Xử lý hành vi trục lợi bảo hiểm thất nghiệp: Thêm chế tài mạnh

Minh Ngọc

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), phòng chống việc lạm dụng, trục lợi Quỹ BHTN, cùng với các biện pháp đang được Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tích cực triển khai, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt trong dự thảo có các quy định xử phạt các sai phạm có liên quan đến BHTN.

Nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý BHTN, phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHTN.
Nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý BHTN, phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHTN.
Trục lợi bảo hiểm thất nghiệp diễn biến phức tạp

Được triển khai thực hiện từ năm 2009, chính sách BHTN đã góp phần hỗ trợ người lao động (NLĐ) trong trường hợp bị mất việc làm, giúp gia đình họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và giúp NLĐ sớm quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, thời gian vừa qua đã có không ít trường hợp lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi quỹ, gây thất thoát nguồn quỹ và tạo sự mất công bằng trong thụ hưởng.

Theo số liệu tổng hợp của BHXH các địa phương, trong năm 2015 và 2016 đã phát hiện và đề nghị ngành Lao độg –Thương binh và xã hội ban hành quyết định thu hồi đối với 15.156 người hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) sai quy định với tổng số tiền 70,96 tỷ đồng. Trong đó, tập trung tại một số địa phương như: TP. Hồ Chí Minh (4.940 người), Bình Dương (2.806 người), Đồng Nai (986 người), An Giang (730 người)… Tuy nhiên, tính đến hết năm 2016, vẫn còn 32,58 tỷ đồng chưa thu hồi được do không liên lạc được với NLĐ, hoặc NLĐ chưa có khả năng nộp lại. Đại diện một số địa phương cho hay, việc thu hồi lại tiền TCTN rất khó khăn, bởi NLĐ thường có tâm lý tiền đã trả vào tay họ là tiền của họ, nên cố tình né tránh không chịu nộp lại…

Dẫn chứng cụ thể ở Đồng Nai, trong năm 2017, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) Tỉnh phát hiện bà T.T.N.T từ tháng 8/2017 hưởng TCTN với số tiền 18,75 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế bà T. đã có việc làm trong vòng 15 ngày nộp hồ sơ BHTN, nên không thuộc diện hưởng trợ cấp; do đó, Trung tâm DVVL đã đề nghị ngành chức năng ra quyết định thu hồi. Một trường hợp khác là bà H.T.T.T đã hưởng 3 tháng TCTN , song qua rà soát cho thấy, bà này cũng không thuộc diện được hưởng, vì trong vòng 15 ngày nộp hồ sơ BHTN đã có việc làm mới.

Đại diện Trung tâm DVVL TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Trung tâm cũng không biết và không có công cụ nào để nhận biết NLĐ đã có việc làm mới ở đâu hay không. Tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào sự trung thực của NLĐ. Những trường hợp gian lận chỉ được nhận biết khi họ có tham gia đóng BHXH ở nơi làm mới. Nhưng khi phát hiện được thì rất nhiều trường hợp đã “ăn gian” được vài tháng tiền TCTN”.

Hay tại TP. Hồ Chí Minh, trong 10 tháng đầu năm 2017, Trung tâm DVVL TP. Hồ Chí Minh phối hợp với BHXH TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện khoảng 330 NLĐ có việc làm nhưng vẫn hưởng TCTN với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng. Đồng thời, qua kiểm toán cũng phát hiện 720 trường hợp khác vừa có việc làm, vừa nhận trợ cấp thất nghiệp  từ các năm 2012, 2013, với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Phạt tiền đối với lao động có hành vi trục lợi BHTN

Trước thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý BHTN; phòng, chống việc lạm dụng, trục lợi Quỹ BHTN, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phải chủ động phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Trung tâm DVVL tổ chức rà soát, đối chiếu dữ liệu quản lý thu BHXH bắt buộc, BHTN, qua đó phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp hưởng chế độ sai quy định. Bên cạnh đó, yêu cầu BHXH các địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra nội bộ việc thu, chi BHTN, kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm pháp luật về BHTN và xử lý theo thẩm quyền...

Đáng chú ý là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt trong dự thảo có các quy định xử phạt các sai phạm có liên quan đến BHTN.

Theo đó, dự thảo đề xuất mức xử phạt từ 1-2 triệu đồng đối với NLĐ có hành vi vi phạm pháp luật về BHTN. Cụ thể, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với NLĐ có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về BHTN sau đây: Thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không thông báo với Trung tâm DVVL theo quy định khi NLĐ có việc làm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm DVVL thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tìm được việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất mức phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với người sử dụng lao động (NSDLĐ) có hành vi không thông báo với Trung tâm DVVL nơi đặt trụ sở làm việc của NSDLĐ khi có biến động lao động việc làm tại đơn vị theo quy định của pháp luật. NSDLĐ hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ BHXH, BHTN để trục lợi chế độ mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng BHXH, BHTN làm giả, làm sai lệch nội dung bị phạt từ 5-10 triệu đồng.

Đồng thời, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với NSDLĐ khi được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ mà có hành vi tổ chức triển khai đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ không theo đúng phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, sẽ phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với NSDLĐ có hành vi chiếm dụng tiền trợ cấp BHXH của NLĐ.

Dự thảo Nghị định Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được lấy ý kiến đến hết ngày 16/05/2018.