05 giải pháp sản xuất nông nghiệp thời 4.0


Để khai thác được tiềm năng và chuyển đổi cách sản xuất, tiếp cận sự đổi mới, do đó việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp đã, đang trở thành xu hướng và đem lại những kết quả quan trọng. Muốn phát triển theo hướng này, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền nông nghiệp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, 40% lực lượng lao động khu vực nông thôn, cùng hàng triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ đang đặt ra nhiều thách thức đối với yêu cầu tăng trưởng nhanh và bền vững của ngành Nông nghiệp nước ta.

Thực trạng của sản xuất nông nghiệp hiện nay

Theo nghiên cứu của ThS. Nguyễn Thị Thu - Khoa Quản trị kinh doanh, trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp cho rằng, ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất nông nghiệp đã trở thành xu hướng và được Chính phủ quan tâm, chú trọng phát triển.

Trên thế giới, điển hình là, Thái Lan đã ban hành chính sách đổi mới công nghệ định hướng nông nghiệp và thực phẩm theo ứng dụng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ nước này còn xây dựng chương trình hành động cho phát triển từng vùng với các sản phẩm cụ thể cho từng lĩnh vực.

Tại Việt Nam, ngành Nông nghiệp đã đạt được những thành tựu quan trọng, giá trị sản phẩm gia tăng nhiều lần, sản lượng nông sản hàng hóa ngày càng đa dạng, thu nhập và đời sống người nông dân được cải thiện. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp hàng hóa chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Việt Nam.

Thực tế, quy mô sản xuất nhiều ngành hàng còn manh mún, chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản chưa cao. Mặt khác, khu vực nông thôn Việt Nam chiếm khoảng 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động với hàng triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với yêu cầu tăng trưởng nhanh, bền vững.

Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam cũng đang rất thiếu lao động lành nghề, có trình độ chuyên môn và đang phải đối diện với những thách thức lớn về sự thiếu hụt lao động có trình độ cao và kỹ năng chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0.

Hệ thống đào tạo nghề cũng còn lạc hậu, chưa đủ sức đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao cho sản xuất và đời sống. Đào tạo nghề vẫn chủ yếu là giảng dạy, hướng dẫn những kiến thức kỹ năng mà các tổ chức dạy nghề có, không thực sự xuất phát từ yêu cầu của người học. Chương trình đào tạo còn mang tính lý thuyết cao, thiếu yếu tố thực hành. Dạy nghề chưa kết hợp với sử dụng tạo việc làm, chưa gắn kết chiến lược đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Giải pháp cho sản xuất nông nghiệp

Để khắc phục những hạn chế trên, ThS. Nguyễn Thị Thu đã đưa ra một số nội dung, giải pháp cần quan tâm trong thời gian tới như sau:

Một là, Nhà nước cần cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách hỗ trợ công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp, trong đó tập trung cho đào tạo dài hạn đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật cao ở các lĩnh vực then chốt như: công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ thông tin và khoa học quản lý...

Thúc đẩy quá trình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh quá trình hoạt động và phát triển của các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; ưu tiên tài trợ cho các tổ chức, cá nhân có công trình khoa học - công nghệ xuất sắc.

Mặt khác, có chính sách hướng vào việc đãi ngộ nhân tài phục vụ ở nông thôn, nông nghiệp, nhằm thu hút người giỏi quản lý và lãnh đạo về với nông thôn như: Tăng lương, tăng các khoản phúc lợi để tạo thu nhập cao cho cán bộ quản lý ở nông thôn, xóa bỏ sự bất hợp lý trong việc hưởng lương cao theo thâm niên công tác, tập trung ưu tiên chế độ trả lương theo hiệu quả công việc và tính sáng tạo.

Hai là, cần có những định hướng, chính sách về đào tạo, thu hút sinh viên vào học ngành Nông nghiệp, gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng lao động; nên khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở dạy nghề, thực hiện chương trình hợp tác đào tạo tại khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để đào tạo, huấn luyện công nhân, kỹ thuật viên, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp.

Ba là, các trường đại học cần tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo và hướng nghiệp từ bậc phổ thông tại khu vực nông thôn; đa dạng hóa hình thức đào tạo dạy nghề, có cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề theo yêu cầu; đổi mới phương pháp đào tạo nghề, tập trung vào đào tạo năng lực thực hành, kỹ năng, kỹ thuật cốt lõi và các kỹ năng mềm cho học viên.

Bốn là, thực hiện nghiên cứu thử nghiệm và triển khai mô hình học đại học thông qua những dự án thí điểm về đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp 4.0 theo cơ chế đặt hàng. Đồng thời, cấu trúc lại, điều chỉnh chương trình giảng dạy theo nhu cầu của các bên liên quan; Tích hợp, hợp tác chặt chẽ giữa nghiên cứu, thực hành trong môi trường chuyên nghiệp và sử dụng đầy đủ các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và tư nhân.

Năm là, gắn đào tạo với thị trường lao động, thực hiện đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp, lập sàn giao dịch việc làm kỹ thuật số kết nối với doanh nghiệp. Bênh cạnh đó, tăng cường sự tham gia của sinh viên vào các hoạt động thực tiễn sản xuất… Đây là mấu chốt quan trọng để tạo ra nguồn nhân lực mới đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất về phía nhà nước nông nghiệp thời kỳ 4.0.