Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng

Theo Lan Chi/daibieunhandan.vn

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, hiện nay tỷ lệ bao phủ BHXH ở nước ta vẫn thấp, quỹ BHXH vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Các chuyên gia cho rằng, để mở rộng diện bao phủ BHXH rất cần chính thức hóa khu vực phi kết cấu, xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, kết hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người lao động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tỷ lệ bao phủ BHXH vẫn thấp
Được thực hiện chính thức ở nước ta từ năm 1961, đến nay chính sách BHXH đã từng bước được hoàn thiện và đạt được những kết quả nhất định, đối tượng tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH ngày càng gia tăng. Đến hết năm 2016, cả nước có trên 13 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Hàng năm, có khoảng 4 - 5 triệu người được hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn và khoảng 150 nghìn người hưởng các chế độ BHXH dài hạn. Đến nay, đã có gần 3 triệu người cao tuổi được hưởng lương hưu và BHXH hàng tháng. Nếu tính cả đối tượng hưởng trợ cấp xã hội dành cho người cao tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người có công thì có trên 50% người cao tuổi ở Việt Nam được hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng.

Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ BHXH vẫn thấp so với các nước, quỹ BHXH vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối dài hạn, nhất là trong bối cảnh già hóa dân số, chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm. Các chế độ BHXH chưa đa dạng và linh hoạt, hồ sơ, thủ tục thực hiện BHXH chưa thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động… Nhiều người già không có lương hưu, phải tự lo hoặc sống phụ thuộc vào con cái.

Bên cạnh đó, hiện quỹ BHXH tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Theo tính toán của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thì nếu không có những điều chỉnh về chính sách, quỹ hưu trí và tử tuất ở Việt Nam có thể mất cân đối vào năm 2034. Chưa kể, hệ thống các chế độ BHXH còn chưa đa dạng và linh hoạt nên thiếu hấp dẫn với người dân. Hồ sơ, thủ tục thực hiện BHXH còn chưa thuận tiện, đôi khi gây khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Tăng độ bao phủ

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong thiết kế và triển khai hệ thống BHXH, Chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội, Tổ chức ILO Nuno Cunha đã đề xuất xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, kết hợp giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người lao động. Tuy nhiên, cần quan tâm đến việc chuyển người lao động ở khu vực phi kết cấu vào chính thức, xây dựng chính sách BHXH cho cả một vòng đời, hướng tới phổ cập, nhất là trong gia đình, con cái tham gia BHXH thì bố mẹ tức thời được hưởng, để hình thành văn hóa đóng BHXH.

Đồng tình với quan điểm này, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Trường Giang cho rằng, hệ thống BHXH đa tầng có thể gồm tầng 1, lương hưu xã hội cho người cao tuổi không có nguồn thu nhập. Tầng 2 bảo hiểm hưu trí cơ bản, người lao động phải đóng theo tỷ lệ do Nhà nước quy định và khoản đó được hạch toán vào tài khoản cá nhân.

Người sử dụng lao động đóng theo một tỷ lệ quy định và được hạch toán vào quỹ bảo hiểm hưu trí cơ bản chung để chia sẻ. Tầng 3 là bảo hiểm hưu trí bổ sung do người lao động hoặc người sử dụng lao động tự nguyện đóng góp trên cơ sở thỏa thuận. Bên cạnh đó, ông Giang cũng đề xuất linh hoạt thời gian, mức đóng và điều kiện hưởng BHXH một lần, để người lao động chủ động tham gia.

Các chuyên gia cũng cho rằng, cần thiết phải tạo ra văn hóa đóng BHXH, các chính sách bảo hiểm hưu trí nên được tách ra giữa ngắn và dài hạn. Đồng thời, thiết kế chính sách hưu trí phải thích ứng với già hóa dân số của Việt Nam.

Ngoài ra, câu chuyện về mở rộng đối tượng tham gia BHXH luôn là điều trăn trở của những người làm bảo hiểm bởi thực tế, nhiều đối tượng không mặn mà, đặc biệt ở khu vực phi chính thức. Vì vậy, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho những đối tượng đặc biệt và tập trung phát triển BHXH tự nguyện.