20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN

Theo kinhtevadubao.vn

Lễ kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm nay diễn ra vào thời điểm quan trọng khi ASEAN sắp hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 tại Malaysia. Nguồn: internet
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 tại Malaysia. Nguồn: internet

Quyết định mang tính lịch sử

Cách đây 20 năm, ngày 28-7-1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) ở Brunei, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội này.

20 năm đồng hành với 48 năm hình thành và phát triển ASEAN, những dấu ấn tốt đẹp, những đóng góp, những sáng kiến của Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét trong ASEAN.

Việc gia nhập ASEAN đã thể hiện rõ nét chính sách chủ động hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam, mở ra một thời kỳ hội nhập sâu vào khu vực của Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế.

Việc gia nhập ASEAN năm 1995 của Việt Nam được đánh giá là một quyết định rất quan trọng, có ý nghĩa cả ở tầm quốc gia và khu vực. Quyết định đã tạo cho Việt Nam sự gắn kết với khu vực, cùng với khu vực xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác; tạo cơ hội và tạo đà cho Việt Nam từ hội nhập khu vực đến hội nhập quốc tế, giúp Việt Nam nâng cao vị thế, mở rộng hợp tác với các nước không chỉ trong khu vực mà với cả các nước đối tác lớn.

Việc ASEAN kết nạp Việt Nam cũng như Việt Nam gia nhập ASEAN đã tạo một môi trường gắn kết với nhau hướng tới một ASEAN gồm 10 nước Đông Nam Á. Với Việt Nam tham gia, ASEAN có điều kiện hơn để hướng tới xây dựng cộng đồng và đóng góp vai trò trung tâm của mình trong hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.

Nhìn lại toàn bộ quyết sách của Việt Nam tham gia ASEAN và quá trình tham gia ASEAN thời gian qua, có thể thấy Việt Nam có được môi trường hợp tác hòa bình, ổn định trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành đổi mới, hướng tới hội nhập vào khu vực và quốc tế; giúp cho Việt Nam phát triển kinh tế, tranh thủ sự giúp đỡ, đầu tư của các nước ở khu vực; nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam, Việt Nam không chỉ mở rộng quan hệ song phương với các nước trong khu vực, mà còn với các nước, các đối tác lớn là đối tác của ASEAN.

Đến sau, nhưng lại đi đầu

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cho rằng, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng mặc dù là “người đến sau,” trình độ phát triển còn thấp, song Việt Nam lại nằm trong nhóm nước đi đầu về việc thực hiện các biện pháp xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đạt tỷ lệ ấn tượng 93,5% so với mức trung bình 90,5% của các nước ASEAN.

"Chúng ta cũng tham gia đầy đủ và sâu rộng vào các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chính trị- an ninh, văn hóa- xã hội và quan hệ đối ngoại. Đặc biệt, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mở rộng và thể chế hóa khuôn khổ quan hệ của ASEAN với các nước lớn và các đối tác quan trọng", Phó Thủ tướng cho biết.

Trong năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam, quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để kết nạp thêm Mỹ và Nga, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN Mở rộng (ADMM+), vận động để đại diện cho ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Hàn Quốc và Canada thể hiện Việt Nam có tầm nhìn chiến lược vượt ra ngoài khu vực.

Vai trò của Việt Nam tiếp tục được thể hiện rõ nét qua những đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng các văn kiện định hướng lớn đưa ASEAN chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh liên kết và xây dựng cộng đồng như: Tuyên bố Hòa họp Bali II năm 2003, Chương trình Hành động Vientiane (VAP) năm 2004, Hiến chương ASEAN năm 2007, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009-2015, Kế hoạch Công tác Sáng kiến Liên kết ASEAN.

Trong 4 lĩnh vực hợp tác chính của ASEAN về chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và quan hệ đối ngoại, Việt Nam đã có những đóng góp cụ thể:

Về chính trị - an ninh, Việt Nam cùng các nước ASEAN tiếp tục thúc đẩy 14 lĩnh vực ưu tiên, triển khai các mục tiêu còn lại của Kế hoạch tổng thể APSC; tích cực triển khai sáng kiến của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM); chủ trì tổ chức thành công Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF), tham gia các hoạt động cụ thể của ASEAN về phòng, chống khủng bố và các loại tội phạm.

Về kinh tế, Việt Nam là 1 trong 3 nước đạt tỷ lệ cao nhất trong việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN (84,5%), tích cực đàm phán về các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ và nỗ lực hoàn thành cam kết về xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm trong các ngành ưu tiên hội nhập, mở rộng hợp tác và liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác.

Về văn hóa - xã hội,Việt Nam đã chủ động đề xuất sáng kiến, ủng hộ hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của ASEAN hiện nay, như an sinh xã hội, môi trường, quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu và thúc đẩy, bảo vệ quyền của lực lượng lao động di cư.

Qua 20 năm là thành viên của ASEAN, từ những bước đi bỡ ngỡ ban đầu, Việt Nam ngày càng trưởng thành, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN với tinh thần trách nhiệm cao.

Việt Nam là một trong số những nước đạt tỷ lệ thực thi cao các chương trình, biện pháp liên kết kinh tế của ASEAN. Những nền tảng tốt đẹp mà Việt Nam đã tạo dựng được trong gần hai thập kỷ qua là xung lực quan trọng để chúng ta tiếp tục nỗ lực hết mình vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh và phồn vinh.