3 thách thức lớn nhất với kinh tế Việt Nam thời gian tới là gì?

Theo Vạn Xuân/bizlive.vn

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra một số nhận định về thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
ADB nhấn mạnh về một số rủi ro mà kinh tế Việt Nam đang đối đầu như sau: lạm phát, căng thẳng thương mại toàn cầu và việc Cục dự trữ liên bang Mỹ nâng lãi suất cơ bản đồng USD. 
Theo tính toán và công bố của ADB trong họp báo ngày hôm nay, nửa đầu năm 2018, lạm phát tại Việt Nam trung bình 3,3%, trong đó lạm phát cơ bản trung bình 1,35%. 
Nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng chính là việc giá dầu và giá lương thực thế giới tăng cao tác động đến giá cả trong nước. Ngoài ra phải kể đến việc tỷ giá cũng gây áp lực lên lạm phát. 
Giá dầu đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn rủi ro đẩy cao lạm phát, chính vì vậy cần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. 
Căng thẳng thương mại toàn cầu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Hiện tại vô cùng khó để lượng hoá được tác động của căng thẳng thương mại toàn cầu lên kinh tế Việt Nam, vì vậy cần theo dõi chặt chẽ diễn biến. 
Khi mà căng thẳng thương mại tăng cao, có khả năng một số nhà sản xuất Trung Quốc sẽ chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam, vì vậy cần có chính sách để ứng phó.
Ngoài ra chiến tranh thương mại ngày một tồi tệ hơn, tổng cầu thương mại thế giới giảm, thương mại Việt Nam vốn có tỷ trọng đóng góp cực cao vào nền kinh tế, chắc chắn sẽ phải chịu tác động. 
Trên phương diện đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài cũng có thể sẽ cân nhắc lại chiến lược đầu tư của họ vào Việt Nam.
ADB đồng thời cũng khuyến nghị Việt Nam cẩn trọng với khả năng Mỹ sẽ áp thuế đối kháng với hàng Trung Quốc chuyển qua Việt Nam rồi sang Mỹ để tránh thuế. 
Cuối cùng, rủi ro đối với tỷ giá tiền Đồng Việt Nam khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cũng không hề nhỏ. 
Nửa đầu năm 2018, tiền đồng Việt Nam biến động ổn định, biến động trong ngưỡng 1% theo mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong khi đồng nội tệ của nhiều nước trong khu vực mất giá sâu, đó có thể coi như thành công chính sách của Việt Nam. 
Trong thời gian tới khi Fed điều chỉnh lãi suất đồng đôla, Việt Nam cần có đối sách phù hợp để cân đối. 
Tiền Đồng Việt Nam neo tỷ giá vào đồng đô la Mỹ, nếu Việt Nam không điều chỉnh tỷ giá thì Việt Nam sẽ mất đi lợi thế trong bối cảnh Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ. 
Với tất cả những lý do trên, ADB nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,9% trong năm 2018 và 6,8% trong năm 2019. Tốc độ tăng trưởng trên so ra vẫn là rất cao so với toàn bộ khu vực Đông Nam Á.