Việt Nam thuộc nước tiệm cận với các quốc gia có tiềm năng phát triển cách mạng 4.0

Theo Bích Liên/dangcongsan.vn

Nói về việc Việt Nam đang đứng vị trí nào trong việc triển khai cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Đàm Bạch Dương - Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa cho biết, Việt Nam thuộc nước tiệm cận với nhóm quốc gia có tiềm năng trong giai đoạn tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai “Readiness for the Future of Production Report 2018” do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới công bố, trong tổng số 100 quốc gia được đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (cách mạng 4.0) và các chỉ số liên quan đến đổi mới sáng tạo còn ở mức thấp.

Giải thích về công bố mới đây của WEF, ông Đàm Bạch Dương – Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao cho biết, WEF xây dựng báo cáo này dựa trên điều tra ở 100 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Báo cáo này được dựa trên hai nhóm chỉ số chính: Thứ nhất là nhóm về cấu trúc của sản xuất bao gồm 3 chỉ tiêu. Nhóm thứ 2 là bao gồm các yếu tố dẫn dắt sản xuất, nhóm này rất lớn gồm 59 chỉ tiêu. Trong nhóm 2 thì công nghệ đổi mới, sáng tạo chiếm 17 chỉ tiêu. Mỗi chỉ số sẽ được xếp hạng riêng nhưng cuối cùng điều quan trọng nhất là phải xem chỉ số tổng hòa là bao nhiêu.

“Theo WEF thì chúng ta có thể tạm chia 100 quốc gia này thành 4 nhóm. Nhóm đầu tiên là các nước dẫn dắt; nhóm thứ 2 là nhóm có tiềm năng cao; nhóm thứ 3 là nhóm “di sản” – nhóm có hiện trạng rất tốt nhưng vì không có sự chuẩn bị cho giai đoạn tới nên có nguy cơ sẽ bị tụt hậu; nhóm cuối cùng – gọi là nhóm sơ khai. Việt Nam chúng ta nằm trong nhóm này”, ông Dương cho biết.

Cũng theo ông Dương, trong tổng cộng 62 nhóm chỉ tiêu, mỗi nhóm chỉ tiêu có một xếp hạng riêng. Trong đó, chỉ số tổng hòa thì Việt Nam cụ thể như sau: Cấu trúc sản xuất là 48/100, yếu tố dẫn dắt sản xuất là 53/100. Như vậy, nếu nhìn vào chỉ số tổng hòa thì Việt Nam đang nằm ở nhóm tiệm cận với các quốc gia có tiềm năng ở trong giai đoạn tới.

Ông Đàm Bạch Dương cũng khẳng định, mặc dù Việt Nam có một số chỉ tiêu đánh giá thấp nhưng bên cạnh đó lại có nhiều chỉ tiêu được đánh giá là tương đối cao. Khi Bộ KH&CN nhận được báo cáo này đã giao cho Vụ Chiến lược Chính sách xây dựng một báo cáo ngắn gọn để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đưa ra những phân tích rõ ràng.

Cũng theo ông Dương, WEF xây dựng báo cáo này dựa theo một phương pháp đánh giá nhất định. Thông thường thì người ta có nhiều phương pháp đánh giá. Mỗi phương pháp thường có một sai số nhất định.

Lý giải thêm về thông tin này, ông Bùi Thế Duy, Chánh Văn phòng Bộ KH&CN cho rằng, về trình độ công nghệ có những đánh giá khác nhau. Báo cáo này đánh giá sâu về sản xuất. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận hiện năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp Việt còn hạn chế. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng và Nghị quyết 27 của Chính phủ đều có định hướng là sẽ nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp./.