Xuất khẩu gạo: biết mình, biết người

Theo Trung Chánh/sgtiepthi.vn

Nhiều người cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nên tìm hiểu xem thế giới đang tiêu thụ những phân khúc sản phẩm gạo nào và đâu là thế mạnh sản xuất, cung cấp của Việt Nam. Có như vậy thì chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo thời gian tới của Việt Nam mới thành công.

Theo số liệu của VFA, trong năm 2015 tổng khối lượng xuất khẩu gạo Việt Nam đạt trên 6,5 triệu tấn. Nguồn: internet
Theo số liệu của VFA, trong năm 2015 tổng khối lượng xuất khẩu gạo Việt Nam đạt trên 6,5 triệu tấn. Nguồn: internet

Nhận diện gạo thế giới

Tại hội nghị “Triển khai thực hiện chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây tại TPHCM, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết thị trường gạo thế giới được định hình dựa trên ba yếu tố là “cung, cầu và sản phẩm”. Ở đây không bàn chi tiết về góc độ cung-cầu.

Đối với chủng loại gạo được giao dịch, ông Huệ nêu câu hỏi: thế giới mua gì, bán cái gì? Ông cho biết, trước tiên phải kể đến là gạo basmati do Ấn Độ và Pakistan, hai nước xuất khẩu chính với tổng số lượng xuất khẩu loại gạo này đạt khoảng 4,9 triệu tấn. Còn với sản phẩm gạo đồ (lúa được sấy bằng hơi nước, sau đó phơi khô rồi xay xát), các nước xuất khẩu chính gồm Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Mỹ mỗi năm cung cấp khoảng 6,7 triệu tấn.

Đối với gạo thơm, các nước có khối lượng thương mại khoảng 4 triêu tấn là Việt Nam và Thái Lan. Gần đây có thêm Campuchia, nhưng quốc gia này cũng chỉ mới bắt đầu xuất khẩu nên sản lượng không lớn. “Do đó, thị trường gạo thơm hiện nay là của Việt Nam và Thái Lan”, ông Huệ nói.

Trong khi đó, với gạo nếp, theo ông Huệ, Việt Nam hiện đang là nguồn cung đứng đầu, sau đó là Thái Lan. “Gạo nếp Thái Lan có giá cả, chất lượng cao chủ yếu xuất đi các nước châu Âu, Malaysia, trong khi Việt Nam gần như chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường, trong đó lớn nhất là Trung Quốc”, ông cho biết.

Với gạo Japonica, dung lượng thị trường rơi vào khoảng một triệu tấn và nguồn cung lớn nhất là Mỹ, Úc và gần đây có Việt Nam. “Do dung lượng tiêu thụ gạo Japonica có hạn nên đến một lúc nào đó cũng sẽ bão hòa”, ông Huệ nhận xét. Trong khi đó, gạo trắng hạt dài (5, 10, 15 và 20% tấm), mỗi năm thế giới tiêu thụ khoảng 20 triệu tấn, chiếm gần 50% tổng số lượng gạo thương mại, còn lại là các loại gạo dinh dưỡng khác…

Việt Nam đang bán gạo nào?

Báo cáo tổng kết của VFA cho biết, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước đang giao dịch ở những mặt hàng chính, gồm gạo trắng cao cấp, trung bình và cấp thấp (nhóm gạo trắng hạt dài), gạo thơm các loại, gạo Japonica, gạo lứt các loại, gạo nếp, gạo tấm, gạo đồ, gạo hữu cơ và lúa. Trong đó, gạo trắng hạt dài, gạo thơm và nếp giữ vai trò quan trọng nhất.

Theo số liệu của VFA, trong năm 2015 tổng khối lượng xuất khẩu gạo Việt Nam đạt trên 6,5 triệu tấn, trong đó nhóm gạo trắng hạt dài (gồm cao cấp, trung bình và cấp thấp) đạt hơn 3,8 triệu tấn, thơm các loại đạt gần 1,5 triệu tấn và gạo nếp là gần 520.000 tấn. Bước sang năm 2016, tổng khối lượng xuất khẩu gạo Việt Nam đạt gần 4,9 triệu tấn, trong đó nhóm gạo trắng hạt dài đạt hơn 2 triệu tấn, gạo thơm các loại gần 1,4 triệu tấn và gạo nếp khoảng 1 triệu tấn.

Trong khi đó, với gạo đồ, Japonica và gạo hữu cơ, nếu như năm 2015 doanh nghiệp trong nước xuất khẩu lần lượt đạt 86.000 tấn, 66.000 tấn và 17 tấn thì sang năm 2016 cũng chỉ đạt lần lượt là 42.000 tấn, 158.000 tấn và 14 tấn.

Từ những con số xuất khẩu gạo Việt Nam như nêu trên, khi đối chiếu với gạo xuất khẩu của các nước trên thế giới, Việt Nam không thể cạnh tranh được với sản phẩm gạo đồ, gạo basmati từ của Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Mỹ.

Trong khi đó, khối lượng xuất khẩu chủng loại gạo Japonica của Việt Nam tăng mạnh, từ gần 66.000 tấn năm 2015 lên hơn 158.000 tấn năm 2016. Thế nhưng, với dự báo dung lượng thị trường thế giới chỉ rơi vào tầm khoảng 1 triệu tấn, nhiều người cho rằng nên cân nhắc kỹ việc có nên phân bổ quá nhiều “nguồn lực” vào đây hay không.

Ngược lại, với chủng loại gạo thơm, gạo trắng hạt dài và gạo nếp, Việt Nam là quốc gia có lợi thế lớn ở phân khúc này. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Intimex (Intimex Group), cho biết điều kiện sản xuất của Việt Nam rất phù hợp để phát triển.

Theo ông Nam, xét về góc độ thị trường, gạo Việt Nam không bán cho thị trường toàn cầu, mà bán cho thị trường khu vực, cụ thể ở đây là châu Á và châu Phi – hai khu vực với những quốc gia tiêu thụ nhiều sản phẩm gạo trắng hạt dài, gạo thơm và nếp của Việt Nam. Đó là các nước như Trung Quốc, Philippines, Bangladesh, Malaysia, Ghana, Bờ Biển Ngà…

Từ những số liệu nêu trên, những người trong ngành cho rằng chiến lược xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tương lai có lẽ nên hướng vào khai thác tốt hơn nữa những phân khúc sản phẩm và thị trường là thế mạnh hiện nay của Việt Nam, cả về sản xuất lẫn xuất khẩu, không nên đi vào cạnh tranh với phân khúc sản phẩm là thế mạnh của đối thủ như gạo đồ hay gạo basmati của Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan.