Xu hướng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

Thu Hoài

Phát triển kinh tế xanh chính là chìa khóa để giải quyết những thách thức của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, thỏa mãn đồng thời nhu cầu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường của tất cả các quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kể từ năm 2000, Việt Nam bắt đầu làm quen với xu hướng phát triển xanh của thế giới, với một số ít các dự án năng lượng xanh đã được triển khai ở dạng thử nghiệm. Đến nay, Việt Nam đang tiến hành triển khai dự án 3R (Reduce – giảm thiểu, Reuse – tái sử dụng, Recycle – tái chế) được quốc tế đánh giá tốt về mặt lý thuyết. Tiếp nối sự phát triển năng lượng xanh của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam hiện nay đã bắt đầu triển khai các dự án năng lượng sinh học…

Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa Đông Nam Á, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh là cơ hội cho Việt nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới “Nền kinh tế xanh”.

Bên cạnh những cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế xanh tại Việt nam như: sự quan tâm đồng thuận của thế giới; sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới trong nỗ lực chung giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở hướng tới “Nền kinh tế xanh” cần phải nhìn nhận rõ những thách thức để định hướng cho phát triển.

Về nhận thức, hiểu thế nào là một nền “kinh tế xanh” hiện nay ở Việt nam vẫn còn hết sức mới mẻ, đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Nếu không nhận thức đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, do vậy sẽ khó thực hiện.

Nền kinh tế xanh gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, các bon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường. Thực tế công nghệ sản xuất ở Việt nam hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ nếu không có trợ giúp của các nước có công nghệ cao trên thế giới. Nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi, sinh kế người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Về huy động nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu “Xây dựng nền kinh xanh”, mặc dù Việt nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo nhưng tích luỹ quốc gia so với các nước đã phát triển còn quá thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai hướng tới “Nền kinh tế xanh”.

Hơn nữa, cơ chế chính sách hướng tới thực hiện “Nền kinh tế xanh” ở Việt Nam hiện nay gần như chưa rõ ràng, trong khi trên thế giới cũng mới đề xuất hướng tiếp cận. Việc rà soát lại cơ chế chính sách liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới nền “kinh tế xanh” là thách thức không nhỏ.

Mặc dù, Việt Nam có chủ trương hướng tới một nền công nghiệp xanh, ít tiêu hao năng lượng, hạn chế thấp nhất sản xuất gây ô nhiễm môi trường, nhưng việc thực hiện còn mang tính lẻ tẻ, chưa đồng bộ do khu vực này chưa có chiến lược và quy hoạch phát triển rõ ràng theo hướng xanh. Đây cũng là tình hình chung đối với các khu vực khác của nền kinh tế.

“Nền kinh tế xanh là kết quả mang lại phúc lợi cho con người và công bằng xã hội, nó có ý nghĩa giảm những rủi ro môi trường và khan hiếm sinh thái. Phát triển một nền kinh tế xanh thực chất là vì con người, đảm bảo phúc lợi cao nhất, đạt mục tiêu công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những rủi ro cho môi trường và hệ sinh thái, tôn tạo và phát triển hệ sinh thái tự nhiên" - Chương trình Môi trường thuộc Liên Hợp Quốc UNEP.

Thực tế tồn tại và phát triển hơn hai thế kỷ của kinh tế học truyền thống cho chúng ta thấy lý thuyết này đã đặt sức ép quá lớn lên thế giới tự nhiên và các nguồn lực của nó. Tăng trưởng kinh tế hiện nay đang đạt tới cấp độ tàn phá nhiều hơn là tạo ra của cải thực, đưa thế giới tới đại suy thoái kinh tế, khủng hoảng sinh thái trầm trọng và biến đổi khí hậu.

Những gì mà thế giới đã và đang trải qua đã buộc chúng ta phải nghĩ lại về mục tiêu phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế hiện nay đặt ra thách thức lớn cho các quốc gia trong việc hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng được nhu cầu xã hội và đảm bảo một môi trường bền vững.

Một nền kinh tế xanh với những khu công nghiệp xanh ít khói bụi, sử dụng các nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường, những vành đai xanh, những khu du lịch sinh thái quy mô nhằm thiết lập lại hệ sinh thái cân bằng đang là xu hướng phát triển chung của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Ở Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh mới chỉ ở xuất phát điểm. Với lợi thế của người đi sau, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển một nền kinh tế xanh toàn diện, hướng tới sự phát triển bền vững, đạt mục tiêu hài hòa giữa tăng cường kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.