Ý tưởng mới: vay ngân hàng bằng tài sản trí tuệ

Theo Đầu tư Tài chính

(Taichinh) - Có nhiều phương thức để doanh nghiệp kiếm tiền từ tài sản trí tuệ (IP), nhưng đối với giới ngân hàng thì đây vẫn còn là hoạt động rất mới mẻ.

Có nhiều phương thức để doanh nghiệp kiếm tiền từ tài sản trí tuệ. Nguồn: internet
Có nhiều phương thức để doanh nghiệp kiếm tiền từ tài sản trí tuệ. Nguồn: internet

Jet.com là trang web thương mại điện tử mới, được kỳ vọng sẽ ra mắt trong năm nay. Trang web này đặc biệt vì nó được ấp ủ bởi Marc Lore, một người cũ ở Amazon. Trước đó, Marc đã bán Quidsi, một hệ thống bán hàng trực tuyến liên quan đến mẹ và bé, cho chính Amazon với giá 545 triệu USD. Có lẽ vì điểm này mà Marc không gặp khó khăn khi huy động nguồn tài chính để thực hiện dự án mới. Trong số những nhà tài trợ đó, đáng chú ý là Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã rót cho Marc khoản tiền 5 triệu USD.

Tài trợ cho các dự án mạo hiểm thường là nhiệm vụ của các quỹ đầu tư, chứ ít khi nào là ngân hàng thương mại, vì tính rủi ro cao (nhưng khả năng sinh lợi cũng cao). Dù vậy, đó lại là một trong những đích nhắm của SVB.

Trong hơn 30 năm hoạt động, SVB ít khi phân bổ tài sản vào các lĩnh vực nóng như bất động sản mà lại đặt cược nhiều vào sự đổi mới công nghệ của các công ty hoạt động trong lĩnh vực phần mềm, hạ tầng, phần cứng, khoa học cuộc sống, y tế và năng lượng. SVB đã đánh giá tiềm năng của những công ty này dựa trên một loại tài sản đặc biệt: tài sản trí tuệ (IP).

IP chính là những loại tài sản vô hình mà công ty sở hữu như các loại bằng sáng chế, bản quyền, thương hiệu và cả bí mật kinh doanh. Hầu hết các công ty đều có bí mật kinh doanh ở dưới dạng nào đó như thông tin tài chính, giá cả, danh sách khách hàng… và chúng có thể rất có giá trị.

Loại tài sản vô hình này đang ngày càng tăng. Theo số liệu từ Ocean Tomo, một quỹ đầu tư hoạt động trong lĩnh vực tài sản trí tuệ, cơ cấu tài sản vô hình theo giá trị thị trường của 500 công ty trong danh mục S&P (Mỹ) đã tăng từ 17% năm 1975 lên mức 84% trong năm 2015.

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp hoàn toàn có thể bán tài sản trí tuệ để thu tiền về, hoặc bán bớt tài sản để có tiền thực hiện tái cấu trúc khi bị phá sản. Có nhiều phương thức để doanh nghiệp kiếm tiền từ IP, nhưng đối với ngân hàng, hoạt động này vẫn còn mới mẻ. Hiện tại, hoạt động đơn giản nhất đối với các ngân hàng thương mại vẫn là cho vay dựa trên tài sản thế chấp chính là các IP.

IP là loại tài sản dùng để thế chấp khá đặc biệt, vì thông thường, ngân hàng dựa trên những loại tài sản thế chấp là hữu hình như bất động sản, nhà xưởng, máy móc, hàng tồn kho, khoản tiền gửi hay các loại chứng khoán.

Nguồn tài trợ truyền thống từ ngân hàng hiếm khi đến được với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu tiếp cận được, những công ty này phải chấp nhận vay với giá cao, do ít có tài sản cố định có giá trị, nhất là công ty khởi nghiệp. Vì thế, sử dụng tài sản trí tuệ như một loại tài sản thế chấp cho các khoản vay ngân hàng có thể là giải pháp tìm vốn thay thế.

Ý tưởng về việc cho vay dựa trên tài sản thế chấp là IP đã bắt đầu manh nha tại Việt Nam. Nó đã trở thành chủ đề của một hội thảo diễn ra tại TP.HCM trong hai ngày 7-8.5. Hội thảo về tài trợ vốn có bảo đảm là tài sản trí tuệ này có sự tham gia của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các chuyên gia đến từ quốc tế và các ngân hàng Việt Nam.

Bà Nguyễn Xuân Thảo, Giáo sư Luật, Trường Luật McKinney, Đại học Tổng hợp Indiana (Mỹ), đồng thời là chuyên gia về giao dịch đảm bảo của IFC, nói rằng việc sử dụng IP làm tài sản thế chấp cho những khoản vay đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, nhưng ở Việt Nam thì còn rất hiếm và mức độ chưa đầy đủ.

Theo bà Thảo, cho vay theo hình thức này hoàn toàn có thể thành công ở Việt Nam nếu các ngân hàng thực sự quan tâm. “Các doanh nghiệp cũng cần hiểu được giá trị tài sản trí tuệ của mình trong bối cảnh khuôn khổ pháp luật liên quan dần được hoàn thiện”, bà nói thêm.

Còn ông John Kinzer, một chuyên gia về tài trợ vốn có đảm bảo là tài sản trí tuệ tham gia hội thảo, thì cho rằng: “Đối với những doanh nghiệp ở giai đoạn đầu phát triển, tài sản trí tuệ thường là tài sản đầu tiên và giá trị nhất. Đó cũng chính là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp”. Các lĩnh vực kinh doanh có giá trị tài sản trí tuệ cao thường là phần mềm, internet, phần cứng, công nghệ y tế và công nghệ sạch.

Theo John, bên cạnh những loại tài sản đảm bảo khác, việc nhận thêm tài sản sở hữu trí tuệ sẽ là một giải pháp giúp ngân hàng giảm thiểu các khoản cho vay thua lỗ trong trường hợp kết quả hoạt động của doanh nghiệp không như mong đợi.

Tuy vậy, cũng có không ít khó khăn liên quan đến hoạt động tài trợ vốn dựa trên IP. Ngay trong hội thảo, nhiều đại diện ngân hàng lên tiếng về sự rắc rối của sản phẩm mới mẻ này.

Thứ nhất, rất khó định giá tài sản trí tuệ do tài sản trí tuệ không có tài sản tương đương trên thị trường. Thông thường, các nhà đầu tư vào IP nhắm đến thu nhập kỳ vọng trong tương lai, thay vì định giá dựa trên giá trị thị trường như các loại tài sản khác. Một sai lầm thường thấy là nhà đầu tư thường quá lạc quan vào sản phẩm, cho đến khi thị trường đánh giá lại.

Còn có nhiều dấu hỏi khác liên quan đến IP. Chẳng hạn, ai có quyền sở hữu tài sản? Loại tài sản này có được bảo hộ hay không? Khi nào tài sản trí tuệ đó phát sinh thu nhập? Lộ trình phát triển kinh doanh mà người vay đưa ra liệu có phi thực tế và thiếu khách quan?

Một trường hợp khác là vấn đề giám sát tài sản trí tuệ, như mã nguồn của các phần mềm, vì đôi khi chỉ thay một vài dòng lệnh trong số ngàn hàng dòng lệnh cũng đã có thể được cấp bản quyền khác. Và giống như những khoản cho vay khác ở ngân hàng, các khoản cho vay IP này cũng có nợ xấu, một khi ngân hàng định giá sai.

Dù có không ít thách thức, nhưng sản phẩm mới này có vẻ như đang nhận được nhiều sự ủng hộ. Đại diện cho Hiệp hội Ngân hàng, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng thư ký, cho biết các ngân hàng Việt Nam lẽ dĩ nhiên cần phải duy trì tính an toàn trong hoạt động, nhưng cũng nên tiếp cận với xu hướng mới và cung cấp các sản phẩm dịch vụ mới, trong đó có việc sử dụng IP để làm tài sản đảm bảo.

Còn theo ông Hồ Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp, các pháp luật liên quan đã được cung cấp đầy đủ để bảo vệ vấn đề cho vay dựa trên tài sản trí tuệ tại Việt Nam, bao gồm Bộ luật dân sự năm 2005, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật chuyển giao công nghệ năm 2006 và những nghị định bổ sung sau này.

“Các ngân hàng được khuyến cáo cần giảm thiểu rủi ro và chú ý hơn đến các vấn đề như đăng ký sở hữu trí tuệ, mô tả tài sản thế chấp, định giá tài sản trí tuệ” ông Huy nói thêm.