Việt Nam và kinh nghiệm xử lý tin đồn

Theo CafeF

Sự phản ứng của lãnh đạo BIDV cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước cho thấy chúng ta đã có kinh nghiệm xử lý tin đồn sau những gì xảy ra vào cuối quý III/2012.

Việt Nam và kinh nghiệm xử lý tin đồn
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Phản ứng của nhà đầu tư

Không thể trách nhà đầu tư nhỏ lẻ đã “bỏ của chạy lấy người” đặt bán sàn ồ ạt trong phiên giao dịch ngày 21/2.

Thứ nhất, những gì đã xảy ra năm 2012 là một cái giá quá đắt cho các nhà đầu tư còn bám trụ lại trên thị trường thời điểm đó, VN-Index giảm một mạch hơn 35 điểm trong 3 phiên từ 21-23/8/2012 sau khi bầu Kiên bị bắt và cổ phiếu dư bán sàn liên tục nhưng không ai mua. Điều sợ hãi nhất đối với nhà đầu tư là cổ phiếu mất thanh khoản.

Những ai đã trải qua cơn bão sẽ có tâm lý “chim sợ cành cong”, và nhất là ở thời điểm hiện tại khi nhà đầu tư đã có lời kha khá kể từ đầu sóng, thì việc bảo vệ thành quả là điều cần và nên làm.

Câu chuyện ở đây là việc các cơ quan chức năng cần phải điều tra đối tượng tung tin đồn với mục đích gì. Không phải tự dưng trong 2 phiên gần đây KLGD hai sàn đều đạt trên 200 triệu cổ phiếu/phiên với giá trị giao dịch hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 40-50% so với thanh khoản trước Tết.

Vẫn có các lệnh đặt mua giá sàn khối lượng lớn chặn tại các cổ phiếu nóng, cổ phiếu bluechips khi biên độ biến động giá của các cổ phiếu lên tới 14-20% trong phiên. Nếu nhà đầu tư bán giá trần đầu phiên, cuối phiên mua lại giá sàn sẽ lời ngay 14-20% và ở trường hợp người mua sẽ lỗ một khoản tương tự. Biên độ được nới rộng sẽ khiến nhà đầu tư – nếu ở trong trường hợp thị trường diễn biến lình xình như tuần trước tết – sẽ không bao giờ có thể mạnh tay đặt giá kịch biên độ như 2 phiên trở lại đây được.

Điều thứ hai khiến tin đồn lan nhanh đó là do mạng lưới liên kết các nhà đầu tư đã phát triển rất nhanh nhờ skype, facebook, Yahoo Messenger, bây giờ hầu như nhà đầu tư nào cũng tham gia một room chat trên skype để nghe các market maker “phím hàng”, các mạng lưới đan xen như mạng nhện ở các phòng chat nọ sang phòng chat kia, chỉ cần 1 phút tin đồn đã lan khắp thị trường khiến các lệnh đặt bán chất ồ ạt.

Phản ứng của những người đứng đầu

BIDV là một công ty đại chúng quy mô lớn, do đó theo thông tư 52 của Bộ Tài Chính, kể từ 1/7/2012 BIDV phải thực hiện công bố thông tin như doanh nghiệp niêm yết, bất cứ thông tin gì liên quan đến Hội đồng Quản trị phải thực hiện công bố thông tin bất thường trong vòng 24 giờ.

Ngay sau khi tin đồn tung ra thị trường, lãnh đạo BIDV đã lên tiếng phủ nhận tin đồn kịp giúp nhà đầu tư khỏi hoang mang. Tiếp theo, BIDV mời Bộ Công An vào cuộc. Câu chuyện này khác với câu chuyện của ACB vào tháng 8/2012, khi lãnh đạo ACB đầu tiên lên tiếng phủ nhận tin đồn nhưng sau đó tin đồn lại thành sự thật khiến nhà đầu tư mất lòng tin. Nhưng khi BIDV mời Bộ Công an vào cuộc điều này đã khẳng định chắc chắn cho nhà đầu tư rằng tin đồn không đúng sự thật.

Thứ hai, cả Ngân hàng Nhà nước và Ủy Ban chứng khoán Nhà nước ngay sau đó đề nghị các Sở ban ngành phối hợp xử lý tin đồn.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có Công văn số 597/UBCK-VP đề nghị các Sở Giao dịch Chứng khoán phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán rà soát toàn bộ các giao dịch trong thời gian gần đây, đặc biệt trong phiên ngày 21/2/2013, kịp thời báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các hành vi tung tin đồn, đầu cơ trục lợi. Việc này sẽ ngăn chặn các động thái lợi dụng tin đồn để bán khống.

Trong khi Ngân hàng nhà nước ngay lập tức công bố năm 2012 đã mua vào 18 tỷ đô, khẳng định ngoại tệ đang rất ổn định. Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi công văn cho biết đang phối hợp với Bộ Công an để làm rõ nguồn gốc những tin đồn thất thiệt gây tâm lý hoang mang, làm xáo trộn trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá biến động, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh trái phép trên thị trường ngoại tệ tự do.

Sự phản ứng của lãnh đạo BIDV cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng nhà nước cho thấy chúng ta đã có kinh nghiệm xử lý tin đồn sau những gì xảy ra vào cuối quý 3/2012. Tuy nhiên những phản ứng thái quá của nhà đầu tư trong phiên 21/2 cho thấy thị trường tài chính của chúng ta vẫn rất mong manh trước các tin đồn và cần phải có các chế tài mạnh và quyết liệt để xử lý các nguồn tung tin này.

Có lẽ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như hai Sở sau tuần này lại phải thanh tra các ổ bán khống cũng như phối hợp với các bên để tránh hiện tượng các đối tượng lợi dụng tin đồn nhằm trục lợi cá nhân.