Xử lý nợ xấu - kinh nghiệm của Trung Quốc

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Đó là nội dung hội thảo do Trường bồi dưỡng cán bộ Bộ Tài chính phối hợp với Trung tâm tài chính phát triển châu Á - Thái Bình Dương (Trương Quốc) tổ chức ngày 17/12 tại Hà Nội với sự tham gia của đông đảo các chuyên gia tài chính hai nước, nhằm chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài chính nói chung và quản lý, xử lý nợ xấu đối với các tổ chức tài chính tín dụng nói riêng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nợ xấu của Việt  Nam hiện còn 142,27 ngàn tỷ đồng
 
Phát biểu tại hội thảo, Phó tổng giám đốc Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng - DATC, TS. Phạm Mạnh Thường cho biết, hiện tại tổng dư nợ cho vay của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam đạt trên 3 triệu tỷ đồng, xấp xỉ 115% GDP, tổng tài sản đạt gần 5,2 triệu tỷ đồng (vốn tự có gần 420.000 tỷ đồng). Trong đó, tỷ lệ nợ xấu tính đến thời điểm 30/6/2012, bao gồm nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp (DN), ủy thác cấp tín dụng, ủy thác mua trái phiếu của tất cả các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước lên tới 188.961 tỷ đồng, bằng 7,12% dư nợ tín dụng toàn hệ thống. 
 
Trong cơ cấu nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu tập trung cao nhất ở nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước chiếm tới 48,6% tổng nợ xấu của các tổ chức. Các khoản nợ xấu liên quan nhiều đến lĩnh vực bất động sản, nhóm này có nguy cơ mất vốn cao khi thị trường bất động sản đang suy giảm. Bên cạnh đó, các nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao là do dự phòng rủi ro chưa được trích lập đầy đủ, chưa tương xứng với mức độ rủi ro; xuất hiện nhóm lợi ích và vấn đề sở hữu chéo giữa các tổ chức tài chính tín dụng đang chiếm tỷ lệ lớn, làm cho tính lệ thuộc lẫn nhau giữa các tổ chức tài chính tín dụng và rủi ro hệ thống tăng cao.

Các chuyên gia cho rằng, hiện tại tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng cầu giảm đang làm cho tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng bị chậm lại do DN gặp nhiều khó khăn, không trả được nợ, vì thế tỷ lệ nợ xấu đang có nguy cơ tăng cao trở lại.
 
Đứng trước thực trạng đó, Việt Nam đã chú trọng đưa ra nhiều giải pháp xử lý nợ xấu thông qua các biện pháp như: gán nợ, cơ cấu lại nợ, dùng dự phòng rủi ro để lý, đưa nợ xấu ra hạch toán ngoại bảng; xử lý tài sản bảo đảm, đòi nợ người bảo lãnh. Theo đó, trong thời gian qua, các tổ chức tài chính, tín dụng đã thực hiện việc bán nợ cho Công ty VAMC và Công ty DATC để xử lý các khoản nợ tồn đọng của DN. Đến nay, tỷ lệ nợ xấu đã giảm đáng kể, tính đến cuối 2013 nợ xấu của các tổ chức tài chính tín dụng Việt Nam còn 142,27 nghìn tỷ đồng, bằng 4,64% tổng dư nợ.
 
Kinh nghiệm của Trung Quốc 
 
Chia sẻ kinh nghiệm, GS. Hàn Hiểu Minh đến từ Viện nghiên cứu khoa học tài chính Trung Quốc cho biết, hệ thống tài chính của Trung Quốc cũng tương đồng với hệ thống của Việt Nam; cũng trải qua các thời kỳ phát triển, tăng trưởng nóng để rồi đi đến khi nền kinh tế chịu tác động làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các khách hàng lớn là DN, từ đó kéo theo hệ lụy làm tăng tỷ lệ nợ xấu trong hầu hết các tổ chức tài chính tín dụng. Đỉnh điểm nhất phải kể đến là vào năm 1999, tỷ lệ nợ xấu của Trung Quốc đã lên tới đỉnh điểm khi có tới 2.549 tỷ Nhân dân tệ nợ xấu. 
 
Vì thế, vào năm 1999, Trung Quốc đã phải cùng lúc thành lập 4 công ty quản lý tài sản - AMC với nhiệm vụ tiếp nhận 1.390,9 tỷ nhân dân tệ tiền nợ xấu của 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất để tiến hành xử lý. Các công ty này là DNNN độc lập hoạt động theo Luật Công ty do Bộ Tài chính bỏ vốn thành lập. Sau khi đi vào hoạt động, các AMC tiến hành tái vay vốn, phát hành trái phiếu để có nguồn tài chính xử lý nợ xấu theo phương thức thương mại hóa thu mua tài sản nợ xấu từ các ngân hàng, các tổn thất do hình thành từ tài sản nợ xấu mang lại thì AMC phải tự chịu trách nhiệm.

Chức năng nhiệm vụ của các AMC khá rộng, có năng lực nghiệp vụ đầu tư ngân hàng, kết hợp với vận dụng các thủ pháp thị trường hóa như: đôn đốc hoàn nợ, nợ chuyển thành cổ phần, chuyển nhượng tài sản, tái cơ cấu tài sản, cho thuê tài sản, chứng khoán hóa tài sản... để tiến hành xử lý các khoản nợ xấu.
 
Đối với mô hình AMC, một trong những nghiệp vụ rất quan trọng là chuyển nợ thành cổ phần, đây là biện pháp đặc thù của Trung Quốc hiện nay trong mô hình xử lý nợ xấu. Theo đó, bước đầu tiên là các ngân hàng đem nợ của DN với ngân hàng chuyển thành nợ của AMC; sau đó từ nợ của AMC thông qua các biện pháp xử lý, thỏa thuận để rồi chuyển thành cổ phần của AMC tại chính DN khách nợ.

Ngoài phương pháp đó, các AMC sẽ tiến hành chuyển nhượng tài sản theo hình thức bán đấu giá, mời thầu trong và ngoài nước, cạnh tranh giá chuyển nhượng, chuyển nhượng thỏa thuận, chuyển nhượng trọn gói, bán ủy thác. Đây là một trong các phương thức chủ yếu của AMC đối với khối lượng tài sản nợ xấu. Bên cạnh đó, các AMC còn tiến hành cho thuê tài sản, bao gồm các tài sản cầm cố nợ của bên cho vay thu mua, bên cho vay được hưởng quyền xử lý tài sản theo quy định.
 
GS. Hàn Hiểu Minh và các chuyên gia tài chính đến từ Trung Quốc cho biết, với mô hình và chức năng hoạt động của AMC, sau một thời gian hoạt động đã mang lại hiệu quả khá tốt, đã góp phần cải cách hiện đại hóa các ngân hàng được tái cơ cấu xử lý nợ xấu; tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý hoàn thiện giám sát tài chính, điều tiết nợ xấu; thúc đẩy ưu việt hóa tài sản của DN và phân bổ tài chính hợp lý; cơ cấu lại tài sản của các DNNN; giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước thông qua việc bán cổ phần chuyển nợ cho các nhà đầu tư khác một cách khá thành công.