Xu thế tích cực đang nhen nhóm

Theo thesaigontimes.vn

(Tài chính) Không thể có gói kích cầu nào dù các doanh nghiệp và nền kinh tế rất khó khăn. Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành trao đổi về các vấn đề kinh tế và tình trạng sức khỏe của các doanh nghiệp hiện nay.

PV: Các số liệu thống kê chính thức cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp "chết" là đáng lo lắng, song cũng có nhiều ý kiến ngược lại. Quan điểm của ông thế nào?

Xu thế tích cực đang nhen nhóm - Ảnh 1
Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương
 Võ Trí Thành
Ông Võ Trí Thành: Tình hình khó khăn chung mà các doanh nghiệp đang đối mặt là thực tế. Nhưng, khó khăn cụ thể như thế nào thì phải phân tích theo ngành. Những doanh nghiệp khó khăn phần lớn là liên quan đến sản xuất hàng tiêu dùng trong nước, bất động sản (BĐS), và xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, nếu đi vào chi tiết, các doanh nghiệp liên quan đến BĐS lại có hai loại. Thứ nhất là các doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến BĐS, họ thực sự rất khó khăn, và các doanh nghiệp cung cấp đầu vào cho bất động sản cũng khó khăn theo. Nhưng cũng có các doanh nghiệp cung cấp đầu vào lại làm ăn được, vì họ liên quan đến các kết cấu hạ tầng, ví dụ đường cao tốc, hay làm cầu vượt,…

Trong bối cảnh đó, bản thân tôi thấy các yếu tố tích cực đang được nhen nhóm. Đó là cách làm ăn giờ đây đang theo xu hướng thực hơn, doanh nghiệp phải suy tính hơn. Chứ trước đây phần nhiều là đánh quả do cung tiền ra nhiều dẫn đến đầu cơ.

Đến bây giờ cuộc tranh luận về kích hay không kích cầu nền kinh tế dường như vẫn tiếp tục. Điều này cụ thể như thế nào, thưa ông?

Trước bức tranh kinh tế vĩ mô hiện nay từng có 2 luồng quan điểm. Có luồng ý kiến cần kích cầu ồ ạt. Tuy nhiên, tôi khẳng định luồng ý kiến này giờ đã bị lép vế vì nguy cơ sẽ tạo ra rủi ro cao về thông điệp, và tác động chính sách.

Nhóm chúng tôi vẫn kiến nghị Chính phủ, rằng cần rất thận trọng. Thành tựu vĩ mô đã đạt được là giá trị phải giữ. Hơn nữa, để đảm bảo tính nhất quán của chính sách, thì không thể lơi lỏng được. Mặt khác bất ổn vĩ mô, lạm phát vẫn hiện hữu. Nghị quyết 01, 02 cho thấy, Chính phủ kiên quyết làm triệt để cùng các biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô.

Vậy câu chuyện gói 30.000 tỉ đồng cho BĐS, và dự kiến phát hành thêm trái phiếu là như thế nào?

 Hiện nay có 2 hướng đang cần bàn thêm. Thứ nhất là làm sao có thể chấp nhận mức thâm hụt ngân sách thêm một chút để có vốn đối ứng cho các dự án ODA; và hai là xem xét phát hành thêm trái phiếu Chính phủ. Chúng tôi có đề nghị, ví dụ làm quốc lộ 1 và 14 cần khoảng hơn 17.000 tỉ đồng, và cho 4 tỉnh cần thêm 20.000 tỉ đồng nữa. Nên có những khoản bổ sung để làm kết cấu hạ tầng nông thôn.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng rút vốn khỏi doanh nghiệp nhà nước, tức là bán bớt tài sản doanh nghiệp nhà nước để có thêm nguồn lực nhằm giải quyết các vấn đề cải cách cơ cấu, đầu tư sao cho đảm bảo tính hiệu quả hơn. Tóm lại, tình hình chung là vẫn kiên trì thực hiện Nghị quyết 02, để là ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng có thêm vài giải pháp bổ sung. Về trung hạn, vẫn phải tiếp tục chương trình ổn định vĩ mô, phục hồi kinh tế, và phải gắn với tái cấu trúc kinh tế.

Vì sao cũng có nhiều chuyên gia vẫn tích cực cổ vũ cho thúc đẩy tăng trưởng?

Tôi biết là nhiều người từng yêu cầu thúc đẩy quyết liệt, song gần đây có vẻ mềm mại hơn. Theo nghĩa nhỏ thì gói 30.000 tỉ đồng cũng là kích rồi, còn gói lớn như năm 2009 thì không có đâu. Tôi khẳng định như thế.

Gói kích cầu được tuyên bố lên đến 8 tỉ đô la Mỹ năm 2009 đã để lại quá nhiều hệ lụy. Vì sao lại có gói đó, ông còn nhớ không?

Lúc đó có mấy yếu tố.

Thứ nhất,
nước nào cũng làm thế. Tín dụng tắc, tư nhân không đầu tư, thì Chính phủ phải đầu tư, tiêu dùng thay. Đó là xu hướng toàn cầu lúc đó.

Thứ hai, lúc bấy giờ nhiều người bảo dự trữ ngoại tệ đang có 23 tỉ đô la Mỹ. Nhiều như thế để làm gì mà không dùng trong lúc này.

Thứ ba, đã cứu thì phải cứu cho đích đáng, vì kinh tế giảm sâu. Vậy là có 7 tỉ đô la và 1 tỉ đô la Mỹ hỗ trợ lãi suất.

Lúc đó, quan điểm của tôi là cũng cứu nhưng không cứu nhiều như thế. Và quan trọng hơn, cứu phải gắn với tái cấu trúc. Hỗ trợ lãi suất chỉ 2% chứ không phải 4%, gây méo mó đạo đức, thị trường kinh khủng. Khi có gói đó ra, thị trường chứng khoán từ tháng 4 đến tháng 8/2009 vọt thẳng đứng. Nhưng hồi đó những người như chúng tôi ít có vai trò gì.

Xin cảm ơn ông!