Xử lý tồn kho: Không thể chủ quan

Minh Ngọc (chinhphu.vn)

Tốc độ tăng tồn kho của công nghiệp chế biến, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP, đã liên tục chậm lại. Điều này cho thấy sự tích cực trong giải quyết một trong những điểm nghẽn hiện nay. Tuy nhiên, việc phân tích sâu số liệu tồn kho chưa cho phép cơ quan chức năng chủ quan và vẫn cần những biện pháp mạnh để giải phóng tồn kho.

Xử lý tồn kho: Không thể chủ quan
Giải quyết hàng tồn kho - vấn đề quan trọng trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nguyên nhân quan trọng khiến tồn kho giảm là nhờ tăng trưởng kinh tế tăng cao hơn qua từng quý, làm tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm theo dây chuyền.

Dấu hiệu tích cực

Tính đến ngày 1/10/2012, so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng của một số ngành công nghiệp chế biến thấp hơn, thậm chí giảm như thiết bị truyền thông (giảm 67,5%), đường (giảm 54,2%), điện tử dân dụng (giảm 13,1%), bê tông và sản phẩm từ xi măng (giảm 10,5%), cấu kiện kim loại (giảm 9,8%), sữa và các sản phẩm từ sữa (giảm 7,1%)...

Xử lý tồn kho: Không thể chủ quan - Ảnh 1

Tốc độ tăng tồn kho của công nghiệp chế biến (%). Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Tồn kho nông lâm sản, thuỷ sản, một số sản phẩm bất động sản giảm giá phù hợp với nhu cầu thực dùng của dân cư giảm. Tích trữ vàng và ngoại tệ trong dân, tồn đọng vốn ở ngân hàng thương mại... cũng đã giảm nhiều hoặc giảm một phần.

Như vậy, điểm nghẽn thứ nhất là tồn kho đã bớt căng thẳng, tạo tiền đề giảm căng thẳng của điểm nghẽn thứ hai là nợ xấu. Theo thực tế trong nhiều năm qua và với xu hướng tăng chậm lại trong mấy tháng qua, khả năng tốc độ tăng tồn kho trong cho tới tháng 3/2013 sẽ tiếp tục chậm lại.

Tốc độ tăng tồn kho chậm lại do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do tổng cầu giảm trong quá trình kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, cộng với các biện pháp mạnh của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng hợp lý.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư nhà nước cũng tăng lên trong mấy tháng vừa qua, bình quân gần 12,3 nghìn tỷ đồng/tháng trong 4 tháng đầu năm, trong 6 tháng tiếp theo tăng lên 19,8 nghìn tỷ đồng/tháng, riêng tháng 10 là 22,3 nghìn tỷ đồng.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố tăng giá trong 10 tháng đã cao hơn các tháng trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, hầu hết là nhờ tăng số lượng, đặc biệt các loại nông lâm và thuỷ sản.

Tốc độ tăng dư nợ tín dụng cũng được cải thiện, nếu trong 7 tháng đầu năm giảm, nhưng 3 tháng trở lại đây tăng 1%/tháng. Theo ước tính cả năm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIII, tốc độ tăng dự nợ tín dụng khoảng 5%, cộng với tăng gián tiếp qua mua trái phiếu Chính phủ sẽ đạt 10%. Nợ xấu bước đầu được xử lý một phần bằng dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại.

Không thể chủ quan

Dấu hiệu tích cực về tồn kho vẫn cần thêm sự thận trọng và các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ vì nhiều lý do. Đầu tiên, tốc độ tăng tồn kho chung đã chậm lại nhưng tồn kho của một số ngành vẫn tăng cao. Tốc độ tăng tồn kho chung của công nghiệp chế biến vào 1/10/2012 so với cùng kỳ năm trước là 20,3% nhưng một số ngành lại tăng cao như nhựa (56,5%), phân bón (56,1%), xi măng (53,1%), may mặc (48,3%), sắt thép (38,8%), pin và ắc quy (36%), bia (35,2%), thuốc lá (33,4%), thức ăn chăn nuôi (32,5%), thủy sản (23,9%), giày dép (23,1%)...

Đây là một trong những nguyên nhân làm chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 10 tháng chỉ tăng 4,5%, thấp hơn tốc độ tăng GDP. Trong đó, IIP của công nghiệp chế biến tăng thấp hơn IIP của toàn ngành công nghiệp (3,8% so với 4,5%). Thêm vào đó, tồn kho bất động sản nhìn chung vẫn cao.

Thứ hai, tốc độ tăng tồn kho chậm lại nhưng mức tăng tồn kho theo giá trị tuyệt đối vẫn còn cao.

Thứ ba, trong các nguyên nhân làm cho tốc độ tăng tồn kho chậm lại đáng lưu ý là tuy tăng trưởng kinh tế trong năm nay cao dần nhưng cả năm vẫn thấp. Nói cách khác, tăng trưởng kinh tế chậm lại đã làm tốc độ tăng tồn kho chậm lại. Đây không phải là yếu tố tích cực.

Thứ tư, nông thôn chiếm tới 70% dân số cả nước với sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Trong khi đó, sản lượng nông nghiệp tăng nhưng giá bán tăng thấp, thậm chí giảm, ảnh hưởng tới sức mua có khả năng thanh toán của nông dân. Ngoài ra, thu nhập của tầng lớp khác cũng tăng chậm do khó khăn kinh tế, một bộ phận dân cư có tâm lý tiết giảm tiêu dùng (tăng trưởng tiết kiệm hiện ở mức 14%)…

Thứ năm, tăng trưởng sản xuất kinh doanh thấp, tồn kho cao nhưng khó sử dụng biện pháp kích cầu tiêu dùng bởi “đụng trần” mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh sắp đến Tết Dương lịch và Âm lịch.