Yếu tố tác động đến thương mại nội ngành hàng nông sản giữa Việt Nam và APEC

Võ Thy Trang

Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và có tác động lớn đối với nền nông nghiệp Việt Nam. Sự tăng trưởng của thương mại quốc tế trong nông nghiệp trước tiên phải kể đến sự đóng góp to lớn của thương mại nội ngành hàng nông sản. Thương mại nội ngành hàng nông sản được hiểu là việc đồng thời xuất khẩu và nhập khẩu các sản phẩm trong cùng một nhóm hàng nông sản dựa trên phân cấp hàng hóa theo tiêu chuẩn phân loại hàng hóa quốc tế. Mục đích của bài viết là xác định các yếu tố tác động đến thương mại nội ngành hàng nông sản giữa Việt Nam và APEC.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mô hình phân tích

Bài viết áp dụng mô hình trọng lực để xây dựng mô hình các yếu tố tác động đến thương mại nội ngành hàng nông sản giữa Việt Nam và APEC. Theo cách tiếp cận và phạm vi nghiên cứu, hàng nông sản xuất nhập khẩu được phân loại theo danh mục tiêu chuẩn quốc tế (SITC) phiên bản 3. Biến phụ thuộc thương mại nội ngành tính theo chỉ số Grubel và Lloyd (G-L).

Giá trị theo công thức G-L được xây dựng chạy từ 0 đến 1. Bài viết áp dụng việc chuyển đổi thành log của IIT theo Hummels và Levinsohn (1995): Ln IITij = ln (IIT/(1 – IIT)). Trong đó: lnIITij là mức độ thương mại nội ngành giữa Việt Nam và quốc gia j.

Các biến giải thích bao gồm: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP); sự khác biệt trong sản phẩm quốc nội (DGDP); thu nhập bình quân đầu người (PCI ); sự khác biệt trong thu nhập bình quân đầu người (DPCI ); khoảng cách địa lý (DIST); độ mở nền kinh tế (OPEN); đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); sự biến động về tỷ giá hối đoái (EXCHij); mức độ mất cân bằng  thương mại (TIMB); quy mô dân số (POP); diện tích đất nông nghiệp (AGRILAND) và các biến giả BOR và FTA. Tất cả các biến ngoại trừ DGDP, DPCI, TIMB, OPEN, FTA, BOR ở dạng log tự nhiên.

Mô hình phân tích như sau:

LnIITij = β0 + β1lnGDPi*GDPj+ β2DGDPij + β3lnPCIi*PCIj+ β4DPCIij + β5lnDISTij + β6lnPOPi*POPj+β7OPENi*OPENj+ β8TIMBi*TIMBj + β9lnFDIi*FDIj +β10EXCHij + β11lnAGRILANDi* AGRILANDj + β12BOR + β13FTA +  uijt

Giả thuyết nghiên cứu

Giả thuyết 1: Khi quy mô kinh tế trung bình của hai ngày càng cao, thì thương mại nội ngành hàng nông sản càng cao.

Lancaster (1980), Helpmanvà Krugman (1985) cho rằng, khi quy mô kinh tế lớn hơn, các nhà sản xuất sẽ có cơ hội lớn trong việc khai thác lợi thế kinh tế nhờ quy mô với một loạt các sản phẩm khác biệt. Đồng thời, khi nền kinh tế lớn hơn cũng có thể có một nhu cầu cao hơn cho hàng hóa nhập khẩu. Bài nghiên cứu mong đợi một mối tương quan cùng chiều giữa quy mô nền kinh tế với thương mại nội ngành.
Giả thuyết 2: Sự khác biệt quy mô kinh tế của cả hai càng nhỏ thì thương mại nội ngành hàng nông sản càng lớn.

Dựa trên nghiên cứu của Balassa and Bauwens (1988), Sawyer và các cộng sự (2010) cho thấy, sự khác biệt quy mô kinh tế được ký hiệu là DGDPij thay vì phương pháp nhận giá trị tuyệt đối, một phương pháp tính toán nhận giá trị tương đối theo cách thể hiện như sau:Yếu tố tác động đến thương mại nội ngành hàng nông sản giữa Việt Nam và APEC - Ảnh 1

Công thức trên cho thấy, khi w nhận giá trị bằng 1/2, giá trị DGDP sẽ tiến gần về giá trị 0, mức độ khác biệt về quy mô kinh tế bằng 0. Khi w tiến gần về 0 hoặc 1, DGDP sẽ tiến dần về giá trị đơn vị, sự khác biệt về quy mô kinh tế là vô cùng. Phương pháp tính toán này là cân xứng, DGDP sẽ tuân theo xu hướng tương tự với những thay đổi của w từ 0 đến 1. Giả thuyết 3: Thu nhập bình quân đầu người càng cao, thương mại nội ngành hàng nông sản càng lớn.

Theo Barker (1977) các quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người cao thì cơ cấu về cầu sẽ phức tạp và có sự khác biệt hơn. Mức thu nhập tác động đến nhu cầu tiêu dùng, thu nhập khác nhau sẽ có nhu cầu về hàng nông sản khác nhau.

Các nhà sản xuất dựa vào mức thu nhập của người dân sản xuất ra loại hàng nông sản phù hợp và được nhiều người ưa chuộng, số ít người còn lại thì sử dụng hàng nông sản được nhập khẩu từ các nước khác. Vì vậy, kỳ vọng có tương quan cùng chiều giữa mức thu nhập bình quân đầu người với thương mại nội ngành.

Giả thuyết 4: Sự khác biệt về thu nhập bình quân đầu người giữa các nước càng nhỏ, thương mại nội ngành hàng nông sản càng lớn.

Về phía cầu, theo Linder (1961) đã chỉ ra sự khác biệt trong cấu trúc cầu dựa trên sự khác biệt về thu nhập bình quân đầu người. Người dân ở các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp có thể muốn tiêu thụ hàng nông sản với tiêu chuẩn chất lượng thấp hơn; còn người tiêu dùng ở các nước có thu nhập cao hơn sẽ có đòi hỏi chất lượng hàng nông sản và sự khác biệt hóa sản phẩm phức tạp hơn. Như vậy, sẽ ít có sự chồng chéo trong cấu trúc cầu giữa quốc gia có thu nhập thấp và quốc gia có thu nhập cao.

Về phía cung, theo Falvey và Kierzkowski (1987) cho rằng, các nước có thu nhập cao có lượng vốn dồi dào sẽ sản xuất hàng nông sản thâm dụng vốn với chất lượng cao, ngược lại nước có thu nhập thấp với lực lượng lao động dồi dào sẽ sản xuất hàng nông sản thâm dụng nhiều lao động, do đó chất lượng hàng nông sản thấp hơn.

Như vậy, sự khác biệt ở thu nhập bình quân đầu người được kỳ vọng có tương quan ngược chiều với thương mại nội ngành. Trong nghiên cứu này, sự khác biệt về thu nhập đầu người được ký hiệu là DPCI theo Balassa &Bauwens (1987) được tính toán như sau:

Yếu tố tác động đến thương mại nội ngành hàng nông sản giữa Việt Nam và APEC - Ảnh 2
Giả thuyết 5: Khoảng cách địa lý càng xa, thương mại nội ngành hàng nông sản càng bị thu hẹp.

Khi Việt Nam và đối tác thương mại gần nhau về mặt địa lý thì chi phí vận chuyển và chi phí thông tin thấp hơn, văn hóa tương đồng, do đó có thể làm tăng thương mại nội ngành. Đặc biệt, nếu các quốc gia có đường biên giới chung thì thương mại nội ngành của Việt Nam với các đối tác thương mại có thể cao hơn khi không chung biên giới.

BOR là biến giả, nó nhận giá trị 1 nếu các nước tiếp giáp với nhau và nhận giá trị 0 khi các nước không tiếp giáp với nhau. Với khoảng cách địa lý ngắn hơn và đường biên giới chung thì kỳ vọng gia tăng cường độ thương mại nội ngành.

Giả thuyết 6: Quy mô dân số càng lớn, thương mại nội ngành hàng nông sản càng lớn.

Quy mô dân số phản ánh nguồn lực lao động của mỗi quốc gia mà nguồn lao động là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao khả năng sản xuất của mỗi quốc gia và lượng hàng xuất khẩu. Đồng thời, quy mô dân số càng lớn thì đòi hỏi thị trường tiêu thụ sản phẩm càng lớn. Thêm vào đó là sự đa dạng hóa trong nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sẽ góp phần thu hút hàng hóa nhập khẩu. Chính điều này sẽ khiến thương mại nội ngành hàng nông sản tăng lên. Nghiên cứu kỳ vọng mối tương quan cùng chiều giữa yếu tố quy mô dân số với thương mại nội ngành.

Giả thuyết 7: Độ mở nền kinh tế càng lớn, thương mại nội ngành hàng nông sản càng phát triển.

Các nghiên cứu của Leamer (1988) cho rằng, độ mở nền kinh tế càng lớn thì khối lượng thương mại và sản phẩm đa dạng càng lớn. Trên phương diện lý thuyết, thương mại nội ngành có quan hệ cùng chiều với độ mở của nền kinh tế. Lee and Lee (1993) chứng minh rằng, các quốc gia có rào cản thương mại thấp thường có mức độ  thương mại nội ngành cao. Nghiên cứu kỳ vọng yếu tố độ mở nền kinh tế có tương quan cùng chiều với thương mại nội ngành. Độ mở của nền kinh tế được tính bằng tỷ trọng của tổng giá trị xuất khẩu so với tổng GDP của nước đó.     

Giả thuyết 8: Mức độ mất cân bằng thương mại càng lớn, thương mại nội ngành hàng nông sản càng nhỏ.

Leitão và Faustino (2009) cho rằng, sự mất cân bằng thương mại là một trong của các biến giải thích trong việc ước lượng các yếu tố tác động đến thương mại nội ngành. Mức độ mất cân đối trong thương mại sẽ làm giảm thương mại hai chiều giữa hai quốc gia.

Nghiên cứu sự mất cân bằng thương mại TIMBij như là một yếu tố kiểm soát sự thiên lệch trong ước lượng của thương mại nội ngành và bài viết kỳ vọng có mối tương quan ngược chiều giữa sự mất cân bằng thương mại với thương mại nội ngành. TIMBij được xác định như sau:

Yếu tố tác động đến thương mại nội ngành hàng nông sản giữa Việt Nam và APEC - Ảnh 3
Trong đó: Xij là giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang các thành viên APEC; Mij là giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ các thành viên APEC.
Giả thuyết 9: Đầu tư trực tiếp nước ngoài càng lớn, thương mại nội ngành hàng nông sản càng lớn.

Theo Caves (1981), do cầu khác nhau về cùng một sản phẩm như nhau mà sản xuất lại tùy thuộc vào quy mô kinh tế, theo đó kỳ vọng yếu tố FDI tương quan cùng chiều với thương mại nội ngành.

Giả thuyết 10: Sự biến động về tỷ giá hối đoái càng lớn, thương mại nội ngành hàng nông sản càng giảm.

Theo nghiên cứu của Serlega và Shin (2007), Rault và cộng sự (2007) cho thấy, sự biến động về tỷ giá hối đoái càng cao thì mức độ thương mại nội ngành của quốc gia đó sẽ càng giảm. Vì vậy, nghiên cứu kỳ vọng có mối tương quan ngược chiều giữa sự biến động của tỷ giá hối đoái với thương mại nội ngành. Yếu tố sự biến động tỷ giá được xác định bằng công thức sau:

Yếu tố tác động đến thương mại nội ngành hàng nông sản giữa Việt Nam và APEC - Ảnh 4
Trong đó: Exit Tỷ giá hối đoái (tính bằng USD) của VN năm t; ex jt Tỷ giá hối đoái tính (bằng USD)của đối tác thương mại năm t.

Giả thuyết 11: Diện tích đất nông nghiệp càng lớn, IIT hàng nông sản càng lớn.

Nghiên cứu của Jambor (2014) chỉ ra rằng, quốc gia nào có yếu tố đất đai trong nông nghiệp lớn, thì có tiềm năng sản xuất hàng nông sản quy mô lớn, có khả năng đáp ứng nhu cầu của quy mô thị trường lớn. Ở đây, nghiên cứu kỳ vọng mối tương quan cùng chiều giữa yếu tố diện tích đất nông nghiệp với thương mại nội ngành.

Giả thuyết 12: Độ lớn của thương mại nội ngành hàng nông sản có mối tương quan cùng chiều với việc tham gia vào các liên kết kinh tế khu vực.

Khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, việc giảm dần các rào cản thương mại quốc tế sẽ làm gia tăng thương mại nội ngành. FTA là biến giả, nhận giá trị 1 nếu có hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam và đối tác khác, nếu không thì nhận giá trị 0, từ đó kỳ vọng kết quả ước lượng sẽ mang dấu dương.

Kết quả ước lượng mô hình

Sử dụng phương pháp kiểm định Hausman bằng phần mềm Stata phiên bản 12 cho kết quả với p-value> 0,05 nên áp dụng phương pháp tác động ngẫu nhiên (REM) và sử dụng dữ liệu mảng cho kết quả ước lượng các yếu tố tác động đến thương mại nội ngành của Việt Nam với các thành viên APEC giai đoạn 1997 – 2014.

Theo kết quả này, các hệ số hồi quy đều có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 10%, trừ nhân tố mức độ mất cân bằng trong thương mại, FDI và biến động tỷ giá hối đoái. Điều đó có nghĩa, các nhân tố đều có tác động đến thương mại nội ngành hàng nông sản của Việt Nam với các thành viên APEC chỉ trừ nhân tố mức mất cân bằng trong thương mại, FDI và biến động tỷ giá hối đoái.

Yếu tố quy mô kinh tế có ảnh hưởng quan trọng và tích cực đến thương mại nội ngành. Điều đó, phản ánh thương mại nội ngành hàng nông sản của Việt Nam có khả năng diễn ra với các nền kinh tế lớn hơn so với những nền kinh tế nhỏ. Quy mô kinh tế của Việt Nam và đối tác thương mại tăng 1% thì mức độ thương mại nội ngành hàng nông sản của Việt Nam và đối tác thương mại sẽ tăng thêm trung bình lần lượt là 4,805%.

Bên cạnh đó, sự khác biệt về quy mô kinh tế giữa Việt Nam và đối tác thương mại có ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại nội ngành. Sự khác biệt quy mô kinh tế tăng 1% thì mức độ thương mại nội ngành hàng nông sản của Việt Nam và đối tác thương mại sẽ giảm bình quân -0,078%. Khi 2 nền kinh tế có sự tương đồng về quy mô kinh tế càng lớn thì cơ cấu cầu sẽ tương tự nhau về sản phẩm khác biệt. Hai quốc gia càng có sự khác biệt về nguồn lực sẵn có thì khả năng về thương mại nội ngành càng thấp.

Thương mại nội ngành hàng nông sản của Việt Nam có khả năng diễn ra với các nước có thu nhập bình quân đầu người cao hơn với nước có thu nhập bình quân đầu người nhỏ. Yếu tố thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam và đối tác thương mại tăng 1% thì thương mại nội ngành hàng nông sản của Việt Nam và đối tác thương mại sẽ tăng thêm trung bình là 5,617%.

Yếu tố sự khác biệt về thu nhập bình quân đầu người giữa Việt Nam và các nước tăng 1% thì mức độ thương mại nội ngành hàng nông sản sẽ giảm trung bình là 0,173%. Kết quả này phản ánh đúng lý thuyết do sự khác biệt về thu nhập càng lớn, .

Yếu tố quy mô dân số cũng có ảnh hưởng tích cực đối với thương mại nội ngành. Khi quy mô dân số càng lớn thì đòi hỏi thị trường tiêu thụ hàng nông sản càng lớn, bởi hầu hết các mặt hàng nông sản là thiết yếu với đời sống con người. Điều này cho thấy, quốc gia có quy mô dân số càng lớn thì mức độ thương mại nội ngành hàng nông sản càng lớn.

Yếu tố tác động đến thương mại nội ngành hàng nông sản giữa Việt Nam và APEC - Ảnh 5

Khi độ mở nền kinh tế của một nước càng lớn, khả năng hội nhập vào nền kinh tế thế giới càng sâu rộng, các rào cản thương mại được giảm dần. Do đó, khối lượng và phân loại hàng nông sản được trao đổi đa dạng hơn; yếu tố biến động tỷ giá hối đoái theo đó có thể tác động rõ ràng theo một chiều xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng nông sản của một nước nhưng lại tác động không rõ ràng lên việc đồng thời xuất khẩu và nhập khẩu hàng nông sản.  

Kết quả ước lượng các yếu tố mức độ mất cân bằng thương mại, yếu tố đầu tư trực tiếp nước ngoài và sự biến động tỷ giá hối đoái không có ý nghĩa thống kê đến thương mại nội ngành. Điều này có thể được giải thích rằng, các yếu tố này có thế tác động đến mức độ thương mại nội ngành của một quốc gia.  

Ngoài ra, hệ số FTA mang dấu dương, phản ánh việc Việt Nam và đối tác thương mại cùng tham gia hiệp định thương mại tự do song phương có tác động tích cực đến thương mại nội ngành. Theo đó, tham gia hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam với các nước đối tác thương mại sẽ cần một lộ trình để hoàn chỉnh các cam kết về thuế quan giữa hai bên…

Kết luận và khuyến nghị chính sách

Việt Nam cần chú trọng mô hình tăng trưởng kinh tế hướng tới nâng cao chất lượng, chú trọng đến yếu tố năng suất, hiệu quả với sự tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhờ vào gia công chế biến với hiệu quả thấp sang mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác lợi thế cạnh tranh, chú trọng nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí trung gian trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh và đáp ứng trúng thị hiếu tiêu dùng.

Ngành Nông nghiệp Việt Nam cần áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm nông sản, ứng dụng công nghệ sạch trong nuôi trồng và chế biến rau quả, thực phẩm; Hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng hoá chất trong nông sản; Đồng thời, việc sản xuất nông sản ngoài việc cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa, phát triển sản xuất nông sản hàng hóa cần cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến nông sản.

Việt Nam cần xây dựng chính sách ưu tiên trong lựa chọn các đối tác thương mại mà mình có lợi thế về khoảng cách địa lý, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới với Việt Nam để giảm chi phí vận chuyển và chi phí thông tin, tiết kiệm thời gian vận chuyển, giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp. Qua đó, giúp Việt Nam duy trì và phát huy lợi thế, thúc đẩy thương mại nội ngành hàng nông sản trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

1. Bergstrand, J. H. (1989), The Generalized Gravity Equation, Monopolistic Competition, and the Factor Proportion Theory in International Trade, The Review of Economics and Statistics 71: 43-153;

2. Lancaster, K. (1980), “Thương mại nội ngành trong cạnh tranh hoàn hảo”, Tạp chí Kinh tế Quốc tế 10 (2): 151-175;

3. Nguyễn Trần Dũng, (2011), “Tác động của FATA tới thương mại Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế và kinh doanh 27, ĐHQGHN: 226 –227.