Xuất khẩu ở Việt Nam và vấn đề đặt ra

Theo dangcongsan.vn

(Tài chính) Thực tiễn cho thấy, xuất khẩu đã trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa luôn duy trì ở mức cao. Tuy vậy, xuất khẩu cũng đang phải đối mặt với những khó khăn như rào cản thương mại; sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với hàng hóa của các nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tuy nền kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa luôn duy trì ở mức cao gấp trên 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Tiếp tục xuất siêu

Theo số liệu của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2011 - 2014, xuất khẩu hàng hóa đạt nhịp độ tăng bình quân trên 19,4%/năm, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra (mục tiêu đề ra là 12%/năm); kim ngạch tăng từ 96,9 tỉ USD vào năm 2011 lên khoảng 150 tỉ USD vào năm 2014. Đặc biệt, trong các năm 2011 - 2013, mặc dù cầu trên thị trường thế giới giảm do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn tăng 22,3%/năm.
Điểm đáng chú ý, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, từng bước đã giảm được hàm lượng xuất khẩu dạng thô sang tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Tỷ trọng nhóm hàng nông sản, thủy sản giảm từ 20,4% năm 2011 xuống còn khoảng 14% năm 2014. Tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 11,6% năm 2011 xuống còn khoảng 6,2% năm 2014. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng mạnh từ 61,2% năm 2011 lên 74,1% năm 2014.

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu được mở rộng, tập trung cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2014 có khoảng 24 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 86% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ...

Tốc độ nhập khẩu tuy có tăng, nhưng tốc độ tăng thấp hơn tốc độ tăng của xuất khẩu. Nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng bình quân 14,6%/năm trong giai đoạn 2011 - 2014; kim ngạch nhập khẩu tăng từ 106,75 tỉ USD năm 2011 lên khoảng 148 tỉ USD vào năm 2014. Nhờ xuất khẩu tăng nhanh hơn nhập khẩu, cán cân thương mại đã được cải thiện rõ rệt và chuyển từ trạng thái thâm hụt lớn trong giai đoạn 2006 - 2011 (mức thâm hụt cao nhất là trên 18 tỉ USD vào năm 2008 và luôn giữ ở mức trên 12 tỷ USD trong 4 năm 2007-2010) sang trạng thái thặng dư. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2012 Việt Nam xuất siêu 284 triệu USD và là năm đầu tiên nước ta xuất siêu hàng hóa kể từ năm 1993; năm 2013 xuất siêu 863 triệu USD, và đến năm 2014, Việt Nam vẫn duy trì được đà xuất siêu, khoảng 2 tỷ USD.

Giá trị gia tăng chưa cao

Tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn vừa qua còn một số tồn tại cần sớm được giải quyết. Nhìn chung, hiệu quả xuất khẩu của một số mặt hàng còn chưa tương xứng với tiềm năng. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, dẫn tới giá trị gia tăng thấp. Công tác xây dựng thương hiệu chưa thực sự hiệu quả. Đối với các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, mặc dù kim ngạch xuất khẩu lớn, đóng góp cao vào kim ngạch xuất khẩu chung nhưng chủ yếu là loại hình gia công, tỷ lệ nội địa hóa tuy đã tăng dần, nhưng vẫn còn thấp nên giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu chưa cao. Nhìn chung, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, nên không chỉ không làm tăng tỷ trọng nội địa hóa sản phẩm, mà còn làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu.

Mối liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu, doanh nghiệp chế biến và thương nhân xuất khẩu chưa được thiết lập một cách hiệu quả để góp phần ổn định nguồn nguyên liệu và tạo sự chủ động trong việc điều tiết lượng hàng xuất khẩu. Công tác xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu còn hạn chế. Do đó, chưa góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm xuất khẩu, bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng phù hợp với các quy định của WTO.

Mặt khác, năm 2014, Việt Nam nhập siêu dịch vụ khoảng 4 tỷ USD và có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây, chủ yếu do nhập khẩu dịch vụ vận tải vì hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vẫn do nước ngoài thực hiện là chính. Điều này cho thấy những bất lợi khi Việt Nam thực hiện các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ trong khuôn khổ WTO và cộng đồng ASEAN từ năm 2015 và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong tương lai không xa.

Chiến lược xuất khẩu chưa gắn với việc khai thác thế mạnh về nông nghiệp. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất dần lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới trong cạnh tranh toàn cầu. Xuất khẩu của Việt Nam hiện nay chủ yếu cạnh tranh về số lượng và giá cả, nhất là sản phẩm nông nghiệp, bao gồm chăn nuôi, trồng trọt và thủy hải sản, nên rất dễ gặp rủi ro thị trường. Xuất khẩu tập trung quá nhanh vào một số thị trường lớn, nhưng lại nghèo nàn về chủng loại sản phẩm. Vai trò điều phối của các hiệp hội ngành nghề thiếu hiệu quả, dẫn đến tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây nhiều hệ quả giữa các doanh nghiệp trong nước. Ngoại trừ các doanh nghiệp FDI có thị trường xuất khẩu ổn định, dựa vào uy tín của công ty mẹ; phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa có thị trường ổn định, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và sản phẩm đều thấp, xuất khẩu qua trung gian nên hạn chế khả năng tiếp cận và mở rộng thị trường.

Chính sách tỷ giá có tác động rất quan trọng đối với chính sách xuất khẩu, nhưng cho đến nay chính sách này vẫn chưa rõ ràng giữa mục tiêu khuyến khích xuất khẩu với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, giữ giá trị VND. Mặc dù chính sách kinh tế hướng vào xuất khẩu, nhưng việc đầu tư của Nhà nước vào hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến thị trường còn nhiều bất cập; chưa xem hoạt động này như một “chương trình quốc gia” để đầu tư nguồn lực cần thiết…

Cần mở rộng thị trường và đa dạng hoá sản phẩm  

Với bước phát triển mới của hoạt động xuất khẩu, Việt Nam phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 11%/năm. Để đạt được mục tiêu này, cần chú trọng hơn nữa trong việc phát triển nguồn hàng xuất khẩu. Có biện pháp dài hạn, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm ổn định, bền vững, nhất là các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu chủ lực, có lượng hàng hoá lớn.

Tăng cường và tiếp tục đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực vào các thị trường trọng điểm, thị trường mới có nhiều tiềm năng gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Về cơ bản, vẫn cần tiếp tục mở rộng quy mô và đa dạng hoá sản phẩm ở các thị trường lớn hiện nay như EU, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, việc mở rộng thị trường các thành viên còn lại của khối TPP, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường.

Về mặt sản phẩm xuất khẩu, bên cạnh phát triển các sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực điện tử, cơ khí, từ nay đến năm 2030 vẫn cần dựa trên một số nhóm ngành mang tính truyền thống như nông sản chế biến, trong đó có gạo, cà phê, cao su, rau quả và các loại hạt, thuỷ hải sản. Phát huy tiềm năng về cá ngừ đại dương có giá trị xuất khẩu cao dựa trên cải tiến công nghệ đánh bắt và bảo quản. Đa dạng hoá sản phẩm dệt may, da giày,… theo phân khúc thị trường của những người có mức thu nhập khác nhau.

Đẩy mạnh hoạt động đàm phán, ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan ngày càng sâu hơn của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA. Tăng cường công tác dự báo thị trường, bám sát tình hình thị trường. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường, cải thiện chất lượng hàng hóa nhằm tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.

Kiểm soát nhập siêu có hiệu quả, hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng không thiết yếu. Sử dụng các biện pháp đồng bộ như rào cản kỹ thuật, chính sách tiền tệ; tăng mạnh xuất khẩu để thu hẹp chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu. Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu và sử dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu…/.