Xử lý ngân hàng yếu kém không tạo cú sốc cho thị trường

Theo Đại biểu nhân dân

Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 đã đi được 1/5 chặng đường, thành công nhất của giai đoạn này là việc xử lý các ngân hàng yếu kém không tạo cú sốc cho thị trường.

Xử lý ngân hàng yếu kém không tạo cú sốc cho thị trường
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ quý IV/2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tập trung nghiên cứu, xây dựng Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) vừa triển khai ngay các biện pháp giảm thiểu rủi ro, bảo đảm an toàn cho hệ thống thông qua việc triển khai cơ cấu ngay một số ngân hàng yếu kém cần ưu tiên tập trung xử lý. Ngày 1.3.2012, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 254/QĐ-TTg. Ngay sau đó, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 734/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai thực hiện Đề án, trong đó phân công phân nhiệm rõ ràng nhiệm vụ của từng đơn vị theo các lộ trình cụ thể và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để tiến hành cơ cấu lại hệ thống các TCTD phù hợp với mục tiêu, định hướng và lộ trình nêu tại đề án. Một trong những quan điểm nhất quán của Chính phủ và NHNN trong việc cơ cấu là không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động ngân hàng ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước. Quá trình chấn chỉnh, củng cố và cơ cấu lại hệ thống các TCTD hạn chế tới mức thấp nhất tổn thất và chi phí của ngân sách nhà nước cho xử lý những vấn đề của hệ thống các TCTD.

Thực tế trước khi Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, NHNN đã chủ động đánh giá, phân tích và triển khai xử lý ngay một số TCTD yếu kém trên cơ sở triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp như: thành lập các tổ giám sát tại các ngân hàng thương mại cổ phần (NHTM) yếu kém với sự tham gia của cán bộ NHNN và một số NHTM Nhà nước để theo dõi, giám sát chặt chẽ, toàn diện các ngân hàng này; chỉ đạo một số NHTM Nhà nước hỗ trợ thanh khoản và sẵn sàng tham gia cơ cấu lại các NHTM cổ phần yếu kém trong trường hợp các biện pháp sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên cơ sở tự nguyện không thể thực hiện được; thuê công ty kiểm toán quốc tế thực hiện kiểm toán các ngân hàng, đồng thời NHNN tiến hành thanh tra toàn diện các NHTM cổ phần yếu kém. Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm toán, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng này xây dựng phương án cơ cấu lại.

Đến cuối năm 2012, về cơ bản NHNN đã kiểm soát được tình hình của các NHTM cổ phần yếu kém thông qua các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật. Khả năng chi trả của các ngân hàng yếu kém đã được cải thiện đáng kể. Rủi ro, khó khăn của các ngân hàng này được kiểm soát, không lan rộng tạo tâm lý bất an cho người gửi tiền, tác động tiêu cực đến ổn định hệ thống các TCTD, và thị trường tài chính tiền tệ. Bên cạnh 3 NHTM cổ phần yếu kém được hợp nhất, 2/6 NHTM cổ phần yếu kém đã được phê duyệt Phương án cơ cấu lại và đang tích cực triển khai thực hiện cơ cấu lại dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN. 3/4 ngân hàng yếu kém đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cho phép tái cơ cấu theo hướng hợp nhất với TCTD khác hoặc kêu gọi các nhà đầu tư tiềm năng tham gia xử lý tổn thất và tái cơ cấu toàn diện ngân hàng. Đối với 1 ngân hàng yếu kém còn lại, NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan chỉ đạo ngân hàng này khẩn trương xây dựng và hoàn thiện phương án cơ cấu lại có tính khả thi, phù hợp với thực trạng của ngân hàng trình xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để có cơ sở triển khai các bước xử lý tiếp theo.

Cho đến nay, các phương án cơ cấu lại ngân hàng yếu kém, kể cả sáp nhập, hợp nhất đều được tiến hành trên nguyên tắc tự nguyện. NHNN chưa phải áp dụng biện pháp can thiệp bắt buộc đối với trường hợp nào theo quy định của pháp luật. Mặt khác, Nhà nước cũng chưa phải trực tiếp bỏ tiền để cơ cấu lại bất cứ ngân hàng yếu kém nào. Ngoài ra, NHNN đã và đang phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương có liên quan để xử lý kịp thời các diễn biến phức tạp phát sinh trong quá trình triển khai cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là công tác thông tin, tuyên truyền, nhờ vậy an ninh, chính trị, trật tự và an toàn xã hội được giữ vững, kêu gọi được sự đồng thuận và ủng hộ từ mọi thành phần trong xã hội, góp phần thực hiện thành công việc xử lý các NHTM cổ phần yếu kém nói riêng và việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD nói chung.

Có thể nói, việc tiến hành xử lý các NHTM cổ phần yếu kém trong thời gian qua được thực hiện một cách chủ động, trên nguyên tắc thận trọng, trong tầm kiểm soát của NHNN, với mục tiêu cuối cùng là đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD. Do đó, rủi ro của các NHTM cổ phần yếu kém đã sớm được kiềm chế, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính tiền tệ và định hướng kinh tế - xã hội.

Theo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD thì trong giai đoạn 2011-2015, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng. Phấn đấu đến cuối năm 2015 hình thành được ít nhất 1-2 ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực. Mục tiêu trọng tâm mà NHNN hướng tới trong năm 2013 là: hoàn thành căn bản việc sửa đổi, bổ sung các quy định an toàn hoạt động ngân hàng; tiếp tục triển khai lành mạnh hóa tài chính (bao gồm xử lý nợ xấu và tăng vốn điều lệ), cơ cấu lại hoạt động và quản trị của các TCTD; hoàn thành căn bản cơ cấu lại sở hữu, pháp nhân của các NHTM cổ phần yếu kém. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng vẫn tiếp tục các giải pháp tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu của các TCTD; cơ cấu lại hoạt động và hệ thống quản trị của các TCTD.