Thông tin bất cân xứng trong thực hiện thủ tục hải quan

Trong thực hiện thủ tục hải quan, các chủ thể thực hiện các tác nghiệp trên cơ sở quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm theo Luật Hải quan. Các hoạt động tác nghiệp này diễn ra giữa cơ quan hải quan và người khai hải quan, giữa cơ quan hải quan với công chức hải quan, giữa cơ quan hải quan và các bên liên quan. Các chủ thể tham gia thực hiện thủ tục hải quan đều có những thông tin nhất định về đối tượng là hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Tuy nhiên, thông tin mà các chủ thể có được thường bất cân xứng.

Thông tin bất cân xứng là trạng thái bất cân bằng trong cơ cấu thông tin - giữa các chủ thể giao dịch có mức độ nắm giữ thông tin không ngang nhau. Hiện tượng này có thể xảy ra: Lựa chọn đối nghịch; Rủi ro đạo đức; Người ủy quyền.

Lựa chọn đối nghịch: Cơ quan hải quan nhận thức có sự tồn tại của thông tin bấn cân xứng và hậu quả như gian lận thuế, vi phạm pháp luật hải quan có thể xảy ra. Vì vậy, việc tăng cường các thủ tục hải quan trong khai báo, thủ tục kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu và phương tiên vận tải thường được áp dụng. Điều này dẫn đến sự gia tăng chi phí tuân thủ của người khai hải quan (chi phí thời gian, tài chính, nhân lực). Nếu trong môi trường pháp luật kém nghiêm minh thì sẽ thúc đẩy người khai hải quan trốn tránh khai báo và có thể thực hiện hành vi buôn lậu. Bên cạnh đó, giải pháp này không phân biệt được người khai hải quan có mức độ tuân tốt pháp luật hải quan với các người khai có mức độ tuân thủ kém. Vì thế, một số chủ thể tuân thủ tốt pháp luật sẽ rời bỏ hoạt động tác nghiệp vì sự gia tăng chi phí tuân thủ.

Rủi ro đạo đức: Người khai hải quan thường nắm giữ thông tin nhiều hơn cơ quan hải quan về hàng hóa xuất nhập khẩu (thông tin về giá cả giao dịch, mô tả hàng hóa, chi phí bảo hiểm, chi phí vận chuyển, nội dung hợp đồng thương mại quốc tế…) và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh. Trong bối cảnh này, người khai hải quan dễ có động cơ, hành vi trục lợi, chủ nghĩa cơ hội để tổ chức và thực hiện hành vi gian lận thuế. Khi mà năng lực quản lý hải quan không cao và tính nghiêm minh, tính thực thi pháp luật hải quan còn hạn chế thì sẽ là điều kiện thuận lợi cho “rủi ro đạo đức” gia tăng.

Người ủy quyền: Tồn tại chủ yếu trong mối quan hệ giữa cơ quan hải quan và công chức hải quan. Công chức hải quan được ủy quyền và chủ động thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý hải quan và thực hiện các tác nghiệp của quy trình thủ tục hải quan. Thực tế, công chức hải quan nắm giữ thông tin về các bên liên quan và về đối tượng bị kiểm tra nhiều hơn cơ quan hải quan. Trong môi trường quản lý kém hiệu quả, tính liêm chính và chuyên nghiệp không cao thì dễ dẫn đến hiện tượng công chức hải quan thông đồng với người khai hải quan để trục lợi và vi phạm pháp luật hải quan.

Thông tin bất cân xứng và các hậu quả

Quá trình cải cách và hiện đại hóa hải quan Việt Nam được triển khai mạnh mẽ từ năm 2005, theo các chuẩn mực của Công ước Kyoto sửa đổi 1999 “Đơn giản hóa, hài hòa hóa thủ tục hải quan”. Theo đó, Công ước khuyến nghị áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong thực hiện quy trình thủ tục hải quan tại các Chuẩn mực 6.3: Trong thực hiện kiểm tra hải quan, hải quan nên sử dụng phương pháp quản lý rủi ro; Chuẩn mực 6.4: Hải quan nên sử dụng phân tích rủi ro để xác định hành khách, hàng hóa, bao gồm cả phương tiện vận tải nên được kiểm tra và áp dụng mức độ kiểm tra; Chuẩn mực 6.5: Hải quan nên áp dụng chiến lược đo lường tính tuân thủ để hỗ trợ cho quản lý rủi ro.

Như vậy, một bộ phận hàng hóa xuất, nhập khẩu và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh sẽ được áp dụng chế độ miễn kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế trong quá trình thông quan (hàng hóa thuộc luồng xanh). Trong bối cảnh này thì còn tồn tại những kẽ hở mà người khai hải quan tìm cách trục lợi và hậu quả rủi ro đạo đức có thể xảy ra. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 30/06/2014, trong tổng số 993.798 tờ khai điện tử khai qua hệ thống VNACCS/VCIS tại 34 cục hải quan thì có khoảng 508.825 tờ khai luồng xanh (51,2%), 389.511 tờ khai luồng vàng (39,1%) và 95.462 tờ khai luồng đỏ (9,7%). Trong khi đó, trước năm 2005, số tờ khai luồng đỏ chiếm 100%.

Bên cạnh đó, việc triển khai điều 7 Hiệp định trị giá GATT 1994, trị giá tính thuế hàng nhập khẩu được xác định chủ yếu dựa trên phương pháp trị giá giao dịch. Trị giá hải quan phụ thuộc nhiều vào trị giá giao dịch trên thị trường và các các khoản điều chỉnh (chi phí vận tải, chi phí bảo hiểm, hoa hồng đại lý bán hàng, tiền bản quyền, phí giấy phép). Mối quan hệ đặc biệt giữa người mua và người bán sẽ có xu hướng bóp méo giá giao dịch và có thể làm sai lệch trị giá khai báo. Hiện tượng trục lợi của người khai hải quan trong gian lận trị giá hải quan (hậu quả rủi ro đạo đức) và sự thông đồng giữa công chức hải quan và người khai hải quan để cấu kết gian lận trị giá (hậu quả người ủy quyền) có xu hướng tăng lên.

Trên thực tế, các hình thức gian lận thuế diễn biến phức tạp tại nhiều địa bàn và tập trung vào nhiều loại hàng hóa, nguyên liệu khác nhau. Trong 6 tháng đầu năm 2014, Tổng cục Hải quan đã phát hiện nhiều vụ gian lận thuế thông qua một số hình thức chủ yếu như: hoạt động kinh doanh nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu và gia công cho thương nhân nước ngoài, loại hình ưu đãi đầu tư; hàng xuất nhập khẩu là thuốc tân dược và thiết bị y tế. Tổng cục cũng đã triển khai thực hiện 17 cuộc thanh tra chuyên ngành. Tổng số tiền kiến nghị truy thu là 2.500 triệu đồng, đã thu nộp NSNN 11.899 triệu đồng (bao gồm thu từ số kiến nghị của năm trước) và Cục Kiểm tra sau thông quan đã kết thúc kiểm tra sau thông quan là 660 cuộc, truy thu 210,3 tỷ đồng (bằng 69% cùng kỳ năm 2013), trong đó bao gồm 17,1 tỷ đồng tiền phạt vi phạm hành chính, phạt chậm nộp; đã thực thu vào NSNN (bao gồm cả thu nợ từ những năm trước) 184,1 tỷ đồng (bằng 72% cùng kỳ năm 2013), trong đó bao gồm 32,6 tỷ đồng tiền phạt vi phạm hành chính, phạt chậm nộp.

Theo thống kê đến 30/06/2014, trong tổng số 993.798 tờ khai điện tử khai qua hệ thống VNACCS/VCIS tại 34 cục hải quan thì có khoảng 508.825 tờ khai luồng xanh (51,2%), 389.511 tờ khai luồng vàng (39,1%) và 95.462 tờ khai luồng đỏ (9,7%). Trong khi đó, trước năm 2005, số tờ khai luồng đỏ chiếm 100%.

Giải pháp xử lý thông tin bất cân xứng trong thủ tục hải quan

Ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những khuyến nghị quan trọng và then chốt trong hiện đại hóa hải quan. Công ước Kyoto sửa đổi 1999 đã quy định tại các chuẩn mực 7.1, 7.2, 7.3 và 7.4 của chương 7, Phụ lục tổng quát nhằm định hướng việc áp dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa thủ tục hải quan tại các nước thành viên.

Xem xét cơ sở pháp lý trong nước thấy rằng việc áp dụng công nghệ thông tin đã được quy định tại Luật hải quan và Luật quản lý thuế, cụ thể: tại điều 8, điều 22 và điều 28 của Luật Hải quan số 42/2005/ QH11; tại khoản 3, khoản 22 điều 4, điều 8, điều 20, điều 30 và điều 42 của Luật Hải quan số 54/2014/ QH13; tại điều 19 của Luật Quản lý thuế số 78/2006/ QH11 và tại điều 4, điều 7 và điều 19 của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13. Nội dung các điều luật hướng tới ứng dụng khai hải quan điện tử, hồ sơ hải quan điện tử, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật trao đổi dữ liệu điện tử, giá trị pháp lý của chứng từ điện tử trong việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia…

Việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp cơ quan hải quan kết nối nhanh với bên liên quan (các bộ ban ngành, cơ quan thuế, Kho bạc Nhà nước, cảng vụ, hãng vận chuyển, ngân hàng thương mại và hải quan quốc tế) đề có thêm thông tin so sánh, đối chiếu với thông tin khai báo của người khai hải quan. Bên cạnh đó, với tờ khai hải quan điện tử và bộ hồ sơ hải quan điện tử, cơ quan hải quan hoàn thiện dữ liệu về doanh nghiệp khai hải quan để làm cơ sở áp dụng hiệu quả phần mềm quản lý rủi ro, quản lý mức độ tuân thủ pháp luật cho từng doanh nghiệp.

Trên cơ sở điều tra, khảo sát 200 doanh nghiệp (DN) xuất, nhập khẩu và 75 công chức hải quan tại các cục hải quan: Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, kết quả cho thấy 85% số phiếu cho rằng có hiện tượng thông tin bất cân xứng và người khai hải quan nắm giữ nhiều thông tin hơn cơ quan hải quan; 100% số phiếu lựa chọn việc triển khai hệ thống VNACCS/VCIS thì hiện tượng bất cân xứng thông tin được giảm xuống. Kết quả này khá phù hợp so với lý luận nêu ra.

Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai công nghệ thông tin trong hiện đại hóa hải quan vẫn còn nhiều tồn tại như sau:

Một là, mặc dù hệ thống VNACCS/VCIS đã chính thức triển khai từ ngày 1/4/2014, khai điện tử trên phạm vi 42.700 DN với kim ngạch xuất, nhập khẩu khoảng 103,3 tỷ USD, tuy nhiên, công tác thiết lập hồ sơ thông tin doanh nghiệp xuất, nhập khẩu mới được triển khai theo chương trình của Ban quản lý rủi ro và tiến độ còn rất chậm. Mặt khác, sự chia sẻ thông tin về doanh nghiệp giữa các bộ phận chức năng như: Cục Kiểm tra sau thông quan, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục thu thuế xuất nhập khẩu với Ban quản lý rủi ro còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa Tổng cục hải quan với Tổng cục thuế, Ngân hàng Nhà nước trong chia sẻ thông tin về doanh nghiệp, về các hoạt động kinh doanh và giao dịch thương mại vẫn còn nhiều vướng mắc cả về cơ chế phối hợp và tổ chức thực hiện. Vì thế, tình trạng thông tin bất cân xứng có được cải thiện nhưng chưa nhiều.

Hai là, việc bổ sung thông tin vào hệ thống thông tin doanh nghiệp, hệ thống xử lý vi phạm và cơ sở dữ liệu giá GT22 vẫn còn chậm do thiếu nguồn nhân lực hải quan thu thập và nhập liệu thông tin mới. Vì thế cơ quan hải quan vẫn gặp nhiều khó khăn trong ngăn chặn hiện tượng gian lận trị giá tính thuế.

Ba là, công tác quản lý rủi ro cũng gặp nhiều khó khăn trong thu thập thông tin chung về doanh nghiệp, thông tin vi phạm và quá trình đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN, mức độ rủi ro và xếp hạng rủi ro của DN. Nguyên nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng và nguồn lực tài chính. Điều này cũng ảnh hưởng tới khả năng của cơ quan hải quan trong áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ nhằm phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật hải quan.

Thông tin bất cân xứng và các hậu quả kèm theo vẫn tồn tại trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan và gây ra nhiều hành vi vi phạm pháp luật hải quan của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hiện đại hóa thủ tục hải quan và quản lý hải quan cho phép hạn chế thông tin bất cân xứng và các hậu quả của nó. Để ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong hiện đại hóa hải quan, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Ban quản lý rủi ro cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Cục Kiểm tra sau thông quan, với các cục hải quan địa phương nhanh chóng thu thập thông tin nhằm hoàn thiện việc xây dựng hồ sơ của các DN xuất, nhập khẩu, hồ sơ vi phạm hành chính của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khai thác hiệu quả thông tin từ các bên liên quan, từ các nguồn dữ liệu của Tổng cục Thuế.

Thứ hai, bộ phận quản lý rủi ro cần hoàn thiện việc xếp hạng rủi ro DN theo các hạng từ hạng 1 đến hạng 7, cũng như xếp hạng tuân thủ pháp luật của DN để làm cơ sở áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, phân luồng đối tượng kiểm tra, xác định chính xác đối tượng vi phạm pháp luật hải quan và để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN có ý thức tốt trong tuân thủ pháp luật.

Thứ ba, tiếp tục triển khai hiệu quả hiện đại hóa hải quan Việt Nam. Điều này cũng sẽ bổ sung thêm những thông tin cần thiết cho cơ quan hải quan và giảm tính bất cân xứng thông tin trong thủ tục hải quan.

Thứ tư, sử dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền nội dung pháp luật tới cộng đồng DN tham gia vào hoạt động xuất, nhập khẩu để vừa giáo dục họ và vừa răn đe không nên có hành vi trục lợi, gian lận thuế cũng như không thông đồng với công chức hải quan vi phạm pháp luật hải quan.

Thứ năm, bên cạnh việc tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thì đồng thời tăng cường hệ thống phần mềm quản lý rủi ro, quản lý trị giá GT22 và phần mềm quản lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, cần tăng cường đào tạo cán bộ hải quan trong thu thập, cập nhật, xử lý, lưu trữ thông tin đối với hồ sơ thông tin chung của DN cũng như tập huấn, nâng cao tính chuyên nghiệp của công chức hải quan nhằm hạn hành vi thông đồng với doanh nghiệp gian lận thuế, vi phạm Luật Hải quan 2014.

Tài liệu tham khảo

1. ThS. Nguyễn Bằng Thắng: Thủ tục hải quan điện tử trong bối cảnh áp dụng các chuẩn mực hải quan hiện đại, Tạp chí Tài chính số 8/2013;

2. Tổng cục Hải quan (2014), Các văn bản hướng dẫn áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan;

3. Thủ tướng chính phủ (2011), Quyết định số 448/2011/ QĐ-TTg Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020.

Xử lý thông tin bất cân xứng trong thực hiện thủ tục hải quan

TS. VŨ DUY NGUYÊN - Học viện Tài chính

(Tài chính) Thông tin bất cân xứng luôn tồn tại trong các hoạt động hải quan và có tác động tiêu cực ngày càng gia tăng trong bối cảnh ngành Hải quan đẩy mạnh hiện đại hóa. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hải quan được nhận định là một giải pháp hữu hiệu nhất đế xử lý thông tin bất cân xứng và đảm bảo thực hiện các mục tiêu của chương trình hiện đại hóa hải quan.

Xem thêm

Video nổi bật