3 điểm sáng của thu hút FDI năm 2013

TS. PHAN HỮU THẮNG

(Tài chính) Những kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2013 đã khẳng định, Việt Nam tiếp tục có môi trường đầu tư hấp dẫn dù kinh tế thế giới vẫn trong cơn suy thoái. Bài viết phân tích những kết quả cũng là những điểm sáng cốt lõi trong thu hút FDI năm 2013, qua đó kỳ vọng sẽ tiếp tục được phát huy trong năm 2014…

Điểm sáng năm 2013

Hội nghị tổng kết 25 năm FDI tại Việt Nam được tổ chức vừa qua đã thẳng thắn đánh giá rõ các thành tựu, hạn chế và nguyên nhân dẫn đến hạn chế để có những quyết sách hợp lý phát huy “nguồn lực ngoại” này ở Việt Nam. Qua đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 103/ NQ-CP ngày 29/08/2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới (Nghị quyết 103/NQ-CP). Nghị quyết 103/NQ-CP, một lần nữa vai trò quan trọng của FDI trong nền kinh tế Việt Nam được tái khẳng định.

Sự nhất quán trong định hướng và sự chỉ đạo sát thực tiễn của Chính phủ, cùng với những lợi thế của Việt Nam, sự năng động của cộng đồng các doanh nghiệp (DN) trong nước và DN FDI đã tạo nên các kết quả đáng khích lệ cho năm 2013. Kết quả này càng có ý nghĩa trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang còn phải đối đặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Xin điểm lại cụ thể 3 vấn đề cốt lõi của FDI mà bất kỳ quốc gia tiếp nhận FDI nào đều phải tính đến là vốn, công nghệ và quản lý nhà nước. Điều đáng mừng là, FDI đạt được trong năm 2013 khác với các năm trước, qua những tiến độ đáng kể trong cả 3 vấn đề cốt lõi.

Hấp dẫn về vốn

Vốn là vấn đề cốt lõi trong thu hút FDI và được xác định là mục tiêu quan trọng nhất, bởi có vốn thì có đầu tư, có thu nhập cho ngân sách, tạo ra việc làm, có hàng xuất khẩu, giúp được việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế… và thực hiện được mục tiêu công nghiệp hóa. hiện đại hóa đất nước. Năm 2013, trước bối cảnh đầu tư từ khu vực nhà nước suy giảm, đầu tư khu vực ngoài nhà nước thì một lượng vốn lớn bị “chôn” vào bất động sản, vàng và ngoại tệ, cùng với việc nhiều DN phải đóng cửa, thì nguồn vốn FDI lại là điểm sáng nhất.

Kết quả sau 6 tháng đầu năm 2013, vốn FDI thực hiện đạt được 5,7 tỷ USD tăng 5,6% so cùng kỳ năm trước, bằng 54,8% cả năm 2012, tương ứng là số vốn FDI đăng ký đạt 10,5 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ năm trước và bằng 80% so cả năm 2012. Đà tăng trưởng ngoạn mục đó tiếp tục trong 6 tháng cuối năm, để cả năm 2013, vốn FDI thực hiện đạt được trên 11,5 tỷ USD tăng 9,9 % so với 10,5 tỷ USD 2012, vốn FDI đăng ký đạt khoảng 21,6 tỷ USD tăng 54 % so với 13,9 tỷ USD năm 2012. Cụ thể qua các chỉ tiêu sau:

Thứ nhất, FDI gia tăng về lượng. Năm 2013 đã vượt đáy suy giảm FDI kể từ năm 2009, năm 2009 vốn đăng ký đạt 23,1 tỷ USD, vốn thực hiện đạt được 10 tỷ USD, năm 2010 số vốn tương ứng là 19,8 tỷ USD và 11 tỷ USD, năm 2012 là 13,9 tỷ USD và 10,4 tỷ USD. Năm 2013 là 21,5 tỷ USD và 11,5 tỷ USD.

Thứ hai, chất lượng vốn cao, thông qua tỷ lệ đầu tư vào các dự án có quy mô lớn với hàm lượng công nghệ cao và vẫn tập trung đầu tư lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo.

Thứ ba, tiến độ giải ngân nhanh và vốn FDI thực hiện trong năm 2013 với 11,5 tỷ USD lại mức cao nhất vào năm 2008.

3 điểm sáng của thu hút FDI năm 2013 - Ảnh 1

Bên cạnh đó, một số dự án có quy mô lớn đã được cấp phép tính đến hết tháng 11/2013 như: Điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,8 tỷ USD của dự án lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa); Tăng vốn đầu tư của dự án Samsung Electrisonic Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh từ 1,5 tỷ USD lên 2,5 tỷ USD tháng 6/2013; Dự án tổ hợp công nghệ cao Samsung Electronic Việt Nam (SEVT), vốn đầu tư 2 tỷ USD tại Thái Nguyên;

Dự án lọc dầu Vũng Rô (Phú Yên), tăng vốn đầu tư từ 1,7 tỷ USD lên 3,18 tỷ USD tương ứng với việc nâng công suất đăng ký ban đầu lên trên 4 triệu tấn, được trao giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư tháng 10/2013; Dự án Bus Industrial Center, vốn đầu tư 1 tỷ USD của nhà đầu tư Liên Bang Nga tại Bình Định; Dự án Samsung Electronic – Mechanics (SEM) vốn đầu tư 1 tỷ USD để sản xuất, cung ứng vi mạch và linh kiện điện tử cho điện thoại đi động của dự án Tổ hợp công nghệ cao Samsung Electronic Việt Nam (SEVT) cũng tại Thái Nguyên.

FDI năm 2013 được đánh giá cao do các dự án nêu trên tuy có quy mô lớn nhưng đã tích cực triển khai nhanh theo đúng tiến độ đăng ký như dự án SEVT đã khởi công vào tháng 3/2013, dự án SEM đã triển khai ngay để đi vào sản xuất tháng 8/2014, dự án lọc dầu Vũng Rô đã ký hợp đồng thiết kế tổng thể dự án và trao thư chọn thầu EPC cho Tập đoàn JGC (Nhật Bản)... Chỉ với 7 dự án cấp mới và tăng vốn có quy mô lớn nêu trên đã chiếm tới gần 11 tỷ USD trong tổng vốn đăng ký bằng khoảng 50% tổng vốn đăng ký FDI năm 2013.

Chuyển biến tích cực về công nghệ

Cùng với mục tiêu thu hút vốn đầu tư, FDI được đánh giá là kênh quan trọng để thu hút công nghệ từ các nước có nền công nghệ phát triển vào Việt Nam. Điều này, góp phần quan trọng vào việc đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ công nghệ của toàn bộ nền kinh tế nói chung và của các DN Việt Nam nói riêng.

Thiếu công nghệ cao, rõ ràng nền kinh tế Việt Nam không thể cạnh tranh và không thể rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước khác, cũng như không thể đạt được mục tiêu công nghiệp hóa. hiện đại hóa đất nước. Với thực trạng mới chỉ có 5-6% số lượng DN có vốn FDI sử dụng công nghệ cao, số còn lại chưa là loại tiên tiến, hiện đại, chỉ ở mức trung bình so với thế thì thu hút FDI năm 2013 đã có bước tiến bộ đáng kể về công nghệ cao.

Các dự án SEV, SEVT, SEM nêu trên của Tập đoàn Samsung cùng với hàng chục các DN FDI phụ trợ khác do Samsung đưa vào và một số dự án khác như Nokia trong năm 2013 cũng đã khánh thành nhà máy tại Bắc Ninh… là minh chứng cụ thể về sự tiến bộ của FDI năm 2013 về thu hút công nghệ so với các năm trước đây.

Nâng cao chất lượng quản lý

Qua các sự kiện nổi bật liên quan đến thu hút FDI được tổ chức thực hiện trong năm 2013, như Hội nghị Tổng kết 25 năm FDI tại Việt Nam, Chính phủ ban hành Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 29/08/2013 về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI thể hiện Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao vai trò của FDI trong nền kinh tế.

3 điểm sáng của thu hút FDI năm 2013 - Ảnh 2


Các sự kiện trên cho thấy, công tác quản lý nhà nước đã đi vào chiều sâu, chỉ rõ ra được các khó khăn trở ngại mà FDI đang phải đối mặt và tìm ra được các giải pháp thiết thực để khắc phục. Việc thực hiện tốt, nghiêm túc Nghị quyết 103/NQ-CP chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng thu hút FDI trong giai đoạn tới hiệu quả, tiếp tục góp phần vào thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Vấn đề đặt ra trong năm tới

Tuy FDI năm 2013 đạt được các kết quả tích cực, nhưng vẫn còn đó các bất cập trong thu hút FDI chưa giải quyết được như: chưa đạt được một số mục tiêu về thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, tỷ lệ DN FDI có công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 5-6%, số còn lại chưa phải là công nghệ hiện đại chỉ đạt mức độ trung bình của thế giới; Chất lượng của dự án FDI nhìn quy mô nhỏ và vừa, sự tham gia đầu tư theo chuỗi sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế; một số DN FDI gây ô nhiễm môi trường, một số bỏ trốn, chưa đăng ký lại, một số sử dụng phương thức chuyển giá trốn thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước;

Công tác quản lý nhà nước còn bất cập như hệ thống luật pháp chính sách còn nhiều quy định chưa đồng bộ, chồng chéo, thiếu nhất quán; việc thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư trong một số trường hợp còn thiếu chặt chẽ, chưa tuân thủ đầy đủ quy hoạch; công tác thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động của các DN FDI thiếu thường xuyên, chưa hiệu quả; công tác phối hợp trong quản lý nguồn vốn FDI giữa trung ương và địa phương, giữa các cơ quan quản lý tại địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên; công tác xúc tiến đầu tư chậm được đổi mới…

Theo khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) mới nhất của Enrocharm, quan điểm của các DN châu Âu tại Việt Nam gần như không thay đổi trong suốt cả năm mặc dù đã cải thiện chút ít so với năm 2012. Điều đáng lo ngại là Liên minh châu Âu (EU) một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với 1.810 dự án FDI và tổng vốn đăng ký khoảng 723.000 tỷ đồng (34,28 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến nay) đã vắng bóng các thành viên của họ trong bảng xếp hạng 10 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam trong năm 2013.

Các vấn đề mới sắp tới như Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam; Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng cần được nghiên cứu kỹ, chuẩn bị việc tham gia có hiệu quả của FDI tại Việt Nam vào các Hiệp định này khi kết thúc đàm phán, ký kết và có hiệu lực thi hành.

Các vấn đề bất cập trong thu hút FDI năm 2013 và các vấn đề mới nêu trên chắc chắn phải được chuyển sang xử lý trong năm tới. Năm 2014, có thể nhìn thấy nguồn lực từ hơn 15.000 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 250 tỷ USD, trong đó còn trên 100 tỷ USD chưa thực hiện. Trong bề bộn của các khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế 2014, đòi hỏi phải có quyết tâm mới, giải pháp mới cho FDI trong giai đoạn tới với 60 đề án cần hoàn thành trong 2013-2014.

Giải pháp mới cũng đã được chỉ rõtại Nghị quyết 103/NQ-CP gồm 5 nhóm giải pháp về hoàn thiện luật pháp chính sách; Điều chỉnh một số nguyên tắc quản lý và phân cấp đầu tư; Hoàn thiện tiêu chí cấp giấy chứng nhận đầu tư; Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư.

Tin tưởng rằng, với những điểm sáng đã được tạo dựng trong năm 2013, cùng với sự nhìn nhận thẳng thắn những tồn tại và có các giải pháp khắc phục kịp thời, trong năm 2014 Việt Nam tiếp tục gặt hái thêm thành công mới trong thu hút FDI.

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị quyết 03/CP-NQ ngày 29/08/2013 của Chính phủ;

2. Kỷ yếu 25 năm Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT 2013);

3. Số liệu của Tổng cục Thống kê, Cục Đầu tư nước ngoài.