Xây dựng chuẩn mực kế toán cho công cụ tài chính phái sinh

TS. Hà Thị Ngọc Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán & Kiểm toán, Bộ Tài Chính

(Tài chính) Chứng khoán phái sinh (CKPS) là những công cụ được phát hành trên cơ sở những công cụ tài chính đã có như cổ phiếu, trái phiếu, nhằm mục tiêu khác nhau như phân tán rủi ro, bảo vệ lợi nhuận hoặc tạo lợi nhuận.

Công cụ tài chính phái sinh là một biện pháp khôn ngoan để đối phó với rủi ro. Nguồn: internet
Công cụ tài chính phái sinh là một biện pháp khôn ngoan để đối phó với rủi ro. Nguồn: internet
Thị trường CKPS là thị trường phát hành và mua đi bán lại các hợp đồng tài chính, như quyền mua cổ phiếu, chứng quyền, hợp đồng quyền chọn.

Các công cụ phái sinh rất phong phú và đa dạng, nhưng có 4 công cụ chính là Hợp đồng kỳ hạn (forwards), Hợp đồng tương lai (HĐTL) (futures), Quyền chọn mua hoặc bán (options) và Hợp đồng hoán đổi (swaps). Ngày nay, khi thị trường chứng khoán (TTCK) càng phát triển thì việc nắm trong tay những công cụ tài chính phái sinh là một biện pháp khôn ngoan để đối phó với rủi ro.

Tuy nhiên, đây cũng là một công cụ có tính “hai mặt” và có thể gây hậu quả nghiêm trọng nếu người sử dụng không có hiểu biết đầy đủ về nó, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và các đơn vị có lợi ích công chúng là các công ty niêm yết. CKPS có cơ chế vận hành và giao dịch phức tạp nên việc ghi nhận, xác định, trình bày và thuyết minh về CKPS luôn phải tôn trọng nguyên tắc giá thị trường.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, việc tiếp cận và áp dụng các thông lệ quốc tế để phát triển nền kinh tế thị trường là cần thiết. Do các quy định kế toán CKPS là một loại công cụ tài chính rất phức tạp, nên việc nghiên cứu để ban hành các chuẩn mực kế toán (CMKT) về công cụ tài chính làm cơ sở hướng dẫn kế toán CKPS để đáp ứng nhu cầu sử dụng CKPS như một đòn bẩy kinh tế hoặc một công cụ quản trị và ngăn ngừa rủi ro phổ biến của nhà đầu tư là rất cần thiết.

Hiện nay, có 3 CMKT quốc tế quy định về công cụ tài chính, đó là CMKT quốc tế (IAS) số 39 – Công cụ tài chính: Ghi nhận và xác định giá trị; IAS số 32 – Công cụ tài chính: Chuẩn mực quốc tế về lập và trình bày báo cáo tài chính (BCTC); (IFRS) số 7 – Công cụ tài chính: Thuyết minh thông tin. Các CMKT quốc tế về công cụ tài chính thường xuyên được bổ sung, sửa đổi trong các năm qua.

Ở Việt Nam, nhiều công cụ tài chính còn khá xa lạ đối với công chúng đầu tư. Trong khi đó, trên thực tế đã phát sinh nhu cầu giao dịch kinh tế liên quan đến các công cụ tài chính mới đó, tuy nhiên vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính, CMKT, chế độ kế toán để làm cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện.

Năm 2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 210/2009/TT-BTC (Thông tư 210) ngày 06/11/2009  về việc hướng dẫn áp dụng CMKT quốc tế về trình bày BCTC và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính, trong đó có công cụ tài chính phái sinh.

Thông tư số 210 áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có các giao dịch liên quan đến công cụ tài chính với 03 nội dung chủ yếu như sau: (i) Quy định các thuật ngữ liên quan đến công cụ tài chính; (ii) Hướng dẫn các nguyên tắc trong việc trình bày các công cụ tài chính trên báo cáo tài chính (BCTC); (iii) Hướng dẫn thuyết minh về công cụ tài chính để giúp cho người sử dụng BCTC đánh giá sự ảnh hưởng của công cụ tài chính đến tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp; Đánh giá bản chất, phạm vi của các rủi ro phát sinh từ công cụ tài chính và cách thức quản trị rủi ro của doanh nghiệp. Theo đó, công cụ tài chính được phân nhóm phù hợp với bản chất của các thông tin được trình bày và theo đặc điểm của các công cụ tài chính.

Tuy nhiên, Thông tư 210 mới chỉ quy định về trình bày và thuyết minh BCTC về công cụ tài chính mà chưa quy định cụ thể 02 vấn đề quan trọng, đó là ghi nhận và xác định công cụ tài chính theo giá trị hợp lý cho phù hợp với từng loại công cụ tài chính theo IAS số 39 nên việc thực hiện còn hạn chế. Trên thực tế, việc trình bày và thuyết minh BCTC về công cụ tài chính phái sinh tùy theo cách hiểu của từng doanh nghiệp do CMKT chưa có căn cứ để xem xét, đánh giá, đặc biệt là các vấn đề về xác định công cụ tài chính.

Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hoàn thiện Dự thảo Nghị định về CKPS và thị trường CKPS và dự kiến trình Chính phủ vào đầu năm 2014. Trong Dự thảo có đề cập đến 02 loại CKPS là HĐTL và hợp đồng quyền chọn. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập đến kế toán CKPS thông qua các nội dung cần hướng dẫn kế toán công cụ tài chính trên cơ sở CMKT quốc tế hiện hành về công cụ tài chính.

Thứ nhất, về định hướng nghiên cứu, ban hành các CMKT về công cụ tài chính

Các CMKT quốc tế (IAS và IFRS) quy định rất chặt chẽ các nội dung liên quan đến việc xác định, ghi nhận, trình bày và thuyết minh về công cụ tài chính. Các nội dung này có mối liên hệ ràng buộc nhau trong tất cả các CMKT.

Do vậy, khó có thể xác định được nội dung nào không áp dụng hoặc áp dụng có giới hạn, trong khi theo lộ trình phù hợp, Việt Nam nên thừa nhận và áp dụng toàn bộ các CMKT về công cụ tài chính, đặc biệt là về giao dịch CKPS cho mục đích phòng ngừa rủi ro và mục đích thương mại (theo phiên bản mới nhất của CMKT quốc tế).

Để phù hợp với các cam kết quốc tế, CMKT của Việt Nam đòi hỏi phải tiếp cận sát thông lệ quốc tế để tạo ra sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp, đồng thời cung cấp thông tin trung thực, minh bạch cho người sử dụng BCTC.

Thứ hai, các nội dung chủ yếu cần quy định trong CMKT về công cụ tài chính bao gồm

+ Mục đích của CMKT về công cụ tài chính là quy định và hướng dẫn nguyên tắc ghi nhận, xác định, trình bày và thuyết minh BCTC về công cụ tài chính.

+ Quy định các thuật ngữ và cho ví dụ minh họa các thuật ngữ để có cách hiểu thống nhất khi triển khai thực hiện CMKT về công cụ tài chính. Một số thuật ngữ đã quy định tại Thông tư 210 nhưng cần chỉnh sửa cho phù hợp với các IAS số 39, 32 và IFRS số 07 hiện hành như các thuật ngữ có liên quan đến việc sử dụng công cụ tài chính phái sinh cho mục đích phòng ngừa rủi ro.

Các loại công cụ tài chính được điều chỉnh bởi CMKT về công cụ tài chính bao gồm 02 loại công cụ tài chính cơ bản (như tiền phải thu và cho vay, cổ phiếu của đơn vị khác…) và công cụ tài chính phái sinh (gồm các loại HĐTL, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi, chứng quyền).

Thứ ba, quy định các nguyên tắc kế toán công cụ tài chính phái sinh

Khi kế toán công cụ tài chính phái sinh, doanh nghiệp phải căn cứ vào mục đích sử dụng công cụ tài chính phái sinh để áp dụng phương pháp kế toán cho phù hợp. Cụ thể:

Trường hợp doanh nghiệp sử dụng công cụ tài chính phái sinh với mục đích thương mại, thì công cụ tài chính phái sinh được phân loại vào nhóm “Tài sản tài chính hoặc nợ phải trả tài chính được ghi nhận theo giá trị hợp lý”. Doanh nghiệp phải ghi nhận ngay các khoản lãi, lỗ phát sinh từ việc thay đổi giá trị hợp lý của tài sản hoặc nợ phải trả phái sinh vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (KQKD).

Trường hợp doanh nghiệp sử dụng công cụ tài chính phái sinh với mục đích phòng ngừa rủi ro thì thực hiện theo quy định về kế toán phòng ngừa rủi ro.

Khi kế toán công cụ tài chính phái sinh, doanh nghiệp phải xác định và ghi nhận riêng rẽ các khoản phải thu, phải trả liên quan đến công cụ tài chính phái sinh và các khoản thanh toán liên quan đến hợp đồng gốc. Các khoản phải thu, phải trả phát sinh từ việc thanh toán hợp đồng gốc không được tính vào giá trị hợp lý của tài sản hoặc nợ phải trả phái sinh.

Việc phân loại công cụ tài chính phái sinh sử dụng cho mục đích kinh doanh hoặc mục đích phòng ngừa rủi ro được thực hiện tại thời điểm hợp đồng có hiệu lực và doanh nghiệp không được phân loại lại công cụ tài chính phái sinh trong suốt thời gian công cụ tài chính phái sinh có hiệu lực, trừ khi phải dừng áp dụng kế toán phòng ngừa rủi ro theo quy định.

Ví dụ về sử dụng công cụ tài chính phái sinh cho mục đích phòng ngừa rủi ro: Một doanh nghiệp của Anh quốc cần huy động vốn trị giá 100 triệu bảng Anh trong vòng 5 năm cho các hoạt động của mình. Doanh nghiệp phát hành một kỳ phiếu lãi suất thả nổi kỳ hạn 5 năm không được mua lại trước hạn trị giá 100 triệu Bảng Anh. Theo quy định của chính sách quản lý rủi ro của doanh nghiệp, ngay sau khi phát hành các trái phiếu, doanh nghiệp ký một hợp đồng hoán đổi lãi suất (IRS - Interest Rate Swap) thời hạn 5 năm với giá trị danh nghĩa là 100 triệu Bảng Anh. IRS trả lãi suất cố định là 6% và nhận lãi suất thả nổi dựa trên LIBOR (Lãi suất liên ngân hàng London). Trong tình huống này, doanh nghiệp đã sử dụng IRS như một nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro lãi suất cho dòng tiền phát sinh từ các khoản thanh toán tiền lãi trong tương lai của khoản vay khi lãi suất LIBOR thay đổi. Hiệu quả của nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro này có thể kiểm chứng được trên cơ sở bù trừ các dòng tiền liên quan đến IRS và các dòng tiền phát sinh từ chi phí tiền lãi của trái phiếu.

Nguyên tắc kế toán HĐTL

a) Tại thời điểm hợp đồng có hiệu lực: Khi tham gia vào HĐTL, số tiền ký quỹ ban đầu phải nộp tại tài khoản ký quỹ được ghi nhận là tài sản phái sinh. Phí môi giới phải trả (nếu có) được ghi nhận toàn bộ vào chi phí trong kỳ phát sinh.

Khi có sự biến động về giá cả hàng hóa, chứng khoán, lãi suất, tỷ giá hối đoái trên thị trường, khoản biến động về tiền ký quỹ ghi nhận theo nguyên tắc: (i) Nếu sử dụng HĐTL cho mục đích kinh doanh, khoản biến động về tiền ký quỹ được ghi ngay vào lãi (nếu tăng) hoặc lỗ (nếu giảm) (báo cáo KQKD); (ii) Nếu sử dụng HĐTL cho mục đích phòng ngừa rủi ro, khoản biến động về tiền ký quỹ được hạch toán là khoản chênh lệch đánh giá lại HĐTL trong phần vốn chủ sở hữu (bảng cân đối kế toán). Khi thanh lý HĐTL hoặc khi giao dịch dự kiến xảy ra, khoản biến động về tiền ký quỹ thuần đang phản ánh trong phần vốn chủ sở hữu được kết chuyển vào lãi hoặc lỗ (báo cáo KQKD).

b) Khi số dư tài khoản ký quỹ thấp hơn mức ký quỹ tối thiểu theo quy định, doanh nghiệp phải nộp tiền vào tài khoản ký quỹ để duy trì số dư tài khoản ký quỹ không thấp hơn mức ký quỹ tối thiểu. Khi thanh lý HĐTL, doanh nghiệp thu hồi lại số dư tiền ký quỹ và ghi giảm tài khoản ký quỹ.

Nguyên tắc kế toán hợp đồng quyền chọn

a) Bên mua quyền chọn được áp dụng kế toán phòng ngừa rủi ro hoặc kế toán quyền chọn sử dụng cho mục đích kinh doanh tùy thuộc vào mục đích nắm giữ hợp đồng quyền chọn. Bên bán quyền chọn không được áp dụng kế toán phòng ngừa rủi ro mà chỉ được kế toán quyền chọn sử dụng cho mục đích kinh doanh.

b) Trường hợp bên mua quyền chọn nắm giữ cho mục đích phòng ngừa rủi ro:

+ Tại thời điểm hợp đồng có hiệu lực, bên mua quyền chọn ghi nhận khoản phí quyền chọn đã trả cho bên bán, ghi tăng tài sản quyền chọn.

+ Định kỳ khi lập BCTC, doanh nghiệp phải đánh giá lại giá trị hợp lý của quyền chọn và xác định riêng giá trị thời gian và giá trị nội tại của quyền chọn, cụ thể: (i) Khoản giảm về giá trị thời gian hợp đồng quyền chọn được ghi nhận vào kết quả kinh doanh (lỗ) (báo cáo KQKD) (đối với quyền chọn chứng khoán); (ii) Đối với thay đổi trong giá trị nội tại hợp đồng quyền chọn, số chênh lệch giữa giá trị nội tại của hợp đồng quyền chọn tại thời điểm lập BCTC và tại thời điểm đầu kỳ được ghi nhận vào vốn chủ sở hữu.

+ Khi thực hiện quyền chọn, kế toán phải áp dụng phương pháp kế toán phù hợp với hình thức thanh toán quyền chọn và loại quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán:

- Trường hợp thanh toán trên cơ sở thuần, kế toán ghi nhận số tiền thu được từ việc thực hiện quyền chọn và ghi giảm tài sản quyền chọn. Khi giao dịch dự kiến xảy ra, kế toán kết chuyển khoản chênh lệch đánh giá lại hợp đồng quyền chọn tương ứng với đối tượng được phòng ngừa rủi ro vào kết quả kinh doanh (báo cáo KQKD).

- Trường hợp có sự chuyển giao tài sản cơ sở là hiện vật: (i) Đối với quyền chọn bán chứng khoán, số tiền thu được từ việc bán chứng khoán ghi theo giá thực hiện quyền chọn đồng thời kết chuyển khoản chênh lệch đánh giá lại  hợp đồng quyền chọn vào kết quả kinh doanh (lãi) (báo cáo KQKD); (ii) Đối với quyền chọn mua chứng khoán, số tiền phải trả từ việc mua chứng khoán ghi theo giá thực hiện quyền chọn, ghi nhận giá gốc chứng khoán mua theo giá thị trường tại thời điểm thực hiện quyền chọn, đồng thời kết chuyển khoản chênh lệch đánh giá lại hợp đồng quyền chọn vào kết quả kinh doanh (lãi) (báo cáo KQKD).

- Khi hợp đồng quyền chọn đáo hạn, nếu không thực hiện quyền chọn, kế toán ghi giảm tài sản quyền chọn tương ứng với số tiền thu về (nếu có).

Kế toán công cụ tài chính phái sinh cho mục đích phòng ngừa rủi ro

Kế toán công cụ tài chính phái sinh cho mục đích phòng ngừa rủi ro là việc ghi nhận tác động bù trừ vào kết quả kinh doanh (lãi hoặc lỗ trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh) phần tăng hoặc giảm giá trị hợp lý của đối tượng được phòng ngừa rủi ro và công cụ phòng ngừa rủi ro.

Điều kiện của công cụ phòng ngừa rủi ro

Các công cụ phòng ngừa rủi ro phải được ký kết với một tổ chức độc lập bên ngoài. Doanh nghiệp và tổ chức độc lập đó chịu trách nhiệm bù đắp tổn thất theo hợp đồng khi rủi ro phát sinh đối với đối tượng đã được phòng ngừa rủi ro.

Điều kiện của đối tượng được phòng ngừa rủi ro

Đối tượng được phòng ngừa rủi ro có thể là cam kết chắc chắn chưa được ghi nhận trong BCTC, giao dịch có nhiều khả năng xảy ra hoặc khoản đầu tư thuần trong hoạt động nước ngoài. Đối tượng được phòng ngừa rủi ro phải thỏa mãn các điều kiện sau:

- Tổn thất có thể phát sinh từ các cam kết chắc chắn hoặc các giao dịch có nhiều khả năng xảy ra liên quan đến một hoặc nhiều đối tác độc lập bên ngoài thì doanh nghiệp mới xác định đó là đối tượng được phòng ngừa rủi ro.

- Khoản đầu tư giữ đến khi đáo hạn là đối tượng được phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái và rủi ro tín dụng, không được coi là đối tượng phòng ngừa rủi ro lãi suất hoặc rủi ro thanh toán trước.

Lựa chọn giao dịch phái sinh cho mục đích phòng ngừa rủi ro

Doanh nghiệp phải căn cứ vào hợp đồng gốc để xác định tính chất của rủi ro và đối tượng được phòng ngừa rủi ro để lựa chọn giao dịch phái sinh một cách phù hợp.

Ví dụ, nếu hợp đồng gốc là hợp đồng mua, bán chứng khoán, thì rủi ro là giá thị trường của chứng khoán, đối tượng được phòng ngừa rủi ro là khoản thanh toán tiền mua, bán chứng khoán trong tương lai. Doanh nghiệp có thể sử dụng giao dịch phái sinh chứng khoán để phòng ngừa rủi ro cho khoản thanh toán khi mua, bán chứng khoán trong tương lai.

Doanh nghiệp áp dụng kế toán công cụ tài chính phái sinh cho mục đích phòng ngừa rủi ro khi thỏa mãn tất cả các điều kiện sau

Thứ nhất, tại thời điểm bắt đầu thực hiện phòng ngừa rủi ro, việc thực hiện giao dịch với mục đích phòng ngừa rủi ro đã được xác định và doanh nghiệp có những văn bản chính thức về mối quan hệ phòng ngừa rủi ro, mục tiêu quản lý rủi ro và chiến lược thực hiện phòng ngừa rủi ro. Văn bản này phải bao gồm việc xác định công cụ phòng ngừa rủi ro, cụ thể đối tượng hoặc giao dịch được phòng ngừa rủi ro, bản chất của rủi ro được phòng ngừa và cách thức xác định hiệu quả của công cụ phòng ngừa rủi ro trong việc triệt tiêu các rủi ro đối với dòng tiền của đối tượng được phòng ngừa liên quan đến các rủi ro được phòng ngừa.

Thứ hai, giao dịch phòng ngừa rủi ro phải có hiệu quả cao (từ 80% đến 125%) trong việc triệt tiêu các thay đổi đối với dòng tiền bắt nguồn từ rủi ro được phòng ngừa tại thời điểm mà công cụ phòng ngừa rủi ro đó bắt đầu được sử dụng, đồng thời nhất quán với chiến lược quản lý rủi ro đã được xác định ban đầu bằng văn bản cho giao dịch phòng ngừa rủi ro đó.

Thứ ba, đối với phòng ngừa rủi ro dòng tiền, giao dịch dự kiến xảy ra trong tương lai là đối tượng phòng ngừa rủi ro phải có khả năng chắc chắn xảy ra và phải cho thấy nó chịu rủi ro thay đổi dòng tiền mà rủi ro này cuối cùng có thể ảnh hưởng đến lãi hoặc lỗ.

Thứ tư, hiệu quả của công cụ phòng ngừa rủi ro phải được xác định một cách đáng tin cậy ngay tại thời điểm khởi đầu hợp đồng phái sinh, giá trị hợp lý hoặc dòng tiền của đối tượng được phòng ngừa rủi ro liên quan đến rủi ro được phòng ngừa và giá trị hợp lý của công cụ phòng ngừa rủi ro phải được xác định một cách đáng tin cậy.

Ví dụ để phân biệt về kế toán HĐTL lãi suất sử dụng cho mục đích kinh doanh và mục đích phòng ngừa rủi ro

Hợp đồng: HĐTL trái phiếu trên thị trường LIFFE (London International Financial Futures and Option Exchange)

Giá trị hợp đồng: Trái phiếu mệnh giá 100.000 Euro với kỳ hạn 10 năm

Giá niêm yết: Theo phần trăm mệnh giá

Bước nhảy giá tối thiểu:  0,01%

Giá trị bước nhảy giá:        0,01/100 x 100.000 = 10 Euro

Khoản ký quỹ ban đầu: 2.500 Euro/ hợp đồng

Một nhà đầu tư mua 20 HĐTL trái phiếu với giá 92,31 Euro.

Giá đóng cửa trong ngày đầu tiên là 92,25 Euro.

Giá đóng cửa ngày thứ hai là 91,38 Euro.

Vào ngày thứ ba, nhà đầu tư cắt lỗ và đóng trạng thái tại giá 90,67 Euro.

Ngày

Trạng thái

Khoản ký quỹ ban đầu

Khoản ký quỹ đóng thêm

Dòng tiền thuần

 

 

Euro

Euro

Euro

1

Khoản ký quỹ ban đầu

20 hợp đồng mệnh giá 2.500 Euro/ hợp đồng với giá 92,31 Euro

[20 x 2.500 Euro]

 

50.000

-

 

50.000

1

Lãi lỗ cuối ngày

20 hợp đồng giá 92,25 Euro

[20 x (92,31 – 92,25)/100 x 100.000 Euro]

 

 

1.200

 

1.200

2

Lãi lỗ cuối ngày

20 hợp đồng giá 91,38 Euro

[20 x (92,25 – 91,38)/100 x 100.000 Euro]

 

 

17.400

 

17.400

3

Lãi lỗ cuối ngày

20 hợp đồng giá 90,67 Euro

[20 x (91,38 – 90,67) x 100.000 Euro]

 

 

14.200

 

14.200

3

Khoản ký quỹ ban đầu

Trả lại

 

 50.000

 

 

 50.000

 

Tổng cộng

-

 32.800

 32.800

Bút toán ghi sổ:

1. Tại thời điểm khởi đầu HĐTL, căn cứ mức ký quỹ quy định bởi sàn giao dịch, doanh nghiệp phải nộp tiền ký quỹ vào tài khoản mở tại sàn giao dịch, ghi:

Nợ TK    Ký quỹ ngắn hạn (Chi tiết ký quỹ HĐTL) 50.000

Có TK     Tiền 50.000

2. Trong thời gian hợp đồng có hiệu lực, căn cứ thông báo của sàn giao dịch về khoản biến động của tiền ký quỹ, kế toán ghi nhận khoản biến động về tiền ký quỹ như sau:

+ Trường hợp doanh nghiệp sử dụng HĐTL với mục đích kinh doanh, lỗ từ hợp đồng này sẽ được ghi nhận ngay vào kết quả kinh doanh (lỗ) khi phát sinh.

- Cuối ngày 1: Ghi nhận khoản lỗ từ HĐTL:

Nợ TK    Lỗ từ công cụ tài chính phái sinh (báo cáo KQKD) 1.200

Có TK     Ký quỹ ngắn hạn (Chi tiết ký quỹ HĐTL) 1.200

- Cuối ngày 2: Ghi nhận khoản lỗ từ HĐTL:

Nợ TK    Lỗ từ công cụ tài chính phái sinh (báo cáo  KQKD)  17.400 

Có TK     Ký quỹ ngắn hạn 17.400

- Cuối ngày 3: Ghi nhận khoản lỗ từ HĐTL:

Nợ TK    Lỗ từ công cụ tài chính phái sinh (báo cáo KQKD)  14.200

Có TK     Ký quỹ ngắn hạn 14.200

+ Trường hợp doanh nghiệp sử dụng HĐTL cho mục đích phòng ngừa rủi ro dòng tiền:

 - Cuối ngày 1: Ghi nhận khoản lỗ từ HĐTL:

Nợ TK    Chênh lệch đánh giá lại HĐTL (bảng cân đối kế toán)      1.200

Có TK     Ký quỹ ngắn hạn (Chi tiết ký quỹ HĐTL) 1.200

- Cuối ngày 2: Ghi nhận khoản lỗ từ HĐTL:

Nợ TK    Chênh lệch đánh giá lại HĐTL (bảng cân đối kế toán)     17.400

Có TK     Ký quỹ ngắn hạn 17.400

- Cuối ngày 3: Ghi nhận khoản lỗ từ HĐTL:

Nợ TK    Chênh lệch đánh giá lại HĐTL bảng cân đối kế toán) 14.200

Có TK     Ký quỹ ngắn hạn 14.200

3. Khi tất toán hợp đồng:

+ Trường hợp doanh nghiệp sử dụng HĐTL này với mục đích kinh doanh: Ghi giảm số dư tài khoản ký quỹ và thu hồi số tiền còn lại trên tài khoản, ghi: 

Nợ TK    Tiền 17.200

Có TK     Ký quỹ ngắn hạn 17.200

+ Trường hợp doanh nghiệp sử dụng HĐTL này cho mục đích phòng ngừa rủi ro dòng tiền: 

- Kết chuyển khoản chênh lệch đánh giá lại HĐTL vào kết quả kinh doanh (lỗ):

Nợ  TK   Lỗ từ công cụ tài chính phái sinh (bảng KQKD) 32.800              

Có TK     Chênh lệch đánh giá lại HĐTL  32.800

- Đóng tài khoản ký quỹ và thu hồi số tiền còn lại trên tài khoản, ghi:

Nợ TK    Tiền 17.200

Có TK     Ký quỹ ngắn hạn (Chi tiết ký quỹ HĐTL)  17.200

Với quan điểm thận trọng, Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 - 2020 đã đưa ra định hướng phát triển từng bước các CKPS từ đơn giản đến phức tạp. Việc tổ chức TTCK phái sinh phải gắn với tái cấu trúc thị trường và ban hành đồng bộ các khuôn khổ pháp lý về các quy chế, tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính, CMKT của thị trường vốn, trong đó có CKPS.

Do vậy, các hướng dẫn về CMKT liên quan đến công cụ tài chính, trong đó có CKPS cần được Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu để triển khai đồng bộ, có hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc tạo dựng và vận hành  TTCK phái sinh ở Việt Nam.

Theo Tạp chí Chứng khoán số 12- 2013