Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tại Hội thảo về Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trọng tâm xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong năm 2015 và các năm tiếp theo là tiếp tục cụ thể hóa tinh thần tiến bộ của Hiến pháp năm 2013 về quyền sở hữu, kinh doanh và đầu tư; bảo đảm các điều chỉnh, cải cách của chính sách, văn bản luật được thực thi đầy đủ trong thực tế.

Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập
Thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh tái cấu trúc thể chế kinh tế và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Nguồn: internet

Nhìn lại chặng đường đã qua
 
Trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian qua, chúng ta đã đẩy mạnh tái cấu trúc thể chế kinh tế và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Trước hết, cải cách thế chế kinh tế được thể hiện ở việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hiến pháp năm 2013 và Luật Đất đai (sửa đổi) đã đưa ra các quy định bảo vệ tốt hơn các quyền của chủ sở hữu quyền sử dụng đất và giới hạn phạm vi thu hồi, trưng dụng đất bắt buộc của Nhà nước, cũng như cơ chế đền bù minh bạch hơn trong trường hợp thu hồi đất.
 
Tháng 6/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 43/NQ-CP về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó tăng cường bảo đảm quyền sở hữu minh bạch, hợp lý hóa quy trình hành chính và giảm thiểu rủi ro, giảm 40% chi phí tuân thủ liên quan đến các khoản đầu tư vào đất đai. Mặt khác, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), bao gồm các quy định tăng cường bảo vệ quyền của chủ sở hữu và các nhà đầu tư; số lượng ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh giảm từ 51 xuống 6 ngành nghề, lĩnh vực. Doanh nghiệp xã hội cũng được thừa nhận, từ đó bảo vệ tốt hơn quyền sở hữu của các chủ thể tham gia các hoạt động phi lợi nhuận.
 
Song song với việc đẩy mạnh bảo vệ quyền sở hữu, những thay đổi thể chế kinh tế thời gian qua tập trung cải thiện quy định, quy trình pháp luật và củng cố năng lực cạnh tranh. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đặt ra những mục tiêu cụ thể cho các bộ, ngành và cơ quan thực hiện nhằm đơn giản hóa, rút ngắn quy trình xử lý thủ tục hành chính. Pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp cũng đã được sửa đổi theo hướng tinh giản và giảm chi phí thành lập doanh nghiệp và chi phí tuân thủ chính sách.
 
Thể chế kinh tế còn được đổi mới theo hướng tăng cường năng lực quản trị khu vực công. Hiến pháp năm 2013 quy định "mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm” và "quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lí do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Những quy định này khẳng định những quyền cơ bản của con người được tự do kinh doanh, đây là yếu tố cốt lõi của nền kinh tế thị trường. Việc cải thiện quản trị khu vực công còn được thể hiện qua quá trình đẩy mạnh cải cách hành chính; cải cách và cải thiện quản trị doanh nghiệp nhà nước và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Đồng thời, pháp luật đấu thầu và đầu tư công đã và đang được sửa đổi, hứa hẹn giúp cải thiện tính minh bạch, quy định ràng buộc ngân sách chặt chẽ hơn, bảo đảm các nguồn lực công được dành cho các khoản đầu tư hiệu quả.
 
Cố vấn cao cấp Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Raymond Mallon đánh giá, trong khi những thay đổi về văn bản pháp luật và chính sách được triển khai khá nhanh, việc thay đổi các giá trị xã hội và niềm tin cần thiết để thực hiện hiệu quả các chính sách mới và thực thi hiệu quả luật lệ mới cần nhiều thời gian hơn. Trong nhiều trường hợp, thói quen cũ, chuẩn mực cũ, tư duy cũ của đội ngũ công quyền khiến cho quá trình tái cấu trúc chậm trễ hơn và không được thực thi đầy đủ. Quá trình đổi mới nên tạo lập được sự đồng thuận và ủng hộ cải cách rộng rãi trong Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
 
Gợi ý cho năm 2015
 
Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng, trong đó chỉ rõ những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Chính phủ cần thực hiện đến hết năm 2015 nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình tái cơ cấu. Tới đây, Chính phủ cũng sẽ có các chỉ đạo cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, cập nhật các ưu tiên, giải pháp và mục tiêu cụ thể cho năm 2015.
 
Để tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, trong thời gian tới cần duy trì các nỗ lực điều chỉnh pháp luật hiện hành theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013; sửa đổi Bộ luật Dân sự để bảo đảm các quy định liên quan đến quyền sở hữu tài sản, bao gồm cả quyền giao dịch tài sản phù hợp với Hiến pháp và tránh mâu thuẫn với các văn bản pháp luật mới được phê duyệt gần đây điều chỉnh quyền sở hữu - Cố vấn cao cấp Dự án nâng cao năng lực cạnh tranh Raymond Mallon gợi ý. Đặc biệt, cần tăng cường cải năng lực thể chế liên quan đến đất đai, bao gồm thiết lập hệ thống đăng ký và thông tin đất đai quốc gia; xây dựng các quy định thể chế yêu cầu đấu thầu công khai đối với đất công, không phân bổ theo kiểu hành chính; bảo đảm các quy định pháp được thực thi trong thực tế, quy trình lập kế hoạch và quy hoạch minh bạch. Đồng thời, bảo đảm năng lực thể chế để triển khai thực thi với chi phí ít nhất những cải cách và điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Trong đó, đặc biệt lưu tâm kiểm soát tình trạng ban hành và sử dụng các văn bản dưới Luật để áp đặt (hoặc tái áp đặt) các điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp.
 
Năm qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo ông Raymond Mallon, cần phải tiếp tục sửa đổi mạnh mẽ quy trình pháp luật hướng tới thực hiện thông lệ quốc tế tốt. Tăng cường năng lực thể chế giám sát và đánh giá sự nhất quán của môi trường pháp lý tổng thể và sự tuân thủ/thực thi pháp luật. Đẩy mạnh tách chức năng quản lý/điều tiết từ các cơ quan nhà nước với lợi ích thương mại và/hoặc khỏi các cơ quan được hưởng lợi riêng từ kết quả quản lý/điều tiết. Đẩy nhanh tiến độ thoái vốn và cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
  
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam cần phải giải quyết một số vấn đề mang tính nguyên tắc như sự giám sát quyền lực của người dân, trực tiếp và thông qua đại biểu, cơ quan dân cử, báo chí, hiệp hội; trách nhiệm giải trình, quyền chất vấn, bãi miễn các chức danh được bổ nhiệm; tình trạng "quan hệ", "lợi ích nhóm" không được kiểm soát làm méo mó động lực kinh tế, hướng khu vực doanh nghiệp tư nhân chạy theo "địa tô chênh lệch", khai thách chênh lệch giá đất, đầu cơ bất động sản, khai thác tài nguyên rừng, khoáng sản… Nếu những vấn đề này không được giải quyết, không thể có cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật, chênh lệch giàu nghèo tiếp tục mở rộng, ô nhiễm môi trường tăng lên… gây ra thiệt hại lớn cho nền kinh tế và kìm hãm quá trình phát triển bền vững của đất nước.
 
Ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, trong thời đại công nghệ và nền kinh tế tri thức ngày nay, thể chế nhà nước và thể chế kinh tế thị trường phải trọng dụng người tài, phải cởi mở với cái mới và ủng hộ sáng tạo. Đồng thời, phải có cơ chế phát hiện sớm những cơ chế lạc hậu, những quyết định sai lầm và có năng lực giải quyết các vấn đề và thực hiện sửa sai, vận dụng cái mới.