Yếu tố nào quyết định xu hướng đầu tư?

Theo Thời báo Ngân hàng

“Các chính sách của Chính phủ trong nỗ lực hồi phục nền kinh tế sẽ là yếu tố chủ đạo quyết định xu hướng đầu tư của năm 2013. Nếu các chính sách được thực thi quyết liệt và chứng tỏ tính hiệu quả, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sẽ được hưởng lợi và tăng trưởng mạnh mẽ”, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt dự báo.

Yếu tố nào quyết định xu hướng đầu tư?
Sản xuất vẫn đối mặt với nhiều khó khăn do tổng cầu suy giảm. Nguồn: Internet

Tạo và duy trì niềm tin

Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau khi suy giảm mạnh trong năm 2011, TTCK Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục trong 5 tháng đầu năm 2012 nhờ những chuyển biến khả quan về kinh tế vĩ mô như lạm phát được kiềm chế, lãi suất giảm… và quyết tâm thực hiện cải cách kinh tế của bộ máy quản lý Nhà nước.

Mặc dù vậy, việc chậm chạp trong quá trình thực hiện cải cách, việc bắt giam những đối tượng có hành vi tiêu cực trong hệ thống tài chính, cộng với những chuyển biến không đáng kể và thiếu chắc chắn trong kinh tế vĩ mô đã khiến niềm tin của nhà đầu tư (NĐT) một lần nữa bị thử thách nghiêm trọng.

TTCK vì thế đã biến động tiêu cực trong hơn 3 tháng gần cuối năm 2012. Cho dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm mạnh, mức sinh lời ở kênh đầu tư vàng giảm, NĐT nắm giữ ngoại tệ cũng không tìm kiếm được cơ hội tạo lợi nhuận… nhưng dòng tiền vẫn thờ ơ với kênh chứng khoán.

Số liệu thống kê sau khi xảy ra sự kiện ngày 20/8/2012 cho thấy, giao dịch bình quân mỗi phiên giảm hơn 40%. Diễn biến này cho thấy, khi niềm tin của NĐT chưa được bảo vệ thì tâm lý bất an và vị thế đầu tư thận trọng sẽ đóng vai trò thường trực.

Ngoài sự kiện 20/8/2012, niềm tin NĐT còn chịu thử thách khá lớn khi các cam kết chính sách từ cơ quan điều hành không được thực thi đúng kế hoạch đặt ra. Bên cạnh đó, các nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, mặc dù cơ bản đạt được hiệu quả song mặt trái phải đánh đổi là sức cầu suy yếu, tăng trưởng kinh tế giảm tốc mạnh cũng khiến giới đầu tư tài chính trở nên thận trọng. Đây cũng là lý do khiến TTCK năm 2012 chuyển biến tiêu cực từ nửa cuối quý II đến gần hết quý IV.

Đến tháng 12/2012, khi cơ quan điều hành tiếp tục thể hiện mối quan tâm và đề xuất nhiều gói giải pháp tháo gỡ khó khăn nội tại cho nền kinh tế thì TTCK lại diễn biến tích cực, đảo chiều và tăng điểm. Những diễn biến trên cho thấy, để tạo sự hấp dẫn cho TTCK thì niềm tin NĐT là yếu tố quan trọng nhất cần được xây dựng và bảo dưỡng.

“Để TTCK tốt hơn trong năm 2013, vấn đề “xây dựng và duy trì niềm tin” cần được quan tâm đúng mức bởi dòng tiền sẽ chỉ tìm đến thị trường vốn khi niềm tin về chính sách và khả năng thực hiện chính sách được duy trì”, một chuyên gia chứng khoán cho biết.

Tính hiệu quả của chính sách phục hồi kinh tế

Kết quả thành công của mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2012 không chỉ nhờ hiệu quả điều hành chính sách mà còn được hưởng lợi do tình hình khó khăn của kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng. Năm 2013, trong trường hợp kinh tế thế giới vượt qua khó khăn và bắt đầu hồi phục, nhu cầu và giá cả hàng hóa nguyên liệu tăng trở lại sẽ tác động tiêu cực đến mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, quan sát biến động ở chỉ số mua hàng của nhà sản xuất (PMI) và mức tăng doanh thu hàng hóa bán lẻ và dịch vụ (loại trừ yếu tố giá), có thể thấy quá trình phục hồi kinh tế trong nước chưa ổn định và sức cầu nội địa vẫn khá yếu.

Do đó, dù kinh tế Việt Nam sẽ chuyển biến tốt hơn trong năm 2013 nhưng sẽ không đủ khả quan để hỗ trợ TTCK phát triển mạnh bởi sẽ phụ thuộc vào lộ trình xử lý nợ xấu cũng như phá băng cho thị trường bất động sản mà Chính phủ đã lên kế hoạch cho năm 2013.

Tính hiệu quả của các chính sách cần thời gian dài để kiểm chứng trong khi quá trình triển khai có thể sẽ tạo ra những mặt trái gây tác động tiêu cực trong ngắn hạn và có thể khiến thị trường trải qua những đợt biến động mạnh.

“Như vậy, các chính sách của Chính phủ trong nỗ lực hồi phục nền kinh tế sẽ là yếu tố chủ đạo quyết định xu hướng đầu tư của năm 2013. Nếu các chính sách được thực thi quyết liệt và chứng tỏ tính hiệu quả, TTCK Việt Nam sẽ được hưởng lợi và tăng trưởng mạnh mẽ”, VDSC dự báo.