Xây dựng tiêu chí đánh giá tăng trưởng kinh tế xanh cho Việt Nam

TS. TRẦN QUANG PHÚ – Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh cần được thành lập dựa trên sự hiểu biết tốt về các yếu tố quyết định tăng trưởng xanh và nguyên lý “đánh đổi”. Việc điều tra, tính toán các chỉ số đánh giá tăng trưởng kinh tế xanh cần phải lựa chọn theo tiêu chí cũng như quy định, dựa trên các số liệu so sánh quốc tế nhằm đem lại những thông tin rõ ràng cho các nhà hoạch định chính sách.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thực tiễn xây dựng tiêu chí đánh giá tăng trưởng kinh tế xanh tại Việt Nam

Theo hướng dẫn của Hội đồng Phát triển bền vững Liên Hiệp quốc (viết tắt là UNCSD), bộ chỉ tiêu thử nghiệm đầu tiên của Việt Nam được Cục Môi trường tổ chức nghiên cứu và công bố năm 1998, gồm 80 chỉ tiêu về các lĩnh vực sau: lĩnh vực môi trường được quan tâm hơn (44 chỉ tiêu); lĩnh vực kinh tế (3 chỉ tiêu); lĩnh vực xã hội (17 chỉ tiêu); quản lý môi trường (16 chỉ tiêu).

Sau đó, thông qua các hoạt động khác nhau, bộ chỉ tiêu được nhiều cơ quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện. Gần đây, trong khuôn khổ Dự án VIE/01/021, triển khai tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề tài “Xác định bộ chỉ tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam” được tiến hành nhằm xác định một bộ chỉ tiêu phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Bộ chỉ tiêu mới được xây dựng trên cơ sở các bộ chỉ tiêu đã hình thành trước đó: Bộ chỉ tiêu của UNCDS, Bộ chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001- 2010, Bộ chỉ tiêu trong Chiến lược toàn diện tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, Bộ chỉ tiêu theo Agenda 21 của Việt Nam và Bộ chỉ tiêu mà Tổng cục Thống kế dự kiến đề xuất. Bộ chỉ tiêu mới bao gồm 55 chỉ tiêu trong 4 lĩnh vực: Kinh tế (14 chỉ tiêu), Xã hội (23 chỉ tiêu), Tài nguyên – Môi trường (13 chỉ tiêu), Thể chế (5 chỉ tiêu), trong đó có một số chỉ tiêu đặc thù riêng của Việt Nam như: chỉ tiêu về cơ cấu các ngành kinh tế quốc dân; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động...

Tổ chức hợp tác phát triển kinh tế (OECD) cũng có bộ tiêu chí đánh giá tăng trưởng xanh nhưng chỉ đóng vai trò định hướng cho các nước trong việc tự xây dựng bộ chỉ tiêu cho chính mình, bởi mỗi nước có trình độ phát triển kinh tế, điều kiện tự nhiên, môi trường, trình độ dân trí khác nhau. Bên cạnh đó, trong từng giai đoạn của nền kinh tế, mỗi chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng xanh có mức tác động khác nhau đối với chính sách trong ngắn hạn, dài hạn của Chính phủ.

Xây dựng tiêu chí đánh giá tăng trưởng kinh tế xanh cho Việt Nam  - Ảnh 1

Tại Việt Nam, bên cạnh việc bước đầu tiếp cận đến khái niệm đo lường tăng trưởng kinh tế xanh thông qua xây dựng khung đo lường GDP xanh, chỉ số sử dụng hiệu quả tài nguyên (hệ số sử dụng năng lượng/GDP, hoặc hệ số sử dụng nước/GDP) dựa trên Khung đo lường tăng trưởng kinh tế xanh của OECD và nhiệm vụ chiến lược của “Chiến lược tăng trưởng kinh tế xanh”:

- Đến năm 2020: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8 - 10% so với mức 2010, giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP 1 - 1,5% mỗi năm.

- Đến năm 2020: Giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP là 42 - 45%; Áp dụng công nghệ sạch hơn 50%, đầu tư phát triển các ngành hỗ trợ bảo vệ môi trường và làm giàu vốn tự nhiên phấn đấu đạt 3 - 4% GDP.

- Đến năm 2020: Tỷ lệ đô thị loại III có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt quy chuẩn quy định là 60%, với đô thị loại IV, loại V và các làng nghề là 40%, tỷ trọng dịch vụ vận tải công cộng ở đô thị lớn và vừa 35 - 45%, tỷ lệ đô thị lớn và vừa đạt tiêu chí đô thị xanh phấn đấu đạt 50%.

Một số chỉ tiêu cốt lõi có thể được sử dụng trong quá trình đánh giá, giám sát thực hiện tăng trưởng kinh tế xanh bao gồm: Tỷ lệ phát thải khí nhà kính trên GDP; Mức tiêu hao năng lượng trên GDP; Tỷ lệ nghiên cứu và phát triển “xanh” trên tổng mức chi tiêu nghiên cứu và phát triển của Chính phủ; Tỷ trọng GDP dành riêng cho chi tiêu nghiên cứu và phát triển; Doanh thu ngành công nghiệp môi trường; Số lượng các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành công nghiệp năng lượng mới và tái tạo; Tỷ lệ cây xanh đô thị bình quân trên đầu người; Tỷ trọng của vận tải hành khách công cộng; Tỷ trọng GDP dành riêng cho chi phí bảo vệ môi trường; Tỷ lệ các đô thị xử lý chất thải rắn, nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (%).

Hiện nay, trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, bên cạnh những chỉ tiêu đã hình thành sẵn như: GDP xanh, tỷ lệ các đô thị xử lý chất thải rắn, nước thải đạt tiêu chuẩn, ta có thể lấy số liệu từ các danh mục để xây dựng, tính toán các chỉ tiêu mới: chi cho hoạt động khoa học và công nghệ; chi đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp; chi cho hoạt động bảo vệ môi trường; lượng khí thải hiệu ứng nhà kính bình quân đầu người. Tuy nhiên, nguồn số liệu vẫn còn rời rạc, chưa được thống kê một cách có hệ thống để có thể đưa ra những đánh giá tổng quan cho tình hình tăng trưởng kinh tế xanh. Mặc dù, trong Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg ngày 02/6/2010 của Thủ Tướng, chính phủ Việt Nam dự định giới thiệu chỉ tiêu “GDP xanh” trong hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên toàn quốc từ năm 2014 nhưng cho đến nay đây vẫn còn là một chủ đề mới ở Việt Nam.

Năm 2003, khung phương pháp chung của hạch toán quốc gia xanh đã được Liên Hiệp quốc xuất bản trong ấn phẩm: “Hệ thống Hạch toán Kinh tế gắn kết với Môi trường – SEEA” như một định hướng giúp các nước gắn kết các tài khoản “xanh” vào các tài khoản kinh tế quốc gia hiện nay. Tuy nhiên, phần lớn các nước trên thế giới đều áp dụng SEEA theo từng phần, có nghĩa là chỉ tập trung vào xây dựng các tài khoản xanh được xem là quan trọng nhất đối với nền kinh tế của họ. Sự linh hoạt của việc áp dụng hạch toán xanh theo khuôn khổ SEEA ở nhiều nước cho thấy rằng Việt Nam có thể áp dụng tương tự và phần nào cho thấy một cam kết thực tế trong việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, cũng như cung cấp thông tin hữu ích cho các tổ chức quản lý nhà nước, đặc biệt là các tổ chức có liên quan trong lĩnh vực này như các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Tài chính.

Giải pháp tiếp cận chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng kinh tế xanh ở Việt Nam

Để xây dựng phương pháp tính toán các chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng kinh tế xanh, Việt Nam cần hạch toán được các tài khoản “xanh” gắn kết với các tài khoản kinh tế quốc gia. Việc lựa chọn các tài khoản xanh để phát triển cho Việt Nam dựa vào các tiêu chí sau:

Thứ nhất, tập trung vào các tài khoản “xanh” quan trọng đối với nền kinh tế. Đối với các tài khoản tài nguyên thiên nhiên, các tài khoản quan trọng đối với nền kinh tế như tài nguyên khoáng sản, nước, rừng, đất... có thể được lựa chọn. Tương tự như vậy, liên quan đến môi trường, các tài khoản liên quan đến một vài vấn đề môi trường nổi bật hiện nay như ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí (đặc biệt là khí thải CO2), chất thải rắn cũng có thể được lựa chọn. Ngoài ra, chi tiêu cho môi trường cũng nên tách ra khỏi chi tiêu khác của hệ thống tài khoản quốc gia để phân tích vai trò và trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp và hộ gia đình trong bảo vệ môi trường.

Thứ hai, bước đầu tập trung vào các tài khoản mà thông tin đầu vào hoặc là có sẵn hoặc là có thể thu thập được trong tương lai. Hệ thống thống kê hiện nay của Việt Nam có thể cung cấp thông tin đầu vào cơ bản cho một số tài khoản xanh như tài khoản tài nguyên khoáng sản, tài khoản chi tiêu công cho môi trường... mặc dù thông tin có thể còn phân bố rải rác và chưa thống nhất. Việc lựa chọn các tài khoản “xanh” để phát triển dựa trên nguyên tắc này sẽ giúp Việt Nam (đặc biệt là cơ quan thống kê) một mặt sử dụng được thông tin có sẵn và mặt khác tích cực xác lập nguồn thông tin đầu vào. Đó chính là nhân tố quan trọng nhất trong việc phát triển thành công các tài khoản “xanh” cho Việt Nam.

Thứ ba, cần xây dựng các tài khoản mà phương pháp luận tính toán đã rõ ràng và thống nhất. Theo sổ tay hướng dẫn SEEA của Liên Hiệp Quốc cũng như kinh nghiệm của nhiều nước, việc tiếp cận phát triển các tài khoản xanh và gắn kết các tài khoản này vào hệ thống SNA là rõ ràng nhưng cũng có một vài vấn đề với phương pháp tính toán và việc áp dụng trong thực tế. Trong một vài trường hợp, nó được dựa trên một số giả định trừu tượng. Đối với Việt Nam, các tài khoản mà đã có phương pháp tính toán rõ ràng nên được lựa chọn để tránh thảo luận không cần thiết sau đó.

Thứ tư, các tài khoản “xanh” được lựa chọn nên được xây dựng ở cả hai dạng hiện vật và giá trị. Thiệt hại tài nguyên và môi trường có thể chia ra thành thiệt hại ẩn và thiệt hại hiện.

- Thiệt hại ẩn: Là những thiệt hại làm tổn thất đến tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống mà ta không thể quan sát được, không thể tính thành tiền các thiệt hại một cách cụ thể.

- Thiệt hại hiện: Làm tổn hại đến môi trường mà ta có thể quan sát được và có thể tính thành tiền các thiệt hại.

Về tài khoản tài sản tài nguyên: Chúng ta sẽ lựa chọn tài khoản tài nguyên khoáng sản để xây dựng, tập trung vào năng lượng không tái tạo là dầu mỏ, than, và khí đốt. Đó là vì tài nguyên năng lượng không tái tạo đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Việt Nam, phục vụ cả nhu cầu sản xuất trong nước và nhu cầu xuất khẩu. Giá trị sản lượng của ba tài nguyên này chiếm đến 90% tổng sản lượng của công nghiệp mỏ năm 2009. Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu hàng triệu tấn dầu thô và than, chiếm khoảng 12-14% tổng giá trị xuất khẩu và vì thế đóng góp khoảng 14-18% tổng thu ngân sách nhà nước.

Về các tài khoản ô nhiễm: Thiết lập các tài khoản xanh về phát thải khí và sẽ tập trung vào CO2. Về thông tin đầu vào, Việt Nam vẫn chưa thống kê lượng nước thải và khí thải hàng năm từ các hoạt động sản xuất và của hộ gia đình. Tuy nhiên, thông tin này có thể thu thập được từ hệ thống thống kê hiện nay về các hoạt động kinh tế. Hơn nữa, Việt Nam đang thực hiện một chương trình về công bố dữ liệu phát thải khí nhà kính dựa trên kiểm kê từ nhiều nguồn thông tin khác nhau. Dự án này đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Thực tế, có những chất ô nhiễm khí khác ở Việt Nam, tuy nhiên, với mục đích minh hoạ phương pháp của nghiên cứu này, CO2 có thể được sử dụng như một ví dụ tốt cho việc tính toán. Ngoài ra, những chất ô nhiễm khí khác có thể được chuyển đổi tương đương sang CO2 và như vậy nghiên cứu đối với trường hợp của CO2 có thể áp dụng được đối với những ô nhiễm không khí khác.

Tài liệu tham khảo:

1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 1393/QĐ-TTg, phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh;

2. Vũ Xuân Nguyệt Hồng: “Hạch toán môi trường trong hệ thống tài khoản quốc gia” (2004); UNDP, “Khả năng và phạm vi hạch toán môi trường ở Việt Nam” (2006);

3. UN 2003, “System of Integrated Environmental and Economic Accounting – SEEA”;

4. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo quốc gia về môi trường năm 2010;

5. OECD (2011): Hướng tới Tăng trưởng xanh: Quá trình giám sát: Chỉ tiêu OECD.