“Bài toán” nợ công chưa có lời giải

Đến thời điểm này vẫn có những dấu hiệu cho thấy cuộc khủng khoảng nợ công tiếp tục lan rộng ở châu Âu. Một số quốc gia đã bị các tổ chức đánh giá xếp hạng tín nhiệm hạ mức tín nhiệm hoặc cảnh báo tình hình kinh tế khó khăn như: Anh, Síp. Bên cạnh đó, IMF cũng cho rằng, tỷ lệ nợ công tại một số nước thậm chí có khả năng tiếp tục tăng so với năm 2012 như Mỹ, Nhật Bản, Hy Lạp, Anh, Pháp, Tây Ban Nha… Đáng chú ý là tỷ lệ nợ công của Hy Lạp năm 2013 dự báo tăng lên 179,5% GDP, cao hơn 21% so với mức 158,5% GDP năm 2012 và là quốc gia có mức nợ công cao nhất trong khu vực đồng Euro (Eurozone). Tuy nhiên, IMF cũng đánh giá triển vọng tích cực đối với một số nước thành viên khác có tỷ lệ nợ công năm 2013 giảm hơn so với năm 2012 như: Đức, Bồ Đào Nha và một số quốc gia ngoài khu vực châu Âu là Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Tăng trưởng giảm, thất nghiệp tăng

Tiếp tục đà suy giảm kinh tế trong năm 2012, trong quý I/2013, GDP tại Eurozone và 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU27) lần lượt giảm 0,2% và 0,1%. Nếu so với cùng kỳ năm trước thì GDP tại Eurozone và EU27 đã giảm 1,1% và 0,7% chủ yếu do đầu tư và tiêu dùng tư nhân sụt giảm. Theo Báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” của IMF vào tháng 4/2013, dự báo tăng trưởng của Đức năm 2013 giảm 0,3% so với năm 2012, đạt 0,6%. Tăng trưởng của Mỹ năm 2013 cũng được dự báo giảm 0,3% so với năm 2012, đạt 2,2%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, thậm chí sụt giảm ở một số quốc gia đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động. Theo dự báo của IMF, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm nước có nền kinh tế phát triển tăng lên 0,7% trong năm 2013 so với năm 2012 và ở mức 11%. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của Eurozone năm 2013 đạt 12,4%, tăng 0,9% so với năm 2012 (Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italia có tỷ lệ thất nghiệp tăng cao hơn so với các thành viên khác).

Theo Báo cáo "Xu hướng lao động toàn cầu 2013" của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), sau 5 năm kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cùng với đà tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp đã có dấu hiệu tăng trở lại. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp toàn cầu là 73,8 triệu người trong năm 2012, tương đương 12,6% số người thất nghiệp.

Hướng tới tăng trưởng và tạo việc làm

Sau 3 năm thực hiện chính sách tài khóa “thắt lưng buộc bụng”, một số quốc gia ở khu vực châu Âu và trên thế giới vẫn không đạt được các chỉ tiêu kinh tế đề ra. Trong bối cảnh này, các quốc gia đã buộc phải tìm hướng đi mới. Thay vì cắt giảm ngân sách hoặc tăng thuế, hiện nay, các nước đang tập trung ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm. Một số quốc gia tiên phong trong xu hướng này là Pháp, Italy và Tây Ban Nha.

Cụ thể, mới đây, Tây Ban Nha đã công bố gói ngân sách trị giá 3,5 tỷ Euro (tương đương 4,6 tỷ USD) với 100 biện pháp nhằm tạo việc làm cho thanh niên. Cuối tháng 4/2013, Chính phủ Tây Ban Nha đã từng bước cụ thể hóa kế hoạch trên thông qua chương trình cải cách mới trong vòng 3 năm tới và tập trung chủ yếu đến các vấn đề lương hưu, việc làm và khu vực ngân hàng.

Kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu trong dài hạn của Tây Ban Nha đề cập đến nội dung hạn chế nghỉ hưu sớm và nâng tuổi nghỉ hưu; cải cách lương trong khu vực công. Trong nỗ lực giải quyết vấn đề việc làm, Chính phủ Tây Ban Nha đã thành lập quỹ đào tạo việc làm trị giá 3,5 tỷ Euro tới năm 2016. Trong ngành Ngân hàng, Chính phủ tập trung vào những cải cách để thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tiếp cận nguồn tín dụng, quốc tế hóa các công ty. Bên cạnh đó, nhằm cải thiện tính cạnh tranh và tăng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Tây Ban Nha đã đề xuất thay đổi cơ chế thuế, giảm thuế đầu tư, giới thiệu thuế xanh, sửa đổi các loại thuế đặc biệt liên quan đến xăng dầu, rượu, thuốc lá, điện và chi phí vận tải.

Ngày 15/6/2013, Chính phủ Italia cũng đã thông qua một gói các biện pháp kích thích kinh tế trị giá khoảng 3 tỷ Euro dưới hình thức tài trợ cho các dự án công trình công cộng với mục đích tạo ra 30.000 việc làm mới cho người lao động trong năm 2013 và đưa thâm hụt ngân sách về mức 2,9% GDP. Trong đó, khoảng 600 triệu Euro sẽ chi cho việc cải thiện mạng lưới đường sắt quốc gia, 300 triệu Euro cho việc duy trì các tuyến đường hầm và cầu, 300 triệu Euro để cải thiện các công trình trường học, và 100 triệu Euro nhằm vào các dự án cộng đồng nhỏ. Ngoài ra, gói các biện pháp của Italia còn xa dần chính sách “thắt lưng buộc bụng” bằng dự định giảm chi phí điện năng cho các hộ gia đình với tổng giá trị lên tới 550 triệu Euro.

Cùng với các quốc gia trên, ngày 20/6, Chính phủ Pháp đưa ra kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu nhằm đạt mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách đến năm 2020. So với mục tiêu cắt giảm ngân sách mới của Pháp cho năm 2014 được thông qua vào ngày 8/3, kế hoạch cải cách trên chứng tỏ xu hướng điều hành chính sách mới của Pháp. Theo đó, Pháp sẽ dần chấm dứt chính sách tài khóa thắt chặt hà khắc và hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm.

Đáng chú ý nhất là động thái của Uỷ ban châu Âu (EC) khi đề xuất một số biện pháp có tính khả thi cao nhằm tác động kịp thời đến tỷ lệ thất nghiệp, trong đó phải kể đến gói hỗ trợ việc làm cho thanh niên trị giá 6 tỷ Euro được thông qua vào tháng 4/2012. Tiếp đến, trong tháng 6/2012, Liên minh các thành viên thuộc khu vực Eurozone đã tìm ra hướng giải quyết đối với hai trở ngại lớn là tăng trưởng và thất nghiệp mà mỗi quốc gia đang phải đối mặt hiện nay bằng thỏa thuận hỗ trợ thất nghiệp và ngân hàng giai đoạn 2014 - 2020 trị giá 96 tỷ Euro từ ngân sách của 27 quốc gia thành viên và dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2014.

Theo đó, Quỹ này sẽ trở lại với “Sáng kiến việc làm thanh niên” nhằm cung cấp cơ hội việc làm cho những người lao động dưới 25 tuổi. Các thỏa thuận giải cứu ngành ngân hàng nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nộp thuế trong phạm vi toàn khu vực sẽ có hiệu lực từ năm 2018. Đó là các quy định mới nghiêm ngặt hơn về thâm hụt ngân sách cũng như giám sát chặt chẽ hơn đối với hoạt động chi tiêu. Đến cuối năm 2013, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ giám sát chung 6.000 ngân hàng toàn châu Âu trong giai đoạn đầu thành lập liên minh ngân hàng nhằm ngăn chặn khủng khoảng tài chính, sau đó sẽ mở rộng kế hoạch đảm bảo hoạt động tiền gửi chung. Dự báo, kế hoạch này sẽ tác động rất lớn đến tình hình tăng trưởng và việc làm không chỉ với EU27 mà còn đối với các quốc gia và khu vực khác trên thế giới.

Tại châu Á, mặc dù tỷ lệ nợ công cao nhưng Nhật Bản là một trong số ít quốc gia thực hiện chính sách tài khóa mở rộng khi phê chuẩn gói kích thích kinh tế trị giá 10.300 tỷ Yên (tương đương khoảng 116 tỷ USD) trong tháng 1/2013, nhằm phục hồi nền kinh tế và chấm dứt tình trạng giảm phát kéo dài. Gói kích thích kinh tế bao gồm chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng (tái thiết những khu nhà bị phá hủy từ động đất năm 2011), hỗ trợ cho các DN đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và an sinh xã hội cũng như tạo thêm 600.000 việc làm mới. Tuy nhiên, trong dài hạn Nhật Bản sẽ tăng thuế tiêu dùng để giảm tỷ lệ nợ công và tình trạng thâm hụt ngân sách.

Cũng trong hướng ưu tiên tập trung cho tăng trưởng kinh tế, ngày 15/2, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye đưa ra các biện pháp nhằm tăng chi tiêu cho phúc lợi khoảng 18.000 tỷ Won (tương đương 16,6 tỷ USD) với mục tiêu cải thiện cuộc sống của người dân và giải quyết những khó khăn cho người nghèo.

Để đạt được các mục tiêu ổn định tăng trưởng, điều chỉnh cơ cấu, cải thiện an sinh xã hội, Trung Quốc cũng tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa nới lỏng trong năm 2013. Cụ thể: (1) Tăng bội chi ngân sách và nợ công ở mức vừa phải. Kế hoạch bội chi ngân sách của Trung Quốc năm 2013 tăng lên mức 1.200 tỷ NDT (tương đương khoảng 191 tỷ USD), cao hơn 400 tỷ NDT so với kế hoạch bội chi ngân sách của năm 2012. Trong đó, thâm hụt ngân sách trung ương là 850 tỷ NDT; (2) Kết hợp với chế độ cải cách thuế để hoàn thiện chính sách giảm thuế mang tính cơ cấu; (3) Nỗ lực tối ưu hóa cơ cấu chi tiêu tài ngân sách. Tiếp tục tăng chi cho lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội và các lĩnh vực yếu kém khác. Đầu tư của ngân sách trung ương chủ yếu vào các công trình nhà ở mang tính xã hội, cơ sở hạ tầng của khu vực nông nghiệp, thủy lợi…; (4) Tiếp tục tăng cường quản lý nợ của chính quyền địa phương.

Một số quốc gia châu Á khác cũng đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hơn so với năm 2012 phải kể đến là Lào, Myanmar. Trong khi Myanmar ưu tiên tăng chi tiêu công cho các dịch vụ y tế, giáo dục thì Lào lại tiến hành tăng lương cho các dịch vụ dân sự, cảnh sát, quân đội trong 3 năm tới, bắt đầu từ năm 2013 với mục tiêu đạt thâm hụt tài khóa ở mức 3,1% GDP trong năm tài khóa 2013.

Giải pháp thắt chặt tài khóa

Bên cạnh một số quốc gia có hướng ưu tiên mới trong điều hành chính sách tài khóa thì vẫn còn nhiều nước duy trì chính sách thắt chặt. Cụ thể, để nhận được sự cứu trợ của EU và IMF, Cộng hòa Síp chấp nhận kế hoạch tăng thuế tiền gửi và đóng cửa ngân hàng lớn thứ hai (ngân hàng Laiki). Theo đó, Chính phủ đánh thuế một lần ở mức 9,9% đối với các khoản tiền gửi trên 100.000 Euro và 6,7% đối với các khoản tiền gửi dưới 100.000 Euro ở các ngân hàng của nước này.

Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới và có nhiều tác động đến tình hình chung của kinh tế thế giới đã chính thức thông qua dự luật “vách đá tài khóa” vào ngày 31/12/2012, nhằm đưa nước này thoát khỏi tình trạng thâm hụt ngân sách cao và tăng trưởng ì ạch, với nội dung tăng thuế các loại và giảm chi ngân sách. Theo đó, Mỹ sẽ thực hiện tăng thuế đối với người có mức thu nhập từ 400.000 USD/năm trở lên và các hộ gia đình có thu nhập trên 450.000 USD mỗi năm. Dự luật cũng sẽ giảm chi tiêu trong khu vực công khoảng 24 tỷ USD. Ngày 12/2/2013, Mỹ tiếp tục thông qua đề xuất điều chỉnh thuế và cắt giảm ngân sách trong 10 năm tới.

Tại khu vực châu Á, Malaysia sẽ giảm trợ cấp và tăng tuổi nghỉ hưu với mục tiêu giữ thâm hụt tài khóa khoảng 4% GDP trong năm 2013. Singapore dự định sẽ tăng thuế mua bán tài sản đối với người nước ngoài từ mức 10% lên 15%. Ấn Độ dự định một mặt đánh thuế đối với tầng lớp giàu và các DN cũng như các mặt hàng xa xỉ để tăng thu cho ngân sách, một mặt lại thực hiện củng cố tài khoá với mục tiêu nâng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế như: (1) bãi bỏ một phần quy định quản lý giá nhiên liệu, đặc biệt là giá dầu diesel; (2) thực hiện lộ trình chuyển giao tiền mặt trực tiếp; (3) xây dựng sự đồng thuận về việc thực hiện thuế hàng hóa và dịch vụ trong nước nhằm thế thuế giá trị gia tăng hiện hành; (4) giảm trợ cấp cho hành khách đường sắt.

Như vậy, các quốc gia trên hiện đã và đang có xu hướng điều hành chính sách tài khóa linh hoạt. Song, có thể thấy rằng, tất cả các nước ở trên đều hướng đến mục tiêu cuối cùng là giảm thâm hụt ngân sách và nợ công, cải thiện tỷ lệ tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm mới cũng như cải thiện hệ thống an sinh xã hội.

Tài liệu tham khảo:

1. IMF, “Hope, Realities, Risks”, WEO, April 2013;

2. IMF, “Fiscal Adjustment in an Uncertain World”, Fiscal Monitor, April 2013;

3. ILO, “Global Employment Trends 2013”;

4. EC, “Working together fot Europe’s Young people – A call to action on Youth Unemployment”, June, 2013;

5. WB, “Global Economic Prospects”, June, 2013.

Xu hướng điều chỉnh chính sách tài khóa tại một số quốc gia

ThS. Trần Thị Hà

(Tài chính) Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, năm 2013, nợ công tại những quốc gia có tỷ lệ nợ công cao sẽ không giảm nhiều. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế lại suy giảm và thất nghiệp không ngừng gia tăng ở nhiều nước, đặc biệt là khu vực đồng Euro. Điều này đã khiến các nhà hoạch định chính sách phải xem xét lại chính sách tài khóa thắt chặt và một số quốc gia đã điều chỉnh chính sách tài khóa theo hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm.

Xem thêm

Video nổi bật