3 yếu tố tác động đến kinh tế Việt Nam trong năm 2016

Theo kinhtevadubao.com.vn

Sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, biến động của giá dầu thế giới và thị trường tài chính toàn cầu sẽ là những yếu tố chính ảnh hưởng đến tăng trưởng của nước ta.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kết luận này được đưa ra tại tọa đàm Đánh giá tác động của tình hình kinh tế thế giới và khu vực đến kinh tế Việt Nam và một số dự báo cho 2016 do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia phối hợp với Văn phòng IMF tại Hà Nội tổ chức sáng ngày 18/5.

Tại hội đàm, ông Jonathan Dunn, Trưởng Đại diện của IMF tại Việt Nam và Lào nhận xét, khu vực châu Á tiếp tục là khu vực kinh tế năng động, đóng góp 2/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ở các quốc gia khu vực châu Á là khác nhau. Khu vực này đang đối mặt với nhiều rủi ro khi thương mại toàn cầu yếu đi và tăng trưởng chậm lại, cùng với yếu tố nội tại của các quốc gia.

Bên cạnh đó, sự bất bình đẳng về thu nhập ở châu Á cũng có ảnh hưởng đáng kể. Trong 20 năm qua, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh có sự bất bình đẳng thu nhập tương đối lớn, điều này sẽ có tác động đến tăng trưởng của các quốc gia trong tương lai.

Về kinh tế Việt Nam, ông Jonathan Dunn nhận định, Việt Nam không phải quốc gia trong top đầu châu Á, cũng chưa có không gian tài khóa cũng như không gian tiền tệ và bộ đệm dự trữ. Tuy vậy, tài khoản vãng lai của Việt Nam bắt đầu cân bằng hơn, tỷ lệ dự trữ chưa cao nhưng đã có xu hướng tăng lên.

Đánh giá một cách chi tiết, TS. Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho biết, tình hình kinh tế Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2016 phục hồi chậm. Khu vực nông – lâm – ngư nghiệp nhiều biến động do tác động khí hậu, tình trạng cá chết… từ đó ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Xuất khẩu tăng chậm, trong khi nhập khẩu tiếp tục giảm khiến Việt Nam xuất siêu 1,4 tỷ USD. Đầu tư vẫn tăng trưởng ở mức khá, tiêu dùng tăng trưởng nhẹ. Các chính sách của Ngân hàng Nhà nước về tỷ giá khiến cho tỷ giá hối đoái Việt Nam ổn định trong 4 tháng đầu năm. Thu ngân sách có sự cải thiện với tháng 4 tăng trưởng khá.

Từ đó, TS. Lương Văn Khôi đã đưa ra 3 yếu tố chính tác động đến kinh tế Việt Nam trong thời gian tới:

Một là, sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ, là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Do đó, khi tăng trưởng của nước này suy giảm sẽ khiến cho giá các mặt hàng cơ bản trên thị trường thế giới giảm đi, tạo điều kiện giảm chi phí đầu vào sản xuất của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đánh giá lại cơ hội đầu tư và chuyển hướng sang các thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao hơn như Việt Nam, thậm chí dòng vốn FDI đã vào Trung Quốc cũng có thể dịch chuyển sang Việt Nam.

Tuy nhiên, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng có một số tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam. Một số hàng hóa là nhóm hàng trung gian (trong đó chủ yếu là bán thành phẩm), nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị phụ tùng phục vụ cho tiêu dùng trong nước, sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam được nhập khẩu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc. Do đó, khi đồng Nhân dân tệ bị phá giá, nhập khẩu nhóm hàng này sẽ có khả năng tăng mạnh hơn, gây áp lực tăng nhập siêu của Việt Nam đối với các mặt hàng của Trung Quốc. Đồng thời, trong bối cảnh tăng trưởng giảm, cầu nhập khẩu hàng hóa và Trung Quốc sẽ giảm, khiến cho xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc khó khăn hơn.

Hai là, biến động của giá dầu thế giới. Giá dầu tăng sẽ có tác động tích cực đến kinh tế thế giới, từ đó ảnh hưởng tích cực đến kinh tế Việt Nam.

Ba là, biến động thị trường tài chính toàn cầu. Đồng USD giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thế giới trong 5 tháng đầu năm 2016, trong đó có VND sẽ khiến nợ ngoại tệ của Việt Nam tính bằng VND giảm xuống. Bên cạnh đó, hiện tại Việt Nam giao dịch với thế giới chủ yếu bằng đồng USD, nên khi USD giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt trên thế giới, thì giá hàng nhập khẩu tính bằng USD cũng sẽ rẻ hơn. Điều này vô hình trung sẽ khuyến khích nhập khẩu, song xuất khẩu của Việt Nam ra các nước khác gặp khó khăn.

Theo đánh giá của TS. Lương Văn Khôi về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong năm 2016 sẽ có nhiều yếu tố thúc đẩy sự phục hồi kinh tế Việt Nam như việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (TPP, EVFTA…), tiêu dùng trong nước có xu hướng tích cực, tình hình đầu tư và FDI sẽ có nhiều yếu tố thuận lợi để thúc đẩy việc thu hút nguồn vốn, và khả năng thu ngân sách năm 2016 có thể đạt và tăng cao hơn so với mục tiêu đặt ra nhờ sự cải thiện của giá dầu.

Tuy vậy, vẫn cần chú ý đến một số yếu tố cản trở đà phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, trong đó đáng chú ý là khu vực nông – lâm – thủy sản vẫn sẽ là mối lo ngại đối với tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế khi ô nhiễm môi trường làm cá biển chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nuôi trồng và khai thác hải sản. Ngoài ra, việc kiểm soát lạm phát trong năm 2016 sẽ còn nhiều thách thức do tác động của giá dầu thế giới, cùng với khả năng tăng giá các dịch vụ công ở Việt Nam và lộ trình tăng lương đã được thực hiện bắt đầu từ tháng 5/2016.