xu hướng này tới các nền kinh tế APEC như thế nào?

Chúng tôi đã nhận thức được, một thời gian sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, là các mô hình thương mại đang thay đổi và thái độ của người dân cũng đang thay đổi. Năm nay, đặc biệt là tại một số nền kinh tế phát triển ở châu Âu và ở Mỹ, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng trong công chúng về cảm giác toàn cầu hóa không mang lại lợi ích mạnh mẽ như trước, ngoài ra còn dẫn tới mất việc làm, giảm thu nhập và gây ra bất bình đẳng. Những điều này không thể hiện hết khi bạn nhìn vào các con số. Rõ ràng có phản ứng khá rộng rãi chống lại toàn cầu hóa.

Tại cuộc họp hồi tháng trước ở Lima, Peru, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang và các nhà lãnh đạo APEC kết luận rằng họ muốn thấy APEC nhấn mạnh vào "toàn cầu hóa bao trùm", dành sự quan tâm nhiều hơn cho cả những người chiến thắng và kẻ thua cuộc. Ngoài ra các lãnh đạo còn kêu gọi APEC tập trung hơn vào "toàn cầu hóa mới", nghĩa là không chỉ về sản xuất mà còn về các ngành công nghiệp dịch vụ, vốn tạo ra hầu hết việc làm hiện nay.

Thêm vào đó, các nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường tập trung vào “toàn cầu hóa mềm” theo cách tiếp cận của APEC là phát triển phải tự nguyện, hướng theo sự đồng thuận và không ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia.

Trong bối cảnh đặc biệt quan trọng như hiện nay, APEC có thể là cách tốt nhất để tiến về phía trước. Một ví dụ điển hình là cách Việt Nam đi đầu trong chương trình làm việc trong APEC để hiện thực hóa Khu vực Thương mại Tự do khu vực châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP).

ISOM APEC vừa qua tại Hà Nội đem lại những kết quả gì thưa ông?

Với hội nghị không chính thức đầu tiên này, vai trò chủ tịch APEC của Việt Nam đã chính thức bắt đầu. Đây là dịp để các quan chức thành viên APEC thảo luận về chương trình nghị sự chính sách cho khu vực trong năm sắp tới.

Việt Nam đã công bố bốn lĩnh vực ưu tiên của APEC trong năm 2017 đó là Liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo; Tăng cường sự sáng tạo và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Bảo đảm an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững. Những ưu tiên này thực sự giải quyết được các thay đổi lớn đang diễn ra tại khu vực và sẽ là những ưu tiên của APEC xuyên suốt năm tới.

Ông nhận định thế nào về triển vọng hợp tác trong khuôn khổ APEC trong năm Việt Nam làm Chủ tịch APEC 2017 và APEC có thể đạt được thành tựu nào?

Thông thường, các nền kinh tế APEC – cả lớn và nhỏ, dù là kinh tế thị trường hay phi thị trường – chỉ gặp nhau để thúc đẩy các vấn đề kinh tế và thời gian qua các nỗ lực này đã đem lại sự hợp tác rất tốt. Chúng ta có lợi ích chung trong việc thúc đẩy toàn khu vực phát triển về kinh tế.

Các cuộc họp tiếp theo mà chúng tôi sẽ tổ chức tại Nha Trang vào tháng Giêng và tháng Hai năm tới, sẽ mang lại câu trả lời cho các nền kinh tế khác về những ưu tiên của Việt Nam và chúng tôi hy vọng sẽ chứng kiến nhiều thỏa thuận hợp tác mới.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhớ rằng phía trước sẽ là một năm đầy thử thách vì xu thế chống toàn cầu hóa gia tăng tại một số nền kinh tế phát triển và cũng bởi vì có sự thay đổi chính quyền mới tại Mỹ. Ở giai đoạn này, sẽ là quá sớm để hiểu hết những tác động của nó.

Xin cảm ơn ông!