Xu hướng lạm phát năm 2017

TS. Nguyễn Đức Độ - Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính)

Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2016 đã tăng 4,74% so với tháng 12/2015. Đây là mức tăng thấp hơn so với mức lạm phát mục tiêu 5% được Quốc Hội thông qua nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng 0,6% của năm 2015. Xu hướng lạm phát tăng trong năm 2016 đã dẫn đến nhiều dự báo rằng, mức lạm phát mục tiêu 4% cho năm 2017 là khó đạt được. Bài viết này phần giải đáp câu hỏi liệu xu hướng lạm phát trong năm 2017 có tiếp tục gia tăng như trong năm 2016 ?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bóc tách mức lạm phát trong năm 2016

Nhằm làm rõ xu hướng lạm phát trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay, bài viết tiến hành phân tích, bóc tách con số lạm phát 4,74% trong năm 2016. Qua phân tích lạm phát của các nhóm hàng hóa khác nhau trong rổ hàng hóa tính CPI cho thấy, điểm khác biệt then chốt của lạm phát trong năm 2016 so với lạm phát trong năm 2015 là phần lớn mức tăng của chỉ số CPI trong năm 2016 là do chịu tác động từ các biện pháp điều chỉnh giá mang tính hành chính.

Cụ thể, giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng 77,57% và giá dịch vụ giáo dục cũng được điều chỉnh tăng 12,5% trong năm qua. Nếu loại trừ các yếu tố chủ quan làm tăng CPI này, lạm phát trong năm 2016 chỉ ở mức hơn 1%.

Lạm phát cơ bản tháng 12/2016 tăng 1,87% so với cùng kỳ năm trước (lạm phát sau khi loại trừ giá lương thực-thực phẩm, giá năng lượng và giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục), tăng nhẹ so với mức 1,69% của năm 2015.

Một thước đo khác là lạm phát GDP cũng chỉ ở mức 1,1% (cao hơn so với mức -0,2% trong năm 2015), bởi năm 2016 trong khi GDP thực tăng 6,2%, thì GDP danh nghĩa cũng chỉ tăng 7,3% (từ 4192 nghìn tỷ đồng lên 4502 nghìn tỷ đồng).

Như vậy, có thể thấy rằng, nếu loại trừ các yếu tố làm tăng giá mang tính ngắn hạn, lạm phát của Việt Nam chỉ vào khoảng 1-2% và là mức tương đối thấp. Hơn nữa, mức lạm phát thấp này đã được duy trì tương đối ổn định kể từ giữa năm 2016, khi lạm phát cơ bản chỉ dao động xoay quanh mức 0,1%/tháng (Hình 1).

Hình 1: Lạm phát cơ bản so với tháng trước của các tháng trong năm 2016

Hình 1: Lạm phát cơ bản so với tháng trước của các tháng trong năm 2016

Về nguyên nhân, xu hướng lạm phát thấp hiện nay chủ yếu là do tình hình tăng trưởng kinh tế chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng GDP 6,21% trong năm 2016 thấp hơn tương đối nhiều so với mục tiêu 6,7%, thậm chí thấp hơn cả so với mức dự báo gần đây là 6,3-6,5%. Mặc dù có những nguyên nhân mang tính khách quan như thời tiết không thuận lợi dẫn đến ngành Nông nghiệp tăng trưởng chậm với mức 1,36% và ngành Khai khoáng bị sụt giảm 4% do giá nguyên liệu trên thế giới ở mức thấp, song tựu chung vẫn là do tổng cầu thấp.

Thứ nhất, về cầu tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2016 sau khi loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 7,8%, thấp hơn mức tăng 8,5% của năm 2015. Với mức lãi suất huy động cao như hiện nay, từ 6,5% đến 7,5% đối với kỳ hạn 12 tháng, người dân đã, đang và sẽ tiếp tục giảm chi tiêu, tăng tiết kiệm. Việc huy động vốn của các tổ chức tín dụng trong năm 2016 tăng tới 16,88%, cao hơn nhiều mức tăng GDP danh nghĩa 7,3% là minh chứng cho nhận định này.

Thứ hai, bên cạnh chi tiêu dùng thấp, tình hình nợ xấu, nợ công và lãi suất ở mức cao đang là rào cản đối với đầu tư tư nhân cũng như đầu tư công. Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, còn giải ngân đầu tư công từ ngân sách nhà nước chỉ đạt 83% kế hoạch, từ vốn trái phiếu Chính phủ cũng chỉ đạt 67% kế hoạch.

Thứ ba, cầu xuất khẩu, trong đó có cả xuất khẩu khoáng sản, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng tăng trưởng kém của kinh tế thế giới, dẫn đến giá hàng hóa trên thế giới tiếp tục duy trì ở mức thấp, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt tiền tệ và đồng USD tăng giá. Trong năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam tăng 8,6%; nhập khẩu chỉ tăng 4,6% so với năm 2015. Tình trạng xuất siêu (2,68 tỷ USD) quay trở lại cho thấy nhu cầu trong nước vẫn còn yếu.

Dự báo xu hướng lạm phát năm 2017

Trong tương lai gần có thể nhận định rằng, chưa có nhiều dấu hiệu rõ ràng cho việc lạm phát cao quay trở lại.

Xét từ góc độ vĩ mô, ở trong nước mức lãi suất huy động và cho vay được dự báo sẽ rất khó giảm, vì tiền gửi tiết kiệm sẽ không thể tăng trưởng liên tục ở mức 15%/năm, trong khi GDP danh nghĩa chỉ tăng trưởng 7%/năm, còn các ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém vẫn phải tăng huy động vốn để xử lý nợ xấu thông qua nhiều cách khác nhau, kể cả đảo nợ. Nói cách khác, tình trạng nợ nần ở cả khu vực công lẫn khu vực tư sẽ khiến lãi suất duy trì ở mức cao và tiếp tục cản trở đầu tư và tiêu dùng.

Hình 2: Dự báo lạm phát so với cùng kỳ năm trước của các tháng trong năm 2017

Hình 2: Dự báo lạm phát so với cùng kỳ năm trước của các tháng trong năm 2017

Về triển vọng kinh tế thế giới, theo dự báo của IMF, kinh tế thế giới trong năm 2017 sẽ tăng trưởng ở mức 3,4%, cao hơn so với mức 3,1% của năm 2016. Việc kinh tế thế giới tăng trưởng cao hơn sẽ giúp cho xuất khẩu của Việt Nam thuận lợi hơn. Tuy nhiên, mặt khác nếu Fed nâng lãi suất và đồng USD mạnh lên, giá hàng hóa có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp và ngành Khai khoáng của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

Hơn nữa, theo dự báo Fed, kinh tế Mỹ trong năm 2017 cũng chỉ tăng trưởng 2,1%, cao hơn không đáng kể so với mức dự báo 2% trước đó. Như vậy, tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017, yếu tố quan trọng tác động đến lạm phát, nhiều khả năng vẫn chưa thực sự khả quan. Nhiều dự báo của các tổ chức trong nước và quốc tế cho rằng, trong năm 2017, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 6,3%, tương đương với mức tăng trưởng trong năm 2016. Nếu vậy, lạm phát năm 2017 sẽ không có nhiều biến động so với năm 2016.

Xét trên góc độ phân tích kỹ thuật, do lạm phát có tính ỳ rất cao nên nhiều khả năng xu hướng lạm phát thấp trong năm 2016 (không tính điều chỉnh giá bằng biện pháp hành chính) sẽ tiếp tục trong năm 2017, nhất là trong bối cảnh kinh tế chưa có nhiều đột biến theo hướng thuận lợi.

Bởi vậy, nếu trong năm 2016 không có các cuộc điều chỉnh giá bằng biện pháp hành chính, lạm phát so với cùng kỳ năm trước được dự báo sẽ giảm dần từ mức 5% trong tháng 1-2/2017 xuống còn 1% vào tháng 12/2017 (Hình 2). Lạm phát trung bình trong năm 2017, theo định nghĩa là trung bình số học của lạm phát cùng kỳ các tháng trong năm, được dự báo sẽ vào khoảng 2,6%.

Tuy nhiên, theo kế hoạch, trong năm 2017, Nhà nước sẽ tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục, nên lạm phát sẽ cao hơn các con số nêu trên. Mức cao hơn này không chỉ phụ thuộc vào mức độ điều chỉnh giá, mà còn phụ thuộc vào thời điểm điều chỉnh giá. Các cơ quan quản lý giá càng điều chỉnh giá dịch vụ muộn bao nhiêu, thì lạm phát trung bình sẽ càng tăng chậm bấy nhiêu.

Về tổng thể, có thể nhận định rằng, bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới hiện nay không có nhiều thuận lợi cho triển vọng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017. Khi tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức, lạm phát cao sẽ chưa thể xảy ra. Mục tiêu mà Quốc hội đề ra là lạm phát trung bình 4%, do vậy, hoàn toàn có thể đạt được trong năm 2017, nếu mức điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong năm 2017 chỉ bằng 1/2 so với năm 2016 và được thực hiện chủ yếu trong nửa cuối năm.

Lạm phát thấp: Hệ lụy và giải pháp

Với dự báo lạm phát trong năm 2017 chỉ ở mức khoảng 1%, trong khi lãi suất huy động và cho vay khó giảm, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu đựng mức lãi suất thực cao. Điều này cản trở sự phục hồi của nền kinh tế và có thể dẫn đến vòng xoáy giảm lạm phát: Lạm phát thấp – lãi suất thực cao – tăng trưởng thấp – lạm phát thấp hơn … và cuối cùng là tình trạng giảm phát.

Để phá vỡ vòng luẩn quẩn nói trên, cần phải có các giải pháp triệt để trong việc xử lý nợ xấu, bởi đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lãi suất cao và lạm phát thấp. Do chính sách tài khóa đã không còn nhiều dư địa bởi nợ công đã đạt mức trần 65% GDP, chính sách tiền tệ cần đứng ra gánh trách nhiệm này.

Trong thời gian qua, các NHTM đã quyết liệt xử lý nợ xấu, thông qua trích lập dự phòng và bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Tuy nhiên, do quy mô nợ xấu hiện nay tương đương với quy mô vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng, cách xử lý nợ xấu qua trích lập dự phòng là quá sức đối với nhiều tổ chức tín dụng (TCTD), còn cách xử lý qua bán nợ xấu cho VAMC thì giống như việc trì hoãn.

Trên thực tế, mục tiêu chính của việc thành lập VAMC không phải là để xử lý nợ xấu, mà để đưa các khoản nợ xấu ra khỏi bảng cân đối kế toán của các NHTM, từ đó giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ này, giảm gánh nặng tài chính đối với các NHTM trong ngắn hạn.

Như vậy, muốn xử lý triệt để nợ xấu, trước tiên cần khung pháp lý cho việc chuyển đổi sở hữu đối với các tài sản thế chấp. Nếu không giải quyết được vấn đề này, nợ xấu sẽ không thể mua/bán và do đó sẽ khó có thể được xử lý triệt để, trừ khi giá tài sản tăng mạnh trở lại khiến cho nợ xấu trở thành nợ tốt. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý này đòi hỏi phải sửa nhiều luật và tốn nhiều thời gian.

Trong khi đó, trong nền kinh tế vẫn còn một số NHTM, TCTD yếu kém có mức nợ xấu cao nhưng vẫn huy động vốn để nuôi các dự án “xấu” đang tồn tại, cũng như trả nợ cho những người gửi tiền trước đó. Nếu các dự án này không có triển vọng thu lợi nhuận, nợ xấu sẽ gia tăng. Trong trường hợp này, sự tồn tại của các NHTM, TCTD không có khả năng phục hồi sẽ dẫn đến việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính vào các lĩnh vực không có tương lai.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp có tiềm năng lại phải chịu cảnh thiếu vốn, phải đi vay với lãi suất cao vì bị các doanh nghiệp và ngân hàng “xác sống” cạnh tranh nguồn lực. Vì vậy, việc cho các NHTM, TCTD yếu kém phá sản sẽ giúp phân bổ vốn đúng địa chỉ và tạo điều kiện giảm lãi suất, thúc đẩy kinh tế phục hồi.

Trước đây, NHNN đã mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng, đó là một hình thức cho các ngân hàng phá sản. Tuy nhiên, việc NHNN mua lại 3 ngân hàng với giá 0 đồng mới chỉ là cho các ông chủ ngân hàng phá sản, còn các ngân hàng yếu kém đó hiện vẫn đang hoạt động. Vấn đề là các ngân hàng này có thể vẫn đang huy động vốn để trả nợ cũ và nuôi các dự án không có triển vọng.

Nếu mức sinh lời nhỏ hơn chi phí vốn và các ngân hàng này không có khả năng kiếm đủ lợi nhuận để trả lãi cho người gửi tiền tiết kiệm nữa, lúc đó Chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn để giải quyết vấn đề. Tình trạng này không thể tiếp tục mãi mãi, đến một lúc nào đó Chính phủ sẽ phải đưa ra giải pháp quyết liệt là cho các ngân hàng này phá sản. 

Đây chính là lý do vừa qua, tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội ngày 22/10, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Chính phủ sẽ quyết liệt trong tái cơ cấu kinh tế, không cứu vớt các ngân hàng, doanh nghiệp yếu kém. Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh Chính phủ đề xuất giải pháp mạnh hơn là thí điểm cho phá sản ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém.

Rõ ràng Chính phủ không thể để người gửi tiền tiết kiệm mất tiền khi cho phá sản các ngân hàng thương mại, vì hệ lụy của nó là rất khó lường. Nếu một ngân hàng bị phá sản, nguy cơ tạo hiệu ứng tâm lý rằng nhiều ngân hàng khác cũng sẽ bị phá sản, vì quy mô nợ xấu trong nền kinh tế hiện đã ở mức cao gần tương đương vốn chủ sở hữu của cả hệ thống ngân hàng. Thông tin về các ngân hàng hiện nay không minh bạch, nên người dân cũng sẽ nghĩ hoạt động và cách trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu của các ngân hàng đều như nhau.

Nếu người dân rút tiền khỏi ngân hàng, lãi suất giá vàng, giá USD sẽ tăng mạnh. Hệ quả là sẽ nhiều doanh nghiệp, ngân hàng đang khoẻ mạnh sẽ trở thành yếu kém, tăng trưởng kinh tế sụt giảm, thất nghiệp gia tăng và nợ xấu cũng sẽ gia tăng theo. Nợ công, nợ nước ngoài cũng sẽ vượt trần vì lãi suất và tỷ giá tăng cao… Đó là chưa kể đến việc khi nhiều người dân bị mất tiền, sẽ phát sinh nhiều vấn đề về chính trị, xã hội khác.

Vì vậy, một trong những giải pháp buộc các ngân hàng yếu kém phá sản nhưng vẫn đảm bảo lợi ích của người gửi tiền có thể là cho các NHTM, TCTD này ngừng hoạt động và ngừng huy động thêm vốn. Các khoản tiết kiệm đến hạn sẽ được NHNN ứng trước tiền thanh toán đầy đủ. Sau đó, tài sản của các ngân hàng yếu kém sẽ được bán đấu giá để lấy tiền bù vào.

Nếu tiền thu về không đủ, NHNN sẽ chịu một khoản lỗ nào đó. Với việc Nhà nước đã mua các TCTD yếu kém với giá 0 đồng, việc xử lý những vấn đề pháp lý liên quan đến các tài sản đảm bảo nhiều khả năng sẽ dễ dàng hơn so với khi các ông chủ ngân hàng là tư nhân.

Khi Chính phủ chọn phương án cho các ngân hàng phá sản, đồng nghĩa các doanh nghiệp và ngân hàng sẽ phải là người chịu lỗ trước tiên. Người dân cũng có thể sẽ phải chịu một phần, nếu các khoản mà NHNN phải bù lỗ gây nên lạm phát.

Tuy nhiên, nếu các tài sản ngân hàng được bán đấu giá nhanh, công khai, minh bạch, số tiền NHNN phải bù lỗ có thể sẽ không quá lớn và sẽ không tạo nhiều áp lực lên giá cả. Trong bối cảnh lạm phát thấp hiện nay, giải pháp sử dụng các công cụ tiền tệ để cho các NHTM yếu kém phá sản là hoàn toàn có tính khả thi.