Xử lý nợ xấu: Việt Nam đang đi theo kinh nghiệm quốc tế

Theo Thời báo Ngân hàng

Các nhà nghiên cứu cho rằng, để xử lý nợ xấu (XLNX), Việt Nam không nên theo đuổi một phương án ngắn hạn mà quy trình này cần được thực hiện theo từng bước bài bản, trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm quốc tế.

 Xử lý nợ xấu: Việt Nam đang đi theo kinh nghiệm quốc tế
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Lộ trình đúng hướng

Tiến trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đang được Chính phủ và NHNN Việt Nam thúc đẩy quyết liệt. Trong đó, XLNX là một trong những ưu tiên hàng đầu. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã tích cực và chủ động đưa ra nhiều biện pháp để hóa giải vấn đề này. Đặc biệt, từ đầu năm 2013 đến nay, chúng ta đang thấy ngày càng rõ nét hơn về lộ trình XLNX bài bản của NHNN.

Về cơ bản, có thể thấy lộ trình này được xây dựng dựa trên các thông lệ và kinh nghiệm quốc tế (nhất là từ những cách thức mà nhiều nước trong khu vực đã tiến hành để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính khu vực châu Á những năm 1997 – 1998), trên cơ sở phù hợp với những điều kiện đặc thù của hệ thống tài chính – ngân hàng Việt Nam.

Câu chuyện nợ xấu trở lên nóng bỏng cùng với trọng tâm tái cấu trúc hệ thống các TCTD được Chính phủ đặt ra. Trong khoảng hơn một năm trở lại đây, rất nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức nhằm “thu nạp” những quan điểm, kinh nghiệm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, trong đó có vấn đề XLNX theo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Trong khi nhiều người trong giới chuyên gia tỏ ra bình thản với tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và XLNX (vì họ hiểu quá trình này vô cùng phức tạp), thì thị trường và các nhà đầu tư dường như lại “suốt ruột” hơn, khi cho rằng nhiều vấn đề liên quan đến XLNX vẫn chưa rõ ràng và những tiến triển đạt được là quá ít và chậm. Tuy nhiên, điểm chung trong các quan điểm và dư luận đều cho rằng, việc XLNX của Việt Nam hiện nay là cần thiết và cần thúc đẩy quyết liệt.Theo kinh nghiệm của nhiều nước, việc XLNX trong tình huống rơi vào khủng hoảng hoặc tỷ lệ nợ xấu quá cao sẽ dẫn đến những tốn kém rất lớn về chi phí và thời gian. Tuy nhiên thuận lợi của Việt Nam là hệ thống các TCTD vẫn đang hoạt động rất ổn định.

“Dựa trên kinh nghiệm của các nước khác trong khủng hoảng tài chính châu Á, chúng tôi tin rằng vấn đề nợ xấu của Việt Nam có thể kiểm soát được, miễn là không vượt quá 20%”, Báo cáo mới cập nhật của Nhóm nghiên cứu toàn cầu - Ngân hàng Standard Chartered về kinh tế vĩ mô Việt Nam nhận định.

Trong các kịch bản về nợ xấu mà Nhóm nghiên cứu này đưa ra với Việt Nam, nếu trong trường hợp xấu nhất là mức nợ xấu lên tới 20%, tổng dư nợ, thì chi phí tái cấp vốn chỉ ở mức 14,9% GDP. Trong khi đó tại Thái Lan trong quá khứ, con số này lên tới 34% GDP.

Nợ xấu sẽ từng bước được giải quyết

Các tác giả báo cáo này cũng cho rằng, để XLNX, Việt Nam không nên theo đuổi một phương án ngắn hạn mà quy trình này cần được thực hiện theo từng bước bài bản, trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm quốc tế. Trong đó không thể thiếu những bước quan trọng gồm: Ghi nhận nợ xấu; Trích lập dự phòng rủi ro (DPRR); Triển khai và tăng cường công tác quản trị; Sử dụng các kênh và nguồn lực để giải quyết nợ xấu; Xác định khung thời gian cho XLNX... Đây cũng là những bước đi và biện pháp được các chuyên gia trong và ngoài nước nhắc đến.

Thực tế, các bước đi này đã và đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cụ thể hóa trong thời gian qua. Ví dụ, về ghi nhận nợ xấu, NHNN gần đây đã thường xuyên cập nhật về con số nợ xấu của hệ thống. Đồng thời, công tác phân loại tài sản có, trích lập DPRR cũng được chỉnh sửa tiệm cận dần với thông lệ quốc tế, thể hiện qua Thông tư 02/2013/TT-NHNN ban hành tháng 1 vừa qua. Mức trích lập DPRR trên toàn hệ thống đã tăng đáng kể trong thời gian qua.

Standard Chartered nêu ra một số kênh để XLNX như: Các TCTD tự xóa nợ xấu; Cứu trợ từ ngân sách; Thành lập công ty quản lý tài sản (AMC); Thu hút vốn từ nước ngoài... Tại Việt Nam, các kênh khả thi nhất hiện nay là một mặt thúc đẩy các TCTD tự XLNX; đồng thời khẩn trương thành lập VAMC.

Hiện NHNN đã trình Chính phủ đề án thành lập Công ty này và dự kiến sẽ sớm được thông qua trong thời gian ngắn sắp tới để đáp ứng yêu cầu xử lý nhanh, có hiệu quả và bền vững nợ xấu của các TCTD, hướng đến thực hiện thành công mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015, đồng thời phấn đấu giảm nợ xấu của hệ thống các TCTD về mức an toàn (không quá 3%). Để XLNX trên bình diện cả hệ thống, sự cần thiết của một mô hình công ty AMC đã được chứng minh thành công ở một số quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia.

Theo TS. Alan Phạm - Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, sau khi VAMC được thiết lập, cần nhanh chóng công bố một lộ trình rõ, minh bạch về các bước tiếp theo như 6 tháng tới sẽ làm những việc gì; 6 tháng tiếp theo sẽ phải làm được những gì. “Chính phủ nên có những cột mốc để giải quyết được dứt điểm các vấn đề từ nay đến năm 2015. Nếu cần có thể giãn thêm thời hạn tới 2016, nhưng vấn đề là phải có lộ trình hành động rõ ràng, tránh việc chỉ đề cập cho có”, chuyên gia này nhìn nhận.

Một kênh khác cũng có thể hỗ trợ tốt cho quá trình tái cấu trúc TCTD cũng như XLNX là thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, theo TS. Alan Phạm, nếu room sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các TCTD trong nước có thể nâng lên mức 40% - 49% thì chắc sẽ thu hút được sự quan tâm của dòng vốn này.

“Các nhà đầu tư nước ngoài không muốn chỉ là nhà đầu tư thụ động, tức là chỉ nắm quyền sở hữu cổ phiếu tại ngân hàng đó. Họ cũng muốn có chân trong Hội đồng Quản trị và tham gia vào quá trình quản trị rủi ro ở ngân hàng mà họ quyết định đầu tư”, TS. Alan Phạm lý giải.

Hiện NHNN đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các NHTM Việt Nam theo hướng nâng room cho đối tượng này. Hy vọng, khi Nghị định này chính thức có hiệu lực sẽ là một hành lang điều tiết quan trọng, qua đó giúp thu hút được sự quan tâm thực sự của các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng nội địa.