Xây dựng niềm tin – Việc cần làm năm 2013

TS. Nguyễn Đức Kiên - ĐBQH tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XIII

(Tài chính) Sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch, các cơ quan điều hành kinh tế vĩ mô đã có ngay những động thái tích cực để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Xây dựng niềm tin – Việc cần làm năm 2013
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mục tiêu tổng quát được xác định cho năm 2013 là: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội”.

Ngày 7/1, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2013 và Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường giải quyết nợ xấu. Động thái này được các nhà kinh tế đánh giá là kịp thời và có tính đồng bộ.

Trong phạm vi bài viết này chỉ xin đề cập đến 2 nhóm vấn đề: Bối cảnh ra đời của hai Nghị quyết và một vài cân nhắc khi tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Có thể nói năm 2012 đã qua với nhiều kết quả cả tích cực lẫn hạn chế. Bên cạnh những thành tích được ghi nhận như: CPI giảm, tăng GDP đạt 5,03%, dự trữ ngoại hối tăng cao, các chính sách an sinh xã hội được ưu tiên đầu tư… thì nền kinh tế vẫn còn những vấn đề cấp bách mà năm 2013 phải xử lý. Có thể tập hợp trên các nhóm chủ yếu sau:

1. Tỷ lệ hàng tồn kho cao trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng. Tuy chỉ số hàng tồn kho giảm dần theo từng quý nhưng không chỉ do sức mua của thị trường được cải thiện mà còn do các doanh nghiệp chủ động giảm công suất sản xuất. Hàng tồn kho không phân biệt là doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác và cả ở doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa bàn lớn.

2. Nợ xấu của ngân hàng tăng nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực liên quan đến bất động sản, do đầu ra bị hạn chế nên các doanh nghiệp phải tập trung xử lý hàng tồn kho rồi mới đến sử dụng hết công suất đầu tư và cuối cùng mới là đầu tư mới. Chính vì vậy, tốc độ tăng tín dụng thấp của năm 2012 trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhờ chủ yếu vào đầu tư như nước ta là tín hiệu đáng lo ngại về sức khỏe doanh nghiệp.

3. Về hoạt động xuất nhập khẩu tuy vượt kế hoạch đề ra nhưng khi phân tích số liệu chi tiết thì yếu tố quyết định vượt kế hoạch lại đến từ nhóm hàng công nghiệp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn của nhóm doanh nghiệp trong nước thì kim ngạch xuất khẩu giảm so với năm trước.

Từ đó có thể thấy thách thức đặt ra cho năm 2013 của các doanh nghiệp Việt Nam lớn hơn so với năm trước.

4. Để khắc phục, ngay từ tháng 5/2012 Quốc hội đã thảo luận Đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng do Chính phủ trình, nhiều giải pháp đã được chủ động triển khai sớm ngay từ đầu năm. Yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được sự đồng thuận cao trong xã hội nhưng tốc độ chậm và đến nay hiệu quả và chi phí chưa được công khai và chưa được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.

Những nét lớn về kinh tế nêu trên đã có tác động nhiều đến đời sống xã hội. Để xử lý các vấn đề tồn đọng của năm 2012 chuyển sang, trong Nghị quyết 02/NQ-CP Chính phủ đã chọn một số giải pháp cho ngành lĩnh vực được xác định là khâu đột phá. Bước đầu các giải pháp đã tạo được niềm tin cho doanh nghiệp.

Ở đây chỉ xin phân tích 1 lĩnh vực nhỏ trong nhóm chính sách của Nghị quyết 02/NQ-CP về lĩnh vực bất động sản. Như chúng ta đã biết, khái niệm bất động sản rất rộng nhưng chúng ta không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nhà ở đô thị. Theo báo cáo của các địa phương và cơ quan chức năng thì dư nợ bất động sản hiện nay vào khoảng 210.000 tỷ đồng (lấy tròn số) với nợ xấu khoảng 6% (của Ngân hàng Nhà nước thông báo là 5,55%; của Bộ Xây dựng thống kê là 6,5%) thì nợ xấu bất động sản dao động quanh con số 13.000-14.000 tỷ đồng.

Người dân có quyền hỏi chỉ với bằng đó nợ xấu mà hệ thống Ngân hàng Thương mại cổ phần của chúng ta không tự xử lý được, việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro của hệ thống Ngân hàng Thương mại ra sao để giờ đây với tổng số nợ xấu như thế Chính phủ phải vào cuộc.

Vì vậy vấn đề thông tin minh bạch giữa doanh nghiệp với người dân – người tiêu dùng là rất quan trọng. Chỉ khi người tiêu dùng tin là họ sẽ mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý thì họ mới “mở hầu bao” ra. Và như vậy thị trường mới khởi sắc. Nếu không làm rõ được thì người tiêu dùng vẫn có xu hướng chờ đợi, chịu khổ thêm một thời gian nữa để giá về đáy sẽ mua.

Các chính sách đúng thôi chưa đủ để thực thi mà còn phải cần sự thấu hiểu và cùng thực hiện của người dân.

Nên chăng trong Quý I này chúng ta cần phải tập trung rà soát lại các dự án nhà ở chung cư cả về quy hoạch giá thành xây dựng hiện đang dở dang để thí điểm triển khai việc bán nhà cho người lao động có nhu cầu với các chính sách ưu đãi trong Nghị quyết 02.

Bản thân các nhà hoạch định chính sách cũng cần phải thay đổi tư duy về nhà ở xã hội, nhà ở của người lao động… không nên đánh giá đồng loại nhà ở này với nhà chất lượng thấp. Cần phải đưa ra được cho người dân biết tiêu chí phân loại nhà cho từng phân khúc thị trường, trong đó phải có cam kết về chất lượng.

Phân khúc thị trường nhà ở này thông thì sẽ có tác dụng lôi cuốn nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất khác phát triển.

Như vậy, vừa đảm bảo được an sinh xã hội (nhà ở cho người lao động) lại vừa thúc đẩy sản xuất góp phần ổn định kinh tế vĩ mô cho năm 2013, năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2011-2015.