Xây dựng chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2013 - 2015

Theo Đại biểu Nhân dân

Trao đổi về giải pháp để đưa nền kinh tế thoát khỏi những khó khăn hiện nay, Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh Trần Du Lịch đề xuất xây dựng chương trình phục hồi kinh tế trong 3 năm giai đoạn 2013 - 2015 gắn với việc điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa linh hoạt, uyển chuyển. Đồng thời, công cuộc phục hồi nền kinh tế cũng gắn liền với việc thực hiện triệt để tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Ông có thể cho biết giải pháp để phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn hiện nay?

Xây dựng chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2013 - 2015 - Ảnh 1
Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH
TP. Hồ Chí Minh
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch: Có thể nói, nền kinh tế đất nước đang ở trong giai đoạn trì trệ rất nặng. Tăng trưởng kinh tế suy giảm, doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong cạnh tranh, tổng cầu giảm mạnh. Giai đoạn khủng hoảng này đã kéo dài tới 6 năm nay, bắt đầu từ năm 2008 và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Nền kinh tế đang đòi hỏi những giải pháp đặc biệt, mạnh mẽ. Theo tôi, cần mạnh dạn xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế trong 3 năm giai đoạn 2013 - 2015, gác lại những mục tiêu của kế hoạch 5 năm, bởi tình hình mới đặt ra buộc các chính sách kinh tế phải thích ứng. Trong kế hoạch phục hồi kinh tế đặc biệt này, Chính phủ cần điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách chính xác, linh hoạt.

Đối với chính sách tiền tệ, công cụ lãi suất hiện tại có rất ít tác dụng bởi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế là rất thấp. Mặt khác, tôi cho rằng, nguy cơ tái lạm phát cao sẽ không xảy ra trong giai đoạn 2013 - 2014. Bởi vậy, giai đoạn này cho phép Chính phủ sử dụng công cụ tiền tệ linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, vực dậy nền kinh tế. Trong những trường hợp đặc biệt, có thể áp dụng những biện pháp cần thiết lui nợ để đòi nợ, nuôi dưỡng và vực dậy doanh nghiệp. Ngoài ra, tỷ giá Việt Nam đồng đang được giữ ổn định, dự trữ ngoại hối tương đối lớn. Vì vậy, Chính phủ có thể dùng các biện pháp sử dụng dự trữ để tăng dòng vốn cho nền kinh tế bằng các công cụ thích hợp.

Trong chính sách tài khóa, mặc dù tình trạng nợ xấu là đáng lo ngại, nhưng tôi cho rằng, trong thời gian ngắn từ 1 đến 2 năm, Chính phủ có thể tăng bội chi ngân sách để kích thích đầu tư công. Chính khu vực đầu tư công hiện nay là có dư địa lớn nhất để kích thích nền kinh tế, tăng tổng cầu. Rồi khoản nợ xây dựng cơ bản hàng chục nghìn tỷ đồng, nếu được giải quyết cũng sẽ là một nhân tố thúc đẩy tăng dư nợ tín dụng trong năm nay. Cùng với đó, một loạt các biện pháp giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, chấp nhận giảm nguồn thu trong ngắn hạn để nuôi dưỡng và tăng trưởng nguồn thu trong dài hạn; rồi gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đồng thời, tiết giảm chi tiêu công, tôi đề nghị, trong vài năm tới, cần dừng lại việc xây dựng mới cơ quan, trụ sở, mua sắm xe công, nên tập trung bảo đảm tiền lương và trợ cấp xã hội, còn lại tiết giảm tối đa. Vấn đề bội chi cần tập trung giải quyết cho khu vực đầu tư và vấn đề nợ xây dựng cơ bản.

Ngoài ra, kế hoạch hồi phục nền kinh tế cũng cần tập trung làm thực sự, mạnh mẽ việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (hiện đang làm rất chậm), huy động nguồn tài sản rất lớn của Nhà nước đang phân tán ở các doanh nghiệp nhà nước để làm nguồn lực cho công cuộc phục hồi nền kinh tế. Tất nhiên, các giải pháp cần phải bàn sâu hơn. Tôi gọi đây là những giải pháp đặc thù áp dụng cho nền kinh tế trong 3 năm nhằm phục hồi nền kinh tế để đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Quyết định này rất khó khăn, nhưng không thể không làm, vì nếu không hành động, kinh tế đất nước sẽ lún sâu hơn nữa vào suy giảm, sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề khác còn lớn hơn.

Ông vừa đề cập đến thực trạng chậm chạp trong tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Chìa khóa để đẩy mạnh công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước theo đại biểu là gì?

Theo tôi, cần phải xử lý vấn đề nợ chồng chất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thật minh bạch. Chính phủ cần xem xét, bán bớt một số cổ phần, một số tài sản của các doanh nghiệp nhà nước trên thị trường, gom nguồn lực này lại. Kết hợp với việc rà soát, tổng hợp nguồn quỹ tái cơ cấu doanh nghiệp của từng doanh nghiệp để phân bổ và sử dụng có hiệu quả. Không nên để nguồn lực của Nhà nước tản mạn một mớ ở tập đoàn, một mớ ở các tổng công ty Nhà nước, một mớ ở Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC, rồi phân tán ở chỗ nọ chỗ kia. Cần tập hợp nguồn lực phân tán này lại để có nguồn lực thực hiện tái cấu trúc. Từ đó, Chính phủ tính toán để trả nợ cho một số doanh nghiệp; hoặc cho giải thể, phá sản một số doanh nghiệp, dùng tiền đầu tư vào một số doanh nghiệp khác có hiệu quả hơn.

Nguồn lực của các doanh nghiệp nhà nước cần đưa vào quản lý thống nhất và đầu tư có hiệu quả ở một số lĩnh vực. Cần phải xác định, tài sản của các doanh nghiệp tập đoàn, tổng công ty nhà nước là tài sản của Nhà nước, chứ không phải là tải sản riêng của các tập đoàn, tổng công ty đó. Trong một thời gian dài, các tập đoàn, tổng công ty hoạt động không hiệu quả, lợi nhuận trên vốn sở hữu thấp, thậm chí thua lỗ thì Nhà nước cần thu hồi lại để tập trung tái cơ cấu, đầu tư vào các lĩnh vực khác có hiệu quả hơn. Chính phủ, Quốc hội cần phải có trách nhiệm về vấn đề này.

Đối với các dự án, công trình mà doanh nghiệp nhà nước đang đầu tư dang dở, dây dưa thì cần phải giải quyết sớm. Theo tôi, cần mạnh dạn sử dụng mô hình đầu tư PPP (hợp tác công - tư), đối với các dự án doanh nghiệp nhà nước làm một phần rồi, phần còn lại để cho tư nhân đầu tư. Phần làm rồi sẽ là phần góp của Nhà nước, không nên để cho các doanh nghiệp nhà nước làm nữa. Ngoài ra, còn rất nhiều biện pháp, Chính phủ cần xem xét, mạnh dạn áp dụng.

Hiện tại, nguồn lực của Nhà nước ở chính các doanh nghiệp Nhà nước còn rất lớn, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng nguồn lực này để giải quyết những khó khăn và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước. Cách thức thực hiện tái cơ cấu như vừa rồi, từng tập đoàn, tổng công ty làm đề án tái cơ cấu nhưng vẫn giữ phần cho mình thì sẽ chẳng thể giải quyết vấn đề gì cả.

Ở trên ông có nhắc đến cần phải giải quyết sớm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản. Vậy giải pháp nào cho khoản nợ xây dựng cơ bản hàng chục nghìn tỷ đồng ở các địa phương hiện nay?

Đúng vậy, Quốc hội cần phải đặt lên bàn nghị sự để xem xét vấn đề này. Đa phần các địa phương hiện nay đều không có khả năng chi trả các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản. Tôi cho rằng, năm nay Quốc hội, Chính phủ có thể xem xét, tăng mức phát hành trái phiếu Chính phủ rồi sử dụng một phần nguồn lực này để xử lý phần nợ xây dựng cơ bản này. Nếu giải quyết được từ 50 -70% số nợ xây dựng cơ bản sẽ góp phần tạo ra "cú hích" để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tăng dư nợ tín dụng. Phải nhìn nhận rõ rằng, nợ xây dựng cơ bản là một trong những nguyên nhân gián tiếp gây ra nợ xấu của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vay nợ ngân hàng để đầu tư xây dựng các dự án, công trình cho Nhà nước, khi Nhà nước không trả được nợ thì các doanh nghiệp này lại phải nợ các tổ chức tín dụng khác, các khoản nợ không có khả năng chi trả này biến thành nợ xấu, đẩy các doanh nghiệp đến khó khăn.

NHNN vừa ký ban hành Thông tư hướng dẫn cho vay mua nhà đối với gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ. Theo ông, gói hỗ trợ này sẽ có tác dụng như thế nào?

Phải nói rằng, vấn đề "bong bóng" bất động sản với sự méo mó của thị trường tôi đã cảnh báo từ năm 2007, và nó đã diễn ra như vậy. Cái gốc ở đây là Nhà nước quản lý quá kém đối với thị trường này, ai cũng có thể làm bất động sản được. Hơn nữa, cái méo mó của thị trường bất động sản nước ta thời gian qua là cung cầu không gặp nhau. Loại nhà ở thị trường cần thì không có và có ít, trong khi loại nhà thị trường có ít nhu cầu thì lại đầy rẫy. Như vậy, để giải quyết khó khăn cho thị trường bất động sản, chính sách đột phá là tập trung tăng sản phẩm mà thị trường đang cần.

Cụ thể, theo Nghị quyết 02 của Chính phủ là loại nhà có giá dưới 1 tỷ đồng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và những căn nhà có giá 500 - 600 triệu đồng ở các tỉnh là phân khúc nhà mà thị trường có sức mua. Như vậy, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng của NHNN hướng đến hỗ trợ nhà ở cho những người có nhu cầu ở phân khúc này. Đồng thời, gói hỗ trợ cũng hướng cho nhà đầu tư thấy rằng, nhà ở phân khúc này có người mua thì các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu. Như vậy, rõ ràng không có "cứu" bất động sản, mà Nhà nước góp phần tạo thị trường cho các doanh nghiệp. Khi có thị trường, doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn và phát triển.

Theo gói hỗ trợ này, thì các ngân hàng thương mại sẽ cho người vay mua nhà với lãi suất 6%/năm ổn định trong vòng 10 năm để mua những căn nhà có giá dưới 1 tỷ ở hai thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các căn nhà có giá dưới 600 triệu đồng ở các tỉnh khác. Khi ngân hàng thương mại cho vay rồi thì NHNN sẽ tái cấp vốn lại cho các ngân hàng thương mại. Nếu gói hỗ trợ này được triển khai đúng, kết hợp với chính sách giảm thuế VAT áp dụng từ nay đến hết năm 2014, sẽ làm "ấm" phân khúc thị trường nhà ở này. Khi đó, trong một số năm, nó sẽ có tác dụng lan tỏa trong việc phá bỏ dần dần các mảng băng còn lại của thị trường bất động sản. Không nên kỳ vọng có một giải pháp nào trong thời gian ngắn có thể giải quyết được hết khó khăn của bất động sản. Theo tôi, đối với thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, giải pháp như vậy là hợp lý.

Xin cám ơn ông!