Xử lý nợ xấu - Bảo đảm sự ổn định trên thị trường tiền tệ

PV.

Trong thời gian qua, xử lý nợ xấu đã được hệ thống ngân hàng triển khai một cách mạnh mẽ , xử lý nợ xấu được coi là mục tiêu để đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển các NHTM NN đóng vai trò là lực lượng chủ đạo, chủ lực bảo đảm sự ổn định trên thị trường tiền tệ và an toàn của hệ thống các TCTD. Tập trung triển khai cơ cấu lại thành công các NHTM được NHNN mua lại trong thời gian qua theo phương án đã được phê duyệt.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xử lý nợ xấu là mục tiêu hàng đầu của NHNN

Có thể nói, xử lý nợ xấu là mục tiêu được NHNN rất coi trọng trong điều hành chính sách năm 2015, và cũng được Chính phủ chỉ đạo sát sao (trong các Nghị quyết phiên họp thường kỳ hàng tháng của Chính phủ, cụm từ “xử lý nợ xấu” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần). Trong những năm qua, Chính phủ cũng đã yêu cầu ngành ngân hàng phải đưa nợ xấu về dưới 3% trước cuối năm 2015 trong khi ngành ngân hàng chủ động đưa ra mục tiêu giảm nợ xấu xuống dưới 3% sớm hơn 3 tháng tức hết quý 3/2015

Quyết tâm xử lý nợ xấu được NHNN thể hiện rõ bằng các quy định buộc các tổ chức tín dụng phải tuân theo. Chẳng hạn như quy định tổ chức tín dụng có nợ xấu dưới 3% mới được xem xét chấp thuận mở chi nhánh, phòng giao dịch, máy ATM, văn phòng đại diện, cung ứng dịch vụ mới hoặc triển khai nghiệp vụ kinh doanh mới…

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Chủ tịch HĐQTVAMC, Tổng Giám đốc cho biết, trong số nợ xấu đã xử lý thời gian qua thì nợ xấu được xử lý qua VAMC chiếm đến 41,3%. Trong suốt quá trình triển khai tái cơ cấu, vai trò, vị trí chi phối của các NHTM NN trong hệ thống các TCTD tiếp tục được duy trì, củng cố, dẫn dắt thị trường ,đặc biệt là giảm mặt bằng lãi suất và ổn định tiền tệ, đồng thời là lực lượng chủ yếu, tích cực tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém theo chỉ định của NHNN…

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Chánh thanh tra NHNN, trong quá trình tái cơ cấu, một số NHTM cổ phần đã chủ động mua lại, tham gia cơ cấu lại TCTD phi ngân hàng hoặc sáp nhập với NHTM cổ phần khác để tăng quy mô hoạt động, tái định hướng chiến lược kinh doanh, mở rộng cơ sở khách hàng, gia tăng số lượng và chất lượng dịch vụ.

Theo đó, năng lực tài chính của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cải thiện đáng kể. Đến tháng 8/2015, vốn điều lệ liên tục tăng lên và đạt trên 400 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 27% so với năm 2011, vốn chủ sở hữu đạt trên 500 nghìn tỷ đồng, tăng gần 17% so với năm 2011. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì sở hữu vốn và tham gia tái cơ cấu các NHTM (hiện có 17 NHTM cổ phần có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần, trong đó có 09 ngân hàng có cổ đông chiến lược nước ngoài).

"Cuộc đua" xử lý nợ xấu của các ngân hàng

Hiện nay đã có 20 TCTD đã hoàn thành kế hoạch xử lý nợ xấu và bán nợ cho VAMC, trong đó có 20 TCTD đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% (tính đến 30/9/2015). Tuy vậy, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, hiện đang là mùa công bố báo cáo tài chính quý 3/2015 vì thế danh sách các ngân hàng đã đưa nợ xấu về dưới 3% chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở con số 20.

Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, như vậy, kế hoạch xử lý nợ xấu về cơ bản đã đạt mục tiêu đề ra. Câu hỏi đặt ra là, trong hệ thống các TCTD hiện nay, đã có những ngân hàng nào đưa nợ xấu về dưới mức 3%, và còn các ngân hàng nào chưa hoàn thành chỉ tiêu đó?

Ngay từ đầu năm, NHNN đã gửi văn bản tới các tổ chức tín dụng yêu cầu phải bán cho VAMC một số lượng nợ xấu nhất định và hoàn thành trước 30/9. Đến hạn, theo nguồn tin từ NHNN, nhiều ngân hàng đã vượt 100%, thậm chí 200%, có nơi còn vượt gần 600% chỉ tiêu bán nợ.

TCTD đầu tiên phải nói tới là BIDV ( bao gồm cả MHB sau sáp nhập) là ngân hàng bán nợ nhiều nhất cho VAMC thời gian qua với tổng cộng hơn 11.000 tỷ đồng, vượt 25% so với kế hoạch đề ra (kế hoạch 9.000 tỷ đồng). Tiếp đến là Maritime Bank khi kế hoạch bán nợ chỉ 4.600 tỷ nhưng ngân hàng cũng bán gần 6.000 tỷ đồng nợ cho VAMC. Eximbank đặt kế hoạch bán cho VAMC 2.000 tỷ đồng nợ xấu nhưng ngân hàng cũng đã bán trên con số này.

Vietcombank, MB, VPBank, LienVietPostbank, ACB mỗi ngân hàng đặt chỉ tiêu bán 1.000 tỷ đồng nợ xấu song đến 30/9 thì Vietcombank đã bán hơn 2.600 tỷ đồng; VPBank bán hơn 2.000 tỷ còn Eximbank bán 2.700 tỷ đồng. MB và ACB bán đúng theo kế hoạch với 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra các TCTD khác đặt chỉ tiêu bán nợ cho VAMC hàng trăm tỷ đồng và đều vượt kế hoạch, trong đó đáng kể nhất với mức vượt kế hoạch tới gần 600% là SeABank khi chỉ tiêu chỉ có 800 tỷ đồng nhưng ngân hàng này bán nợ tới hơn 4.700 tỷ. ABBank không thuộc diện phải bán nợ cho VAMC nhưng cũng đã bán được 427 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.

Trong khi BIDV là ngân hàng bán nợ nhiều nhất cho VAMC thì Vietcombank lại dẫn đầu danh sách về tự xử lý nợ. Tính đến 31/8, ngân hàng này đã tự xử lý được hơn 8.400 tỷ đồng nợ xấu, vượt 1,5 kế hoạch đề ra. BIDV trong khi đó tự xử lý nợ được hơn 4.200 tỷ, mới hoàn thành 65% kế hoạch đề ra cho cả năm MBBank đã hoàn thành tự xử lý nợ hơn 3.000 tỷ đồng trong khi VPBank cũng tự xử lý được hơn 2.000 tỷ đồng… Tuy nhiên, vẫn có những ngân hàng còn cách xa mục tiêu tự xử lý nợ như SeABank mới hoàn thành được 14% chỉ tiêu, Kienlongbank mới đạt 23%… Như vậy, cộng gộp cả hoạt động xử lý nợ xấu qua VAMC và dùng nguồn dự phòng rủi ro, tự thu hồi nợ thì đến 30/9 các ngân hàng phần lớn đều đã hoàn thành xử lý nợ xấu theo kế hoạch đề ra.

Theo ông Nghĩa, xác định tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD là một quá trình liên tục, trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục cơ cấu lại triệt để và toàn diện hệ thống các TCTD. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD sáp nhập, hợp nhất, mua lại để xử lý TCTD yếu kém, tăng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh của các TCTD; Tăng cường năng lực tài chính của các TCTD, bảo đảm các NHTM có đủ vốn tự có theo chuẩn mực vốn Base lI.

Qua đó, đẩy mạnh cơ cấu lại và phát triển các NHTM NN đóng vai trò là lực lượng chủ đạo, chủ lực bảo đảm sự ổn định trên thị trường tiền tệ và an toàn của hệ thống các TCTD. Tập trung triển khai cơ cấu lại thành công các NHTM được NHNN mua lại trong thời gian qua theo phương án đã được phê duyệt; xử lý dứt điểm các NHTM, các TCTD phi ngân hàng và QTDND yếu kém, không cơ cấu lại thành công hoặc không có phương án cơ cấu lại khả thi. Áp dụng biện pháp phá sản đối với các TCTD yếu kém mà việc phá sản không ảnh hưởng lớn đến sự an toàn, ổn định của hệ thống các TCTD.

Ông Nghĩa cũng cho biết, NHNN tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình VAMC, đồng thời tăng cường năng lực và nguồn lực cho VAMC trong việc xử lý nợ xấu. Phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3% tổng dư nợ theo chuẩn mực phân loại nợ của VN…