3 kịch bản lạm phát năm 2020

Theo Thúy Nga/thoibaonganhang.vn

Phát biểu tại hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả Việt Nam năm 2019 và dự báo 2020 do Viện Kinh tế - Tài chính tổ chức hôm nay tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, sau cú sốc giá thịt lợn tăng hơn 50% trong quý IV/2019, triển vọng kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 đã không còn chắc chắn khi CPI của tháng 12/2019 đã tăng 5,23% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong 9 năm qua.

TS. Nguyễn Đức Độ chia sẻ 3 kịch bản lạm phát trong năm 2020.
TS. Nguyễn Đức Độ chia sẻ 3 kịch bản lạm phát trong năm 2020.

Theo ông Độ, mặc dù lạm phát so với cùng kỳ năm trước sẽ có xu hướng giảm từ trên 5% hiện nay, nhưng việc mục tiêu lạm phát năm 2020 có đạt được hay không phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ giảm giá thịt lợn trong thời gian tới.

Từ góc nhìn trên, TS. Nguyễn Đức Độ chia sẻ 3 kịch bản lạm phát trong năm 2020. Theo đó, trong kịch bản thứ nhất, nếu giá thịt lợn giảm mạnh ngay trong tháng Tết nhờ dịch tả lợn châu Phi kết thúc sớm, người nông dân tái đàn thành công, đồng thời Chính phủ bình ổn giá thịt lợn thông qua biện pháp nhập khẩu, lạm phát trung bình năm 2020 có thể chỉ ở mức 3%.

Trong kịch bản thứ hai, giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao như hiện nay trong quý I/2020 do nguồn cung chỉ phục hồi đầy đủ từ quý II/2019. Lúc đó, lạm phát trung bình cả năm 2020 có thể xoay quanh mức 3,5%.

Cuối cùng, trong kịch bản xấu nhất, nếu dịch lợn tả châu Phi chưa thể kết thúc trong nửa đầu năm 2020 và lạm phát so với cùng kỳ năm trước chỉ bắt đầu giảm từ giữa năm 2020. Trong trường hợp này, việc kiểm soát lạm phát dưới 4% là tương đối khó khăn, nhất là nếu xu hướng tăng của lạm phát cơ bản vẫn tiếp tục trong những tháng tới.

Cũng theo TS. Độ, trong cả 3 kịch bản nêu trên thì các yếu tố khác tác động đến lạm phát như giá dầu, tỷ giá, giá dịch vụ y tế, giáo dục được dự báo sẽ không có những thay đổi và biến động lớn.

Cụ thể, giá dầu được cho là sẽ vẫn ổn định nhờ nguồn cung dầu đá phiến dồi dào, đồng thời kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại dẫn đến nhu cầu về dầu không cao.

Trong khi đó, tỷ giá cũng được dự báo sẽ chỉ dao động khoảng 1% nhờ nguồn cung USD dồi dào, dự trữ ngoại hối lớn, đồng thời quan trọng nhất là Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn duy trì chính sách tỷ giá thận trọng nhằm giảm thiểu khả năng Mỹ áp đặt hạn chế thương mại đối với Việt Nam.

Ở các biến số khác như giá dịch vụ y tế, giáo dục, theo ông Độ cũng sẽ chỉ điều chỉnh khi Chính phủ nhận thấy mục tiêu kiềm chế lạm phát năm 2020 chắc chắn hoàn thành.

Cuối cùng, từ những kịch bản trên, theo TS Độ, CPI trong năm 2020 được dự báo sẽ tăng trung bình khoảng 3,5% (+/- 0,5%,).