Xóa thuế gần 100% hàng hóa EU vào Việt Nam: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp

Theo enternews.vn

Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu có hiệu lực, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 100% số dòng thuế và kim ngạch xuất khẩu cho hàng hóa của nhau.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN như gạo, mật ong, chè, điều, rau quả đều được Mỹ xóa bỏ thuế lập tức. Nguồn: internet.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của VN như gạo, mật ong, chè, điều, rau quả đều được Mỹ xóa bỏ thuế lập tức. Nguồn: internet.

Cam kết cao nhất trong số những FTA của Việt Nam

Theo cuốn Sổ tay cho doanh nghiệp Việt Nam về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (AVFTA) do Bộ Công Thương và Dự án hỗ trợ chính sách thương và đầu tư của châu Âu soạn thảo, trong hơn một thập kỷ qua, giá trị thương mại hai chiều tăng 10 lần từ khoảng 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 41,3 tỷ USD vào năm 2015.

Con số này đã giúp EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam sang EU. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt gần 31 tỷ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 10 tỷ USD.

EU cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam với 1.809 dự án từ 24 quốc gia thành viên còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 23,16 tỷ USD; chiếm 8,7% số dự án và 8% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

EVFTA kết thúc đàm phán song phương hồi tháng 12/2015 và đặt mục tiêu hoàn tất thủ tục phê chuẩn để năm 2018 có hiệu lực, Theo Bộ Công Thương, với lộ trình cắt giảm thuế quan nhanh và tương đối toàn diện, Hiệp định này sẽ tạo ra nhiều cơ hội thị trường mới cho hàng xuất khẩu của cả Việt Nam và EU.

Theo đó, khi cam kết có hiệu lực, 2 bên sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 100% số dòng thuế và kim ngạch xuất khẩu cho hàng hóa của nhau, với lộ trình tố đa là 7 năm từ phía EU và 10 năm từ phía Việt Nam.

Cụ thể, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Trong khi đó, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam.

EU xóa bỏ thuế quan sau 7 năm đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Việt Nam xóa bỏ 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan sau 10 năm đối với 98,3% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam.

Với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần.

Đây có thể được coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết từ trước tới nay. Việc cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ được coi là một trong những bước đột phá thành công của Hiệp định EVFTA, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU.

Nhờ đó thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh của hai bên sẽ được mở rộng như: dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô xe máy, một số loại nông sản của EU…

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp

Sau Singapore, Việt Nam là nước thứ 2 của khu vực ASEAN kết thúc đàm phán EVFTA với EU. Hiệp định này là cơ hội thuận lợi để hai bên tăng cường quy mô trong hợp tác thương mại. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, tác động cộng hưởng của Hiệp định này là rất lớn đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới của các doanh nghiệp Việt Nam giúp các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của các nước, của Việt Nam ngày càng tăng trưởng tại các thị trường mà hai bên có FTA.

Được biết, đây là Hiệp định đầu tiên mà EU đã đạt được với một nước đang phát triển. Do đó, Hiệp định cũng chứa sự cân bằng với một giai đoạn chuyển đổi để Việt Nam có thể thích nghi.

Bà Malstrom, Cao ủy Thương mại EU cho biết, Việt Nam là một trong những nền kinh tế đang phát triển. Khi Hiệp định này đi vào thực thi, nó sẽ mang lại những cơ hội mới quan trọng cho doanh nghiệp của cả hai phía thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ.

Có khoảng 31 triệu việc làm ở châu Âu phụ thuộc vào xuất khẩu, do đó việc có được sự tiếp cận thuận lợi hơn với một thị trường mới nổi và phát triển nhanh như Việt Nam, một nước có tới 90 triệu người tiêu dùng, là một tin tức hết sức tốt lành. Đồng thời, những nhà xuất khẩu Việt Nam cũng sẽ có được sự tiếp cận dễ dàng hơn đối với thị trường EU khi xuất khẩu các sản phẩm của mình, góp phần mang lại một sự thúc đẩy quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.

Ông Phil Hogan, Cao ủy Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của EU cho rằng, Việt Nam là một nước có nền kinh tế năng động; mối quan hệ kinh doanh của Việt Nam và EU vững bền khi cả hai bên cùng có lợi.

Cũng theo cuốn Sổ tay cho doanh nghiệp Việt Nam, Việt Nam – EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 100% số dòng thuế và kim ngạch xuất khẩu cho hàng hóa của nhau với lộ trình tối đa là 7 năm từ phía EU và 10 năm từ phía Việt Nam. Đáng lưu ý, có nhiều mặt hàng được hưởng thuế suất bằng 0 ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Trong đó, cơ hội xuất khẩu đối với nhóm hàng nông sản rất lớn bao gồm: thủy sản; gạo; đường; hạt tiêu; hạt điều; mật ong tự nhiên; toàn bộ các sản phẩm rau củ quả tươi và chế biến nước hoa quả tươi. Các mặt hàng này có kim ngạch xuất khẩu sang EU năm 2015 từ gần 300 triệu USD đến hơn 1,15 tỷ USD.

Bên cạnh đó, mặt hàng giày dép, gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng là những nhóm hàng dự kiến có tiềm năng xuất khẩu lớn sang EU sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Với Hiệp định này, ngoài xuất khẩu, Việt Nam có cơ hội nhập khẩu từ thị trường EU các mặt hàng máy móc thiết bị với mức thuế 0%. Cụ thể, 61% số dòng thuế có thuế suất cơ sở 0-5% về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; các sản phẩm còn lại thuế suất cơ sở 3-50% về 0% sau tối đa 10 năm….

Tuy nhiên, ngoài cơ hội mang lại, ông Diego Canga Fano, Vụ trưởng về Quan hệ đa phương và Chính sách chất lượng Tổng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn EU lưu ý, doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam cần xem xét tới nhiều yếu tố: tính pháp lý, môi trường…Nhưng ông khẳng định rằng, khả năng thành công của các doanh nghiệp có đầu tư vào Việt Nam là rất cao.