Việt Nam trước ngưỡng cửa cộng đồng kinh tế ASEAN

TRẦN ANH TUẤN - Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp

(Taichinh) - Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành vào cuối năm 2015, dự kiến sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng GDP thêm 14,5% và tăng trưởng việc làm thêm 10,5%. Tuy nhiên, đi kèm với những cơ hội thì AEC cũng đặt ra không ít thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải có chiến lược điều chỉnh kịp thời và hiệu quả.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơ hội và thách thức của Việt Nam khi gia nhập AEC

AEC sẽ là cơ hội quý báu để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, nhanh chóng bắt nhịp với xu thế và trình độ phát triển kinh tế của khu vực và thế giới. Theo Hiến chương ASEAN, AEC được thành lập vào cuối năm 2015 sẽ đánh dấu sự hội nhập toàn diện các nền kinh tế 10 nước Đông Nam Á, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người và GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD. Từ năm 2004 đến nay, ASEAN đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Ấn Độ. Xu thế này phù hợp với xu thế đẩy mạnh cải cách, mở cửa của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang đàm phán các FTA với Liên minh châu Âu (EU), Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan), ASEAN+6, Hàn Quốc, Khối Thương mại tự do châu Âu (Thụy Sỹ, Na Uy, Liechtenstein, Iceland) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). AEC ra đời cùng với việc Việt Nam mở rộng các hiệp định FTA sẽ tạo động lực giúp các doanh nghiệp (DN) mở rộng giao thương, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm, tiếp cận các thị trường rộng lớn hơn.

Việc tham gia AEC cũng sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế, hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao trình độ phát triển, đặc biệt, sẽ mang lại những lợi ích quan trọng về việc làm cho các ngành xây dựng, thương mại và vận tải (hiện Việt Nam đang là quốc gia tập trung tới 1/6 lực lượng lao động của khu vực ASEAN). GDP dự kiến sẽ tăng thêm 14,5% và sẽ có thêm hàng triệu việc làm mới nhờ tác động của AEC. Theo dự báo, AEC sẽ đẩy mạnh các xu hướng chuyển dịch cơ cấu hiện đại. Tỷ trọng việc làm của ngành công nghiệp sẽ tăng lên 23,5% vào năm 2025. Đặc biệt, sự mở rộng đáng kể của ngành mậu dịch và vận tải hàng hóa, dịch vụ sẽ trở thành khu vực tạo việc làm chủ lực trong nền kinh tế, chiếm 41,3% tổng việc làm…

Bên cạnh những thuận lợi lớn, các DN Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi AEC ra đời. Việc cạnh tranh về dịch vụ đầu tư của các nước ASEAN sẽ dẫn đến một số ngành, DN phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập mạnh mẽ, các nước sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam nhưng đồng thời Việt Nam cũng phải mở cửa cho hàng hóa cạnh tranh của các nước. Những DN có lợi thế xuất khẩu sẽ ngày càng lớn mạnh hơn, trong khi DN có khả năng cạnh tranh yếu đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ gặp thách thức rất lớn. Hiện nay, đa số DN của Việt Nam là DN nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế, bước vào “sân chơi” AEC, các DN Việt Nam đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Theo Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (ISEAS) khi điều tra về nhận thức và sự quan tâm của DN đến AEC ở các quốc gia ASEAN, trong đó có các DN Việt Nam (ISEAS, 2013), thì phần lớn các DN Việt Nam có hiểu biết và nhận thức rất hạn chế về AEC. Cụ thể: có 76% số DN được điều tra không biết về AEC và 94% DN không biết về Biểu đánh giá thực hiện AEC. Các DN được hỏi cũng không hiểu rõ những cơ hội cũng như thách thức đối với Việt Nam nói chung và với các DN nói riêng khi Việt Nam gia tham gia vào AEC 2015. Có đến 63% DN cho rằng AEC không có ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến việc kinh doanh của mình. Đây là tỷ lệ lớn nhất trong số các quốc gia ASEAN. Những nhận thức còn hạn chế như vậy sẽ khiến DN gặp khó khăn trong việc tận dụng được các ưu đãi và cơ hội đến từ AEC (như ưu đãi về thuế quan, về thủ tục hải quan, sự công nhận lẫn nhau đối với một số ngành, các ngành được ưu tiên trong ASEAN...).

Hơn nữa, nền quản lý hành chính lạc hậu, nhiều thủ tục rườm rà sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến năng lực cạnh tranh, chi phí về thời gian và tiền bạc của DN Việt Nam. Do vậy, sức ép cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ khoa học - công nghệ và năng lực cạnh tranh đặt ra đối với Việt Nam là rất lớn.

Đối với lĩnh vực lao động, việc làm, Việt Nam cũng đứng trước những thách thức lớn như: Lao động Việt Nam tuy dồi dào nhưng có nhược điểm là kỷ luật lao động và kỹ năng sống kém; Trình độ chuyên môn và kỹ năng chưa cao… Do vậy, lao động có tay nghề cao từ các nước ASEAN-6 phát triển hơn cũng có thể tràn vào Việt Nam và gây nhiều hệ lụy về xã hội. Thực tế này đòi hỏi Chính phủ, DN và người dân Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt để đối phó các thách thức về dịch chuyển lao động từ AEC…

Yếu tố then chốt để tạo sự hấp dẫn

Có thể nói AEC đang đến rất gần và đặt Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác trước những thách thức to lớn. Thực tế này đang đòi hỏi chính phủ, DN và người dân Việt Nam cần có sự quan tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong quá trình tham gia AEC. Trong đó, các yếu tố then chốt mà Việt Nam không thể bỏ qua là cải cách thể chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cụ thể:

Thứ nhất, mục tiêu của AEC đến năm 2015 là tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; từ đó nâng cao sức cạnh tranh và thúc đẩy thịnh vượng chung cho cả khu vực, tạo sự hấp dẫn đầu tư-kinh doanh từ bên ngoài. Do đó, Việt Nam cần thiết kế một kế hoạch tổng thể hội nhập để cam kết, lộ trình làm sao cho hài hòa.

Thứ hai, Việt Nam cần đẩy mạnh tuyên truyền để DN và người lao động tích cực hơn trong việc chuẩn bị hội nhập AEC. Bên cạnh đó, khi AEC ra đời vào cuối năm 2015, các nước thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động. Việc này một mặt tạo cơ hội cho dịch chuyển lao động có chất lượng, song mặt khác lại đặt ra những thách thức lớn cho lao động thiếu kỹ năng. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên do cạnh tranh về việc làm sẽ rất khốc liệt khi lao động giữa các nước có thể di chuyển tự do. Thực tế cho thấy, điểm yếu của lao động Việt Nam là thiếu các kỹ năng mềm, như làm việc nhóm, giao tiếp, khả năng ngoại ngữ... Hiện nay, Lào, Campuchia, Myanmar, Việt Nam là bốn nước chưa có khung nghề chuẩn quốc gia, trong đó Việt Nam sẽ gặp khó khăn gấp bội vì thiếu chuẩn bị và có nhiều vấn đề cản trở. Bằng cấp của Việt Nam thuộc loại phức tạp nhất thế giới, không được các nước công nhận, trừ Lào và Campuchia. Khi hội nhập AEC, tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ chung của ASEAN ngoài tiếng mẹ đẻ. Người Việt buộc phải cạnh tranh với người Myanmar, Philippines... và cả Campuchia ngay tại Việt Nam. Như vậy, nếu người lao động Việt Nam không nâng cao kỹ năng thì họ có thể mất việc ngay tại “sân nhà”. Do đó, để thích ứng với hoàn cảnh mới, người lao động phải học hỏi, cập nhật kỹ năng mới.

Thứ ba, nâng cao năng suất lao động cũng là một yêu cầu cần phải chuẩn bị để hội nhập hiệu quả AEC. Năng suất lao động Việt Nam còn rất thấp, chỉ cao hơn lao động tại Lào và Campuchia, trong khi thấp hơn các nước còn lại trong khối ASEAN. Hiện năng suất trung bình của người lao động Việt Nam thấp dưới một nửa so với Philippines, nhỉnh hơn một phần tư của Thái Lan, dưới một phần mười của Malaysia và chỉ chưa bằng 3% năng suất của Singapore. Thêm vào đó, nguy cơ của nền kinh tế chỉ dựa vào lao động giá rẻ và năng suất thấp là rất cao. Bởi vì lao động chất lượng thấp đồng nghĩa với tính kém đa dạng của các loại kỹ năng, khả năng sáng tạo cũng như hiệu quả tổ chức. Với những đặc điểm này, Việt Nam sẽ không phải là một điểm đến hấp dẫn cho những dự án đầu tư mang tính tiên phong về công nghệ hoặc quy mô. Thậm chí, sau năm 2015, Việt Nam còn có nguy cơ trở thành địa bàn để tiêu thụ hàng hóa thay vì là nơi đầu tư phát triển sản xuất…