Cải cách chính sách thuế ở một số nước

Xu hướng cắt giảm thuế suất

Xu hướng chung hiện nay ở nhiều nước là cắt giảm thuế suất thuế TNDN. So với giai đoạn trước, mức thuế suất thuế TNDN ở các nước phát triển đã giảm khá nhiều. Từ năm 2000 đến nay, Australia đã giảm mức thuế suất thuế TNDN từ 34% xuống 30%. Ở Anh, thuế suất thuế TNDN được giảm từ 30% xuống 24% trong giai đoạn 2007-2012. Mức cắt giảm thuế suất thuế TNDN đặc biệt cao ở các nước thuộc Đông Âu như Ba Lan (giảm từ 30% xuống 19%) và Cộng hòa Séc (từ 31% xuống 19%).

Xu hướng cắt giảm thuế suất thuế TNDN theo lộ trình cũng thể hiện rõ rệt trong thời gian qua ở nhiều nước ASEAN và một số nước châu Á. Từ năm 2009 đến nay, thuế suất thuế TNDN ở Malaysia là 25%. Thái Lan cũng giảm thuế suất từ 30% xuống 23% năm 2012 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm 2013.

Trung Quốc năm 2008 cũng đã thực hiện điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN đối với các DN trong nước từ 33% xuống 25% và xóa bỏ toàn bộ các quy định phân biệt đối xử về nghĩa vụ thuế giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay, trong số các nước trong khu vực châu Á, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) có mức thuế suất thuộc vào nhóm thấp nhất là 17%.

Xu hướng cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp trên thế giới  - Ảnh 1

Xu hướng áp dụng chính sách ưu đãi thuế

Về cơ bản có hai quan điểm đối với chính sách ưu đãi thuế TNDN: (i) Các nước phát triển phương Tây thường ít áp dụng chính sách ưu đãi thuế vì cho rằng ưu đãi thuế gây méo mó chính sách và dễ dẫn đến lợi dụng; (ii) Các nước đang phát triển trong đó bao gồm hầu hết các nước châu Á và ASEAN sử dụng nhiều biện pháp ưu đãi thuế TNDN vì cho rằng chính sách ưu đãi thuế có tác dụng thu hút, khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội theo chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia.

Nhiều nước trên thế giới nhìn nhận doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có vai trò là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, vừa là nền tảng cho sự phát triển của các DN lớn, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nên có rất nhiều chính sách khuyến khích sự phát triển của các DNNVV, trong đó có chính sách ưu đãi thuế TNDN. Trên thực tế, chính sách thuế TNDN của nhiều nước có quy định các mức thuế suất thấp hơn đối với các DNNVV nhằm khuyến khích sự phát triển của đối tượng DN này.

Thái Lan có chính sách miễn giảm thuế TNDN có thời hạn đối với ngành công nghiệp kỹ thuật, chế biến nông sản và DNNVV ở nông thôn. Malaysia có chính sách ưu đãi thuế TNDN nhằm thu hút FDI vào lĩnh vực chế tạo, các ngành công nghiệp tiên phong, công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử. Singapore có chính sách ưu đãi thuế TNDN nhằm thu hút FDI vào các ngành công nghiệp hỗ trợ bao gồm cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, thương mại, vận tải biển.

Chính sách ưu đãi thuế thông qua miễn, giảm thuế có thời hạn cũng được nhiều nước áp dụng. Trung Quốc cho phép:

(i) miễn thuế trong 1 năm đầu có lãi và giảm 50% số thuế phải nộp trong 2 năm tiếp theo đối với các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, các liên doanh góp vốn cổ phần hoạt động tại các khu phát triển công nghệ mới và công nghệ cao, hoặc tại các đặc khu kinh tế có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên;

(ii) miễn thuế trong 2 năm đầu có lãi và 50% số thuế phải nộp cho 3 năm tiếp theo đối với các DN có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc tại các địa bàn có điệu kiện kinh tế khó khăn, hoặc các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa;

(iii) miễn thuế trong 5 năm đầu có lãi và giảm 50% số thuế phải nộp cho 5 năm tiếp theo đối với các DN có thời gian hoạt động từ 15 năm trở lên trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cảng, cầu tàu, giao thông vận tải, năng lượng, hoạt động trong các đặc khu kinh tế. Malaysia đã có những điều chỉnh chính sách ưu đãi thuế đối với DN nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực: dịch vụ tài chính, giáo dục, y tế, nghiên cứu và phát triển, công nghệ thông tin và truyền thông… Hàn Quốc cho phép các DN có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao được miễn 100% thuế TNDN trong thời gian 5 năm, kể từ năm đầu tiên kinh doanh có lãi và giảm 50% thuế TNDN cho 2 năm tiếp theo.

Xu hướng cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp trên thế giới  - Ảnh 2

Bên cạnh chính sách miễn, giảm thuế suất, một số quốc gia còn thực hiện chính sách giảm trực tiếp nghĩa vụ thuế (số thuế phải nộp). Điển hình là Hàn Quốc áp dụng chính sách giảm nghĩa vụ thuế theo đó:

i) DN đầu tư máy móc, trang thiết bị trước ngày 31/12/2012 để tăng sản lượng, đảm bảo an toàn thì được giảm trừ 3% (7% đối với các DNNVV) số thuế TNDN phải nộp; ii) DN đầu tư phát triển công nghệ và nguồn nhân lực phục vụ cho nghiên cứu và phát triển và đào tạo nghề được giảm trừ 10% số thuế phải nộp; DN đầu tư nhằm tiết kiệm năng lượng trước 31/12/2011 và đầu tư nhằm bảo vệ môi trường trước ngày 31/12/2013 được giảm trừ 10% số thuế phải nộp. Số thuế chưa được giảm trừ sẽ được chuyển sang 5 năm tiếp theo.

Ưu đãi thuế thông qua chính sách chuyển lỗ cũng được khá nhiều nước áp dụng, song phương thức và thời gian chuyển lỗ ở các nước cũng khá đa dạng. Hầu hết các nước chỉ cho phép DN được chuyển lỗ sang năm tiếp theo, song có nước khống chế, có nước không khống chế số năm được chuyển lỗ. Tuy nhiên, cũng có nước (Pháp, Hàn Quốc) cho phép chuyển lỗ trở về trước với những điều kiện cụ thể (về số tiền tối đa được chuyển lỗ, về thời hạn khai thuế và quyết toán thuế) bởi việc quản lý thuế khá phức tạp.

Từ giác độ lý luận và thực tiễn, việc áp dụng ưu đãi thuế đối với các dự án đang hoạt động là cần thiết nếu như hoạt động mở rộng quy mô đầu tư đó vẫn được thực hiện ở các ngành và lĩnh vực đang được Nhà nước khuyến khích đầu tư. Về điều kiện của các dự án đầu tư mở rộng, pháp luật về thuế TNDN của các nước cũng có đưa ra một số điều kiện nhất định, song quy định các nước cũng có sự khác biệt, có nước đưa ra các điều kiện định tính (Thái Lan), song có nước các điều kiện đưa ra cũng chỉ ở dưới dạng định tính (ví dụ như làm tăng sản lượng, quy mô sản xuất) như trường hợp của Singapore hay Philippines.

Đối với mục tiêu phát triển khoa học-công nghệ (KHCN), hầu hết các quốc gia đều có chính sách ưu đãi thuế đặc thù cho các DN có hoạt động KHCN. Một số hình thức ưu đãi cụ thể được áp dụng là:

(i) Thực hiện hỗ trợ các DN trong nghiên cứu phát triển thông qua cho phép khấu trừ bổ sung;

(ii) Hỗ trợ các DN cho nghiên cứu phát triển thông qua chính sách giảm nghĩa vụ thuế;

(iii) Hỗ trợ bằng tiền, miễn thuế đối với xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu, thiết bị nghiên cứu và nhân lực nghiên cứu.

Quy định các chi phí được trừ và không được trừ thuế

Chính sách thuế TNDN ở các nước đều cho phép trừ các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN có kèm theo các hoá đơn, chứng từ khống chế các khoản chi chăm sóc khách hàng và không cho phép trừ các khoản chi mang tính tiêu dùng cá nhân. Nhìn chung, quy định về các khoản chi được trừ khi tính thuế TNDN ở các nước ngày càng chặt chẽ, hạn chế tình trạng các DN lợi dụng để chuyển giá, trốn thuế.

Xu hướng cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp trên thế giới  - Ảnh 3

Về tỷ trọng thuế TNDN trong cơ cấu thu ngân sách ở các nước

Nghiên cứu cơ cấu thu ngân sách các nước cho thấy, thuế TNDN ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong hệ thống chính sách thuế của nhiều nước, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển. Tuy thuế suất được điều chỉnh giảm và áp dụng nhiều chính sách ưu đãi thuế song tỷ lệ động viên từ thuế theo GDP lại có xu hướng tăng ở một số nước.

Thu ngân sách từ thuế TNDN năm 2010 của Anh là 3,1% GDP, của Thụy Điển năm 2010 là 3,5% GDP. Trong khu vực châu Á, thu từ thuế TNDN ở Malaysia năm 2010 tương đương 4,7% GDP, ở Trung Quốc năm 2009 là 3,4% GDP và Thái Lan là 4,5% GDP.

Một số định hướng cải cách cho Việt Nam

Quá trình cải cách chính sách thuế TNDN ở Việt Nam

Luật Thuế TNDN đã được Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 10/5/1997 thay thế Luật Thuế lợi tức và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/1999. Từ khi ra đời, Luật Thuế TNDN đã được nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo chính sách ngày càng công khai, minh bạch, đồng bộ hơn, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

Thực tế cho thấy, số thu từ thuế TNDN đã có sự tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Từ năm 2009 đến năm 2012, mặc dù nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu và trong điều kiện thuế suất thuế TNDN giảm từ 28% xuống 25% nhưng số thu NSNN về thuế TNDN vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu NSNN. Trong giai đoạn 2009- 2012, thu từ thuế TNDN (không kể thu từ dầu thô) đạt mức bình quân hàng năm khoảng trên 20%.

Những vấn đề cải cách đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, do sự biến động nhanh của nền kinh tế nên một số quy định trong chính sách thuế chưa theo kịp sự vận động của thực tiễn trong nước cũng như xu hướng chung về cải cách chính sách thuế TNDN trên thế giới.

Vì vậy, để đảm bảo chính sách thuế TNDN ngày càng phù hợp hơn với thực tiễn cũng như thông lệ quốc tế, việc cải cách chính sách thuế TNDN ở Việt Nam trong thời gian tới cần tập trung vào các vấn đề lớn sau:

Từng bước hạ thuế suất theo lộ trình rõ ràng để đảm bảo giảm mức thu nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh:

Luật thuế TNDN hiện hành quy định thống nhất một mức thuế suất phổ thông 25%. Mức thuế suất này nhìn chung phù hợp với thực tế thời gian qua và là mức trung bình trong khu vực. Để tạo sự hấp dẫn, tăng tính cạnh tranh môi trường đầu tư trong thu hút đầu tư, phù hợp với xu thế cải cách thuế của các nước, Việt Nam cần giảm mức thuế suất phổ thông. Trước mắt, có thể giảm từ 25% xuống 23% để không gây tác động lớn tới cân đối cân NSNN đồng thời có thể công bố lộ trình giảm thuế suất từ nay đến năm 2020 về mức tương đương các nước trong khu vực ASEAN (khoảng 20%).

Việc giảm thuế suất, theo lý thuyết, sẽ dẫn đến giảm thu ngân sách. Tuy nhiên, mức giảm thu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh có ý nghĩa quan trọng. Theo tính toán, nếu tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và tỷ lệ lạm phát được duy trì theo các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015), Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020 và xu hướng động viên từ thuế TNDN tiếp tục diễn biến như giai đoạn vừa qua thì dự kiến sau năm 2016, động viên ngân sách từ thuế TNDN có thể quay trở lại mức như hiện nay.

Việc giảm thuế suất cũng cần theo lộ trình công bố trước, đảm bảo tính công khai, minh bạch của chính sách thuế, tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các nhà đầu tư bỏ vốn thực hiện đầu tư, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh qua đó góp phần tăng thu NSNN.

Hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế

Chính sách thuế TNDN hiện hành của Việt Nam chưa có quy định ưu đãi đối với DNNVV. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, chính sách thuế TNDN của nhiều nước có quy định các mức thuế suất thấp hơn đối với các DNNVV nhằm khuyến khích sự phát triển của đối tượng DN này.

Chẳng hạn: Trung Quốc quy định DNNVV áp dụng mức thuế suất 20% trong khi mức thuế suất phổ thông là 25%, Thái Lan quy định DNNVV áp dụng mức thuế suất 15% trong khi mức thuế suất phổ thông là 23%, Malaysia cũng quy định DNNVV áp dụng mức thuế suất 20% trong khi mức thuế suất phổ thông là 25%. Việc áp dụng chính sách thuế suất thấp hơn so với mức thuế suất phổ thông sẽ tạo điều kiện cho DNNVV tăng tích lũy để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển trở thành các DN lớn. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với DNNVV cần quy định rõ ràng, cụ thể tiêu chí, điều kiện để tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế, hạn chế các trường hợp lợi dụng, gian lận thuế.

Đối với đầu tư mở rộng, chính sách thuế TNDN hiện hành của Việt Nam không có quy định về ưu đãi thuế. Thực tế cho thấy, xét về mặt lợi ích kinh tế xã hội tổng thể thì ưu đãi đối với đầu tư mở rộng trong nhiều trường hợp còn hiệu quả hơn so với việc thành lập dự án mới (tiết kiệm được nhiều chi phí liên quan như tiếp cận thị trường, quản lý…).

Vì vậy, việc áp dụng chính sách ưu đãi thuế đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mở rộng mang lại là cần thiết. Tuy nhiên, cần quy định rõ ràng, cụ thể tiêu chí, điều kiện để tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuế, hạn chế các trường hợp lợi dụng, gian lận thuế.

Quy định chặt chẽ và phù hợp với thông lệ quốc tế về các khoản chi được trừ và không được trừ

Hiện nay, chính sách thuế của Việt Nam quy định không tính vào chi phí được trừ đối với “Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán; chi báo biếu, báo tặng của cơ quan báo chí liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh vượt quá 10% tổng số chi được trừ; đối với DN thành lập mới là phần chi vượt quá 15% trong ba năm đầu, kể từ khi được thành lập...”.

Thực tế, chính sách thuế TNDN ở nhiều nước không khống chế chi phí được trừ đối với chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị. Vì vậy, cần nghiên cứu để nới dần một số khoản chi phí cần thiết cho hoạt động của DN hiện còn bị hạn chế như tỷ lệ khống chế lãi suất đi vay; đồng thời, xem xét nới dần tỷ lệ khống chế đối với chi phí quảng cáo, khuyến mại.

Mặt khác, để đảm bảo phản ánh đúng chi phí lãi vay phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo an toàn tài chính cho DN và cho nền kinh tế, chống chuyển giá, cần áp dụng tỷ lệ khống chế về vốn vay trên vốn chủ sở hữu (vốn mỏng) ở mức phù hợp kèm theo lộ trình thực hiện để giảm thiểu tác động tiêu cực; đơn giản hoá chế độ khấu hao; hoàn thiện các quy định về chống chuyển giá.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước có quy định về vốn mỏng, theo đó lãi phải trả đối với phần vốn vay vượt quá tỷ lệ nhất định (tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu) không được coi là chi phí được trừ khi tính thuế TNDN. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khuyến nghị, áp dụng tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu là 3:1. Trên thực tế, đa số các nước như Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand, Đức, Úc, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha… quy định vốn vay của DN trên vốn chủ sở hữu vượt quá tỷ lệ 3:1 thì được coi là vốn mỏng; ở một số nước phát triển quy định tỷ lệ thấp hơn như Canada là 2:1, Pháp, Mỹ là 1,5:1, thậm chí tỷ lệ này ở Venezuela là 1:1 Theo đó, phần lãi vay phải trả vượt quá tỷ lệ được coi là vốn mỏng thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.

Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam có xuất phát điểm thấp, đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, DN đang thiếu vốn sản xuất kinh doanh thì cần quy định lộ trình thực hiện để tạo điều kiện cho DN có đủ thời gian cơ cấu lại nguồn vốn. Đồng thời, cần quy định cụ thể đối với DN thông thường và DN trong một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng để đảm bảo tính khả thi.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, việc cải cách, hoàn thiện chính sách thuế nói chung, chính sách thuế TNDN nói riêng có ý nghĩa quan trọng đối với việc cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, khuyến khích đầu tư, tạo đà và thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Tài liệu tham khảo:

1. www.mof.gov.vn;

2. www.gso.gov.vn;

3. Corporate Income Tax in China 2007;

4. Ngân hàng Thế giới (2012). “Cải cách thuế ở Việt Nam: Hướng tới một hệ thống công bằng và hiệu quả hơn”;

5. Ernst and Young (2012). “The 2012 Worldwide Corporate Tax Guide”;

6. Fiscalité Francaise 2011;

7. IMF (2011). “Revenue Mobilization in Developing Countries”; International Monetary Fund Working Paper.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 4 - 2013

Xu hướng cải cách thuế thu nhập doanh nghiệp trên thế giới

TS. Lê Quang Thuận - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

(Tài chính) Trong hệ thống chính sách thuế của các nước, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một sắc thuế quan trọng xét trên các tiêu chí như tỷ trọng trong thu ngân sách, mức độ ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư... Với bối cảnh kinh tế thế giới thời gian qua đã có những thay đổi, nhiều nước đã có những cải cách mạnh mẽ về hệ thống chính sách thuế của mình, trong đó có chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp.

Xem thêm

Video nổi bật