Xác định mô hình tăng trưởng sẽ minh định được lộ trình tái cơ cấu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Đề xuất lượng hóa nội dung mô hình tăng trưởng trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra trong Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại. Theo đó, cần lượng hóa mô hình tăng trưởng mới có thể xác định rõ lộ trình, cách thức thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Xác định mô hình tăng trưởng sẽ minh định được lộ trình tái cơ cấu
Cần lượng hóa mô hình tăng trưởng mới có thể xác định rõ lộ trình, cách thức thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Nguồn: internet

Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2011 – 2015 đã xác định, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và trên từng địa phương, đơn vị cơ sở, sản phẩm chủ yếu, với tầm nhìn dài hạn, cũng như có lộ trình cụ thể. Nghị quyết cũng nêu rõ, cần tập trung thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong 3 lĩnh vực quan trọng là cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính; cơ cấu lại doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, ngay từ năm 2012 chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2013 – 2015 tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản, có hiệu quả rõ rệt. Trong ba lĩnh vực quan trọng này, Nghị quyết đã nêu rõ các định hướng, mục tiêu cần đạt được trong quá trình thực hiện tái cơ cấu.

Có thể thấy, Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh được xây dựng là để khắc phục những hạn chế của nền kinh tế đã bộc lộ rõ từ năm 2011. Trong phiên thảo luận về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, các đại biểu Quốc hội cho rằng, các hạn chế cũ vẫn chậm được khắc phục, trong khi lại có thêm nhiều sức ép mới. Cụ thể, theo đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), những bài học đắt giá cho giai đoạn gia nhập WTO như: sự ra đời ồ ạt các tập đoàn kinh tế Nhà nước, các tập đoàn tài chính; việc nâng lên mức vốn pháp định các tổ chức tín dụng một cách nóng vội, duy ý chí; dòng vốn nước ngoài dồn dập vào và sự hình thành những bong bóng bất động sản, chứng khoán khi nội lực nền kinh tế chưa có khả năng hấp thụ nhiều vốn... vẫn còn nguyên tính thời sự. Trong khi đó, các nỗ lực tái cấu trúc trong nước đang bị dồn nén bởi sức ép cải cách thể chế do nước ta đang hội nhập sâu vào kinh tế quốc tế và khu vực. Các hiệp định thương mại với những đối tác lớn trên thế giới không chỉ mang lại những tác động tích cực đến nền kinh tế nước ta, mà còn có nguy cơ áp lực hội nhập kinh tế quốc tế.   

Như vậy, có thể nói, việc tái cơ cấu nền kinh tế với ba trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, thị trường tài chính và doanh nghiệp Nhà nước chưa đáp ứng mong mỏi của xã hội, cũng như đòi hỏi của thực tế. Có nhiều nguyên nhân khiến tái cơ cấu nền kinh tế chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tế, trong đó không thể không kể đến việc mục tiêu, giải pháp còn quá chung chung, thiếu những chỉ tiêu cụ thể cần phấn đấu đạt được. Điều này không phải sau 1/3 chặng đường thực hiện tái cơ cấu mới nhìn thấy mà ngay khi Chính phủ trình Đề án ra Quốc hội (tại Kỳ họp thứ Ba), nhiều ý kiến đã chỉ rõ việc thiếu lượng hóa mục tiêu, chỉ tiêu cho từng năm và từng giai đoạn sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện.

Nhưng có lẽ, việc thiếu lượng hóa các chỉ tiêu không chỉ do công tác dự báo chưa sâu, một số cơ quan chưa chủ động thực hiện, mà sâu xa hơn là do mô hình tăng trưởng còn chưa sáng rõ. Trong khi đó, trong các giai đoạn 1986 – 1997, 1998 – 2006 và từ 2007 đến nay, mỗi mô hình tăng trưởng đều kéo theo những đột phá về tư duy kinh tế, tư duy lập pháp và tổ chức nhân sự. Từ những chuyển đổi này, cơ cấu kinh tế trong mỗi giai đoạn có những thay đổi nhất định so với thời gian trước đó. Nói cách khác, tái cơ cấu nền kinh tế không chỉ gắn bó mật thiết mà còn là phương thức để thực hiện chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới. Nếu chưa lượng hóa được mô hình tăng trưởng mới như thế nào, thì cũng không dễ để lượng hóa các mục tiêu và lộ trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.

Tại Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thương vụ Quốc hội đã đề xuất, cần bổ sung, hoàn thiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là lượng hóa nội dung mô hình tăng trưởng; mô tả cụ thể các mục tiêu, lộ trình thực hiện trong kế hoạch hàng năm và 5 năm. Điều này không chỉ giúp Quốc hội và cử tri dễ theo dõi, giám sát, mà theo nguyên tắc, phải hiểu rất rõ thực tế, biết cách thực hiện thì mới có thể đưa ra các con số, mốc thời gian cụ thể.